[ad_1]

Trung QuốcNhiều thợ đào Bitcoin tìm mọi cách để duy trì hoạt động, bất chấp hàng loạt động thái trấn áp của chính quyền.

Kirk đang đào Bitcoin ở tỉnh Tứ Xuyên và hy vọng không bị phát hiện. Anh chỉ là một trong nhiều thợ đào chuyển sang hoạt động chui từ khi chính phủ Trung Quốc siết chặt các hoạt động khai thác và giao dịch tiền điện tử giữa năm nay. Kirk đề nghị sử dụng biệt danh nhằm tránh bị truy dấu.

Quản lý một mỏ đào Bitcoin ở Tứ Xuyên. Ảnh: People Visual.

Quản lý một mỏ đào Bitcoin ở Tứ Xuyên. Ảnh: People Visual

Kirk đã phân tán thiết bị cày Bitcoin đến nhiều khu vực khác nhau để hạn chế gây chú ý trên mạng lưới điện. Anh bỏ qua hệ thống đồng hồ điện, chuyển sang lấy năng lượng trực tiếp từ các nhà máy phát điện nhỏ tại địa phương và không kết nối vào lưới điện toàn tỉnh.

“Tình hình 6 tháng qua khó khăn hơn nhiều so với trước đó. Không biết chính quyền sẽ làm những biện pháp gì để xóa sổ các mỏ đào”, anh nói.

Truy tìm thợ đào

Kirk không phải thợ đào Bitcoin duy nhất nỗ lực bám trụ tại Trung Quốc.

Bắc Kinh đã chặn hoạt động khai thác tiền điện tử suốt nhiều tháng qua, nhưng một số nguồn tin của CNBC tiết lộ khoảng 20% thợ đào Bitcoin vẫn đang hoạt động tại Trung Quốc. Con số này thấp hơn so với tỷ lệ cao điểm 65-70% trước kia, nhưng vẫn vượt xa mức 0% do Đại học Cambridge của Anh đưa ra.

Dữ liệu từ Qihoo 360 cho thấy hoạt động khai thác tiền điện tử ở nước này thực ra vẫn rất mạnh. Công ty an ninh mạng này ước tính có 109.000 địa chỉ IP liên quan tới đào tiền điện tử được sử dụng mỗi ngày trong tháng 11, phần lớn nằm tại tỉnh Quảng Đông, Giang Tô, Chiết Giang và Sơn Đông.

Khai thác tiền điện tử vẫn tồn tại một phần vì nhiều thợ đào không rõ liệu Bắc Kinh có thật sự nghiêm túc về lâu dài với lệnh cấm hay không. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc năm 2013 ra lệnh cấm các cơ sở tài chính sử dụng, giao dịch Bitcoin và nhiều loại tiền ảo khác. Năm 2017, Trung Quốc đóng các nền tảng giao dịch tiền điện tử nội địa và cấm phát hành mọi loại tiền điện tử mới.

Tuy nhiên, lệnh cấm lần này rất khác biệt vì một số lý do quan trọng. Trung Quốc đang thiếu năng lượng trầm trọng nhất trong hàng chục năm, dẫn tới nhiều đợt cắt điện luân phiên. Nước này cho rằng đào tiền điện tử sẽ cản trở mục tiêu môi trường, như đạt mức phát thải carbon trung tính vào năm 2060. Bên cạnh đó là sự cạnh tranh từ đồng nhân dân tệ điện tử. Trung Quốc đang thử nghiệm hệ thống tiền tệ kỹ thuật số, nên việc cấm tài sản ảo có thể thúc đẩy sử dụng nhân dân tệ điện tử.

Ở tỉnh Chiết Giang, Giang Tây, Hà Bắc và Nội Mông, chính quyền yêu cầu các địa phương siết chặt giám sát, quét địa chỉ IP để phát hiện hoạt động đào trái phép, đột kích các mỏ đào chui và bắt những quan chức bị nghi tham gia mạng lưới tiền điện tử.

Đào chui

Phần lớn mạng lưới đào ở Trung Quốc biến mất chỉ sau một đêm khi lệnh cấm của chính phủ có hiệu lực. Các doanh nghiệp lớn nhất trong ngành này đã xây dựng mạng lưới ở nước ngoài và có sẵn nguồn tiền, cho phép họ nhanh chóng chuyển thiết bị khỏi Trung Quốc. Nhiều công ty chuyển mỏ đến Kazakhstan, Mỹ và những nước có chi phí năng lượng thấp.

Một số tay chơi lớn cất trữ máy móc cũ ở các nhà máy khắp châu Á, sau đó đặt mua những máy đào thế hệ mới nhất và chuyển chúng đến địa điểm mới.

Một mỏ đào Bitcoin ở Tứ Xuyên. Ảnh: AFP.

Một mỏ đào Bitcoin ở Tứ Xuyên. Ảnh: AFP

Tuy nhiên, thợ đào quy mô nhỏ gặp khó khăn vì hạn chế đi lại giữa Covid-19, nghẽn chuỗi cung ứng và vận tải, cũng như chiến tranh thương mại Mỹ – Trung. Bán lại thiết bị không phải phương án hiệu quả, bởi khi lượng lớn thiết bị được tung ra thị trường, giá của chúng sẽ tụt giảm thảm hại.

Theo một chuyên gia về khai thác tiền điện tử, các mỏ đào quy mô trung bình bị ảnh hưởng nặng nề. Họ không thể bán thiết bị để bù thiệt hại, nhưng cũng không thể vận hành hết công suất vì mức tiêu thụ điện cao rất dễ bị phát hiện.

Những mỏ cỡ nhỏ như của Kirk có thể dễ ẩn mình hơn. Một số chia nhỏ hoạt động ra nhiều địa điểm trên khắp đất nước, số khác kết nối trực tiếp với các thủy điện siêu nhỏ không nằm trong lưới điện chính.

“Đào tiền ảo đang hoạt động manh mún, là biện pháp tình thế để mang về nguồn tiền giúp các thợ đào chuyển ra nước ngoài”, một thợ đào Bitcoin giấu tên cho hay. “Họ che giấu năng lực khai thác (hashrate), không tiết lộ dữ liệu, không khoe khoang sức mạnh thực sự trong tay mình”.

Đây có thể là lý do tỷ lệ hashrate của Trung Quốc trong mạng lưới Bitcoin toàn cầu được cho là giảm về 0%, bởi dữ liệu tính toán dựa trên thông tin được các hội nhóm đào Bitcoin chia sẻ tự nguyện.

“Một hội đào giúp tôi thiết lập máy chủ với ít điểm kết nối hơn. Mỗi địa chỉ IP của mỏ đào có thể sở hữu hàng nghìn kết nối và tạo ra lượng lớn dữ liệu, điều này sẽ đánh động chính quyền, đặc biệt ở khu vực xa xôi như Tứ Xuyên. Công nghệ được hội thợ đào chia sẻ giúp mỏ đào chỉ có 5 điểm kết nối trên mạng lưới, tương tự bất kỳ hộ gia đình bình thường nào”, Kirk tiết lộ.

Điệp Anh (theo CNBC)

[ad_2]