[ad_1]

Elon Musk thường xuyên tương tác với người hâm mộ trên Twitter, trong đó nhiều thông điệp gây tranh cãi hoặc tác động mạnh đến thị trường.

Twitter không chỉ tạo ra sự biến động cho giá trị tài sản ròng của Elon Musk, mà còn trở thành nơi “gây bão” của tỷ phú Mỹ, vốn là người hoạt động năng nổ trên mạng xã hội. Trong bài viết bình chọn Musk là Nhân vật của năm, Time cũng đề cập đến việc ông có 66 triệu người theo dõi trên Twitter, nhấn mạnh cá tính “dường như thích tìm niềm vui từ chia rẽ và chế nhạo” của tỷ phú công nghệ Mỹ.

‘Khỉ chơi Pong nhờ trí não’

Dòng tweet được Musk đăng ngày 9/4 cùng video của Neuralink, cho thấy con khỉ Pager học cách điều khiển máy tính thông qua hoạt động não bộ. Trong giai đoạn đầu, khỉ sử dụng cần điều khiển để tương tác với máy tính, nó sẽ được thưởng nếu đưa con trỏ vào đúng vị trí ô vuông da cam. Nó được cấy hai chip não từ trước và thiết bị này ghi nhận hoạt động não bộ, giải mã trên máy tính.

Khỉ chơi game nhờ chip não Neuralink

 
 

Khỉ Pager trang bị chip não chơi game. Video: Neuralink.

Tweet trên nhanh chóng thu hút sự chú ý với hàng trăm nghìn lượt like và hơn chục nghìn lượt chia sẻ bởi việc ghép chip vào não khỉ cho thấy bước tiến quan trọng trong quá trình phát triển của Neuralink. Elon Musk khẳng định mục tiêu của công ty là cấy chip vào não người. Tuy nhiên, tham vọng này gây nhiều tranh cãi trong giới khoa học khi bị cho là vi phạm về mặt đạo đức.

‘Tesla và Bitcoin’

Ngày 13/5, Elon Musk viết dòng trạng thái “Tesla & Bitcoin” kèm thông báo hãng xe điện dừng chấp nhận thanh toán bằng Bitcoin do lo ngại việc khai thác tiền điện tử này gây ảnh hưởng đến môi trường.

“Tesla đã đình chỉ phương thức mua xe bằng Bitcoin. Chúng tôi lo ngại sử dụng nhiên liệu hóa thạch để khai thác và giao dịch Bitcoin ngày càng gia tăng, đặc biệt là than, nhiên liệu có lượng khi thải tồi tệ nhất trong các loại nhiên liệu. Nó đi kèm với cái giá quá đắt đối với môi trường”, ông viết.

CEO Tesla cũng nói, công ty sẽ vẫn nắm giữ Bitcoin và không bán chúng, đồng thời tìm kiếm giải pháp thanh toán thay thế bằng các loại tiền điện tử thân thiện với môi trường.

Ngay sau thông báo, giá Bitcoin tụt xuống mức 48.000 USD mỗi đồng, trước khi về trở lại mức 50.000 USD.

Elon Musk ‘hết yêu’ Bitcoin

Những tweet gây bão của Elon Musk năm 2021

Đầu tháng 6, tỷ phú Mỹ tiếp tục đăng một meme về cặp đôi chia tay nhau kèm hashtag #Bitcoin và biểu tượng cảm xúc trái tim tan vỡ. Hình ảnh meme có nội dung là đoạn hội thoại giữa một cặp đôi. Cô gái nói sẽ chấm dứt tình cảm nếu chàng trai tiếp tục đăng những dòng trích dẫn lời bài hát của nhóm nhạc Linkin Park. Đáp lại, chàng trai trả lời “So in the end it didn’t even matter?” – một câu trong bài hát In The End của Linkin Park.

Theo CNBC, tweet ẩn ý này cho thấy tình yêu với Bitcoin của Musk đã chấm dứt. Ngay sau đó, giá Bitcoin giảm gần 6%, xuống còn 36.400 USD. Các đồng tiền số khác như Ethereum cũng giảm 7% còn 2.600 USD, hay Dogecoin – đồng tiền yêu thích của Elon Musk – cũng giảm gần 8% xuống còn 0,35 USD.

