[ad_1]
Người xưa có câu “Đức thắng mệnh”; nghĩa là Chữ đức thay đổi vận mệnh được. Thế mới thấy, sống ở đời dù có ra sao thì việc giữ tâm lương thiện và làm nhiều việc tốt có thể tích đức cho bản thân. Muốn thay đổi được số mệnh cũng chỉ có cách tích đức.
Câu chuyện ý nghĩa: “Chữ đức thay đổi vận mệnh”
Ngày xưa có ba ông thầy: một thầy xem tướng, một thầy tính số, và một thầy phong thủy cùng nhau đi chu du khắp nơi. Một ngày kia, ba thầy tới thăm một nông trại. Lúc đó trời đã tối nên cả ba xin được tá túc qua đêm.
Thế là, ba ông thầy tướng số theo chân gia nhân vào trong nhà. Cả ba người được chủ nhà chào đón rất chân tình. Chủ nhà sai người dâng trà rồi lại làm cơm thịnh soạn thiết đãi. Sau đó, ba thầy được sắp xếp nghỉ ngơi trong một phòng khách bài trí hài hòa, đồ đạc giản dị, gọn gàng ngăn nắp.
Trước khi đi ngủ, thầy tướng nói với hai thầy còn lại: “Hai huynh đệ , tôi thấy vị chủ nhà này ngũ quan phá tướng không tốt chút nào. Trán hẹp và hơi lệch, đó là tướng yểu, số nghèo khổ”.
Thầy xem số bàn thêm: “Ông này mệnh triệt, thân tuần. Ba cung tam hợp mệnh, tài, quan đều không tốt; lại có số không giữ được tiền của.”
Ông thầy phong thủy tổng kết: “Vậy là tướng không tốt, số cũng chẳng lành. Nhưng kỳ lạ thật, tại sao ông ta lại có thể giàu có được nhỉ? Tôi thấy người gác cổng kia còn có tướng làm ông chủ hơn đấy. Phải chăng nhờ mồ mả gia tiên ở nơi âm trạch tốt nên ông ta mới được như vậy?”. Ba thầy nằm thao thức bàn tán mãi không ngủ được, mong trời mau sáng.
Sáng hôm sau, ba thầy cùng ngỏ ý muốn đi xem âm trạch. Chủ nhà vui vẻ đồng ý và đích thân dẫn ba thầy đi xem phần mộ. Đường đi khá vòng vèo và xa xôi lại còn