[ad_1]
Trong đời sống, có 5 chiếc kính có thể đại diện cho những triết lý đời thường
1. Kính viễn vọng: Nhìn xa trông rộng
Khi nhìn bầu trời thông qua kính viễn vọng, trong tầm mắt chúng ta sẽ là những thiên thể khổng lồ cách rất xa. Nhưng nếu ngước lên bầu trời và nhìn bằng con mắt bình thường này thì thiên thể kia chỉ là một chấm sáng rất nhỏ.
Cuộc sống của chúng ta cũng như thế, bạn muốn thành công thì bạn phải có một tầm nhìn chiến lược. Một người có khả năng nhìn xa trông rộng thường là người có cảnh giới cao, tâm hồn khoáng đạt. Họ sẽ không bị che mờ bởi những thị phi hay lợi ích trước mắt. Ngược lại những người với tâm địa hẹp hòi, ích kỷ, tham lam thì những lợi ích nhỏ nhoi hay thị phi kia sẽ cuốn họ lại không để họ nhìn thấy điều chân thực ở phía trước.
Tự ước chế bản thân khỏi những dục vọng, loại bỏ sự tham lam, mở rộng cánh cửa tâm hồn thì lúc đó “chiếc kính viễn vọng” của riêng bạn sẽ tự được khai mở. Khi đó bạn sẽ vượt qua được rất nhiều “lớp mây, tầng trời, vượt qua hằng bao nhiêu khoảng cách” và cuối cùng nhìn thấy được “thiên thể khổng lồ kia.”
2. Kính lúp: Tâm trí rộng mở
Kính lúp có tác dụng phóng đại, chúng ta hãy sống dựa theo nguyên lý đó: Nhìn sự vật, sự việc với một tâm trí rộng mở. Ngược lại khi nhìn mọi thứ với một tư tưởng chật hẹp thì chúng ta chỉ nhìn được một góc nhỏ của sự vật hiện tượng.
Bảo vệ ý kiến bản thân nhưng đừng quá bảo thủ. Thế giới này quá rộng lớn và phức tạp. Hãy mở toang cánh cửa tâm trí của mình để tiếp thu những cái mới một cách có chọn lọc – đó cũng chính là điều mà chúng ta sẽ làm suốt đời: Học tập
3. Kính mát: Dù mâu thuẫn có gay gắt thế nào ta vẫn ung dung
Với một chiếc kính mát, ánh sáng chói cũng sẽ trở nên nên mờ nhạt. Cuộc sống của mỗi người không thiếu những mâu thuẫn; nỗi khổ mà những mâu thuẫn đó mang lại khiến chúng ta chết dần chết mòn đi hàng ngày. Hãy coi những mâu thuẫn đó như ánh sáng mặt trời gay gắt và tưởng tượng tâm hồn của bạn giống như một chiếc kính râm, nhìn những mâu thuẫn đó giống như chẳng có gì ung dung tự tại. Muốn làm được điều đó thì cần phải có sự tu dưỡng.
4. Kính hiển vi: Không quên tiểu tiết
Trong một trận chiến khi 2 kỵ sĩ đấu thương, một người trong số đó có thể thua chỉ vì móng ngựa của anh ta không được tốt. Một việc lớn có thể thất bại chỉ vì chúng ta không chú ý đến những sai lầm nhỏ, “tích tiểu thành đại” – khi nhiều sai lầm nhỏ chồng chất lên nhau sẽ thành một sai lầm mang tính đại cục và không thể vãn hồi.
Thực tế, để làm một việc gì đó được hoàn hảo quả thực rất khó, nhưng không có nghĩa là chúng ta sẽ buông lơi một việc dù nhỏ nhất. Chú ý đến những tiểu tiết cũng chính là đang rèn luyện tính nghiêm khắc của bản thân. Thử hỏi nếu ngay cả những việc nhỏ như vậy mà ta không làm được thì liệu bản thân có thể gánh vác việc lớn? Đạt được điều đó thì chúng ta cũng đã có thể mỉm cười vì dù kết quả không được hoàn hảo như chúng ta mong đợi nhưng có thể nói rằng việc chúng ta làm đã là “trọn vẹn.”
5. Gương phẳng: Sống chân thành
Không giống như kính viễn vọng, kính lúp, kính mát hay kính hiển vi, những gì phản ánh lên gương phẳng luôn là chính nó, từ kích thước, hình dáng, màu sắc; rất chân thật, không giả dối. Giống như câu chuyện “Nàng bạch tuyết và bảy chú lùn” mụ phù thủy hỏi chiếc gương của mình xem ai đẹp nhất và câu trả là bạch tuyết – đó là sự thật không hề thay đổi.
Cho dù bạn có mong muốn mình sẽ trở thành người xinh đẹp như thế nào, cao quý ra sao thì đứng trước tấm gương kia, điều bạn nhìn thấy mãi mãi vẫn chính là bản thân. Hãy giống như chiếc gương phẳng, luôn sống với chính mình, chân thành không gian trá. Và đó cũng chính là điều mà khiến cho chiếc gương kia luôn luôn sáng trong, nhẵn mịn và thuần khiết như vậy.
Trong cuộc sống hối hả vận động không ngừng nghỉ như thế này, tìm một chút an lành cho bản thân thật khó. Phần lớn không phải là chúng ta không thể tìm thấy hạnh phúc mà thực ra chúng ta đã quên hạnh phúc là gì.
Có người khi nghĩ đến danh vọng là ăn không ngon ngủ không yên, làm sao để có thể đạt được nó. Khi đạt được rồi thì lo lắng, sợ hãi làm sao để có thể giữ được nó bây giờ. Có người hễ nói đến tiền là mệt, kiếm mãi mà vẫn nghèo. Có người thì tiền chất thành đống những kiếm bao nhiêu tiêu bấy nhiêu cho các vấn đề: Sức khỏe, con cái v.v… Có người rất phấn đấu trong công việc nhưng người được thăng chức lại không phải anh ta; uất ức, đau khổ. Nhưng khi anh ta được thăng chức thì chính bản thân lại bị cuốn vào danh vọng và tiền.
Thế giới sẽ luôn đi theo lộ trình của nó, ta không thể cưỡng lại dòng chảy này, nhưng ta có thể chọn cách mà ta muốn để đi theo dòng chảy đó. Người xưa đã dạy: “Lòng tham không đáy,” dục vọng của người ta giống như một đại dương bao la không có điểm dừng, sẵn sàng nhấn chìm bất kỳ ai nhảy xuống đó, vậy nên hãy thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn đó, sống chân thành, tu dưỡng bản thân, ước chế lòng tham, sự ích kỷ để có thể dung chứa những điều tốt đẹp. Khi làm được điều đó thì danh vọng và tiền dù có hay không đều không còn có thể ảnh hưởng đến ta nữa. Bởi vì khi đó ta vẫn có thể có được niềm vui kể cả với những điều giản dị nhất. Chỉ khi đó ta mới có thể tìm thấy được hạnh phúc thật sự trong dòng chảy bất tận này.
Thu Sang biên dịch
[ad_2]