‘Hãy gia nhập nhóm phần cứng và phần mềm AI của Tesla’

CEO Tesla khiến nhiều người thích thú khi trực tiếp đăng thông tin tuyển dụng trên Twitter ngày 8/10, kèm đồ thị cho thấy số lượng đơn ứng tuyển vị trí trong lĩnh vực AI tại Tesla tăng gấp 100 lần hồi cuối tháng 10.

Elon Musk từng nhiều lần mô tả con người là hai camera (con mắt) đặt trên giá cố định (cổ) và máy tính tích hợp (bộ não), với khả năng lái xe an toàn trong thế giới vận tải đầy phức tạp. Ông cho rằng xe tự lái Tesla với hệ thống camera và hàng loại cảm biến ở khắp thân xe có thể làm công việc tương tự tốt hơn nhiều so với hai camera trên giá cố định. Vấn đề lớn nhất là AI chưa thể làm chủ khả năng hiểu biết về thế giới thực xung quanh nó. Nếu giải quyết được việc này, AI sẽ thay đổi hoàn toàn thế giới, không chỉ giới hạn trong công nghệ xe tự lái.

‘Tôi đề xuất bán 10% cổ phiếu Tesla của mình’

Ngày 7/11, Musk chia sẻ dòng tweet kèm bình chọn ủng hộ hoặc phản đối việc ông bán cổ phiếu Tesla. Hơn 3,5 triệu người đã bỏ phiếu, với kết quả 57,9% ủng hộ và 42,1% phản đối.

Theo tài liệu nộp lên Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC), tính đến 29/12, Musk đã bán 15,6 triệu cổ phiếu tại Tesla, tương đương 16,4 tỷ USD, tính từ tháng 11. Ông cần bán tổng cộng khoảng 17 triệu cổ phiếu để hoàn thành cam kết trên Twitter.

Tỷ phú Mỹ Elon Musk hồi năm 2018. Ảnh: Reuters.

Tỷ phú Mỹ Elon Musk hồi năm 2018. Ảnh: Reuters.

CEO Tesla tuần trước cũng khẳng định ông sẽ trả hơn 11 tỷ USD tiền thuế năm nay. Báo cáo hồi tháng 6 của ProPublica cho thấy Musk mới trả rất ít thuế thu nhập so với khối tài sản khổng lồ. Tỷ phú Mỹ sau đó phản bác, nói mình không nhận lương từ SpaceX và Tesla, đồng thời đã trả 53% thuế với các quyền chọn cổ phiếu được thực thi.

Đầu tháng này, Musk nói sẽ trả thuế nhiều hơn bất kỳ người Mỹ nào trong lịch sử. Câu trả lời nhằm phản bác dòng tweet của thượng nghị sĩ Elizabeth Warren, người kêu gọi ông nộp thuế sau khi ông được tạp chí Time chọn là Nhân vật của Năm.

‘Có thể một phần trong tôi là người Trung Quốc’

Video người đàn ông có khuôn mặt giống Elon Musk

 
 

Giữa tháng 12, video quay một thanh niên Trung Quốc giống Musk từ điệu bộ khuôn mặt đến kiểu tóc đứng cạnh xe điện Tesla đã nhanh chóng gây sốt trên mạng xã hội. Nhiều ý kiến cho rằng video có thể là sản phẩm deepfake – công nghệ giúp chỉnh sửa và ghép khuôn mặt bằng AI để trông như thật. Dù vậy, cũng có người nhận xét việc tìm thấy ai đó giống Musk ở đất nước tỷ dân không phải là điều bất khả thi.

Trong khi video còn đang gây tranh cãi về độ chân thật, sáng 20/12, Elon Musk phản hồi trên Twitter. “Có thể một phần trong tôi là người Trung Quốc”, ông nói ngắn gọn khi được một người hỏi về hình ảnh “Yi Long Musk”.

Nhận xét của Musk lập tức thu hút hàng nghìn lượt thích và bình luận. Hầu hết cho rằng đây là câu trả lời thông minh khi Trung Quốc đang là thị trường đặc biệt quan trọng đối với Tesla.

Điệp Anh

[ad_2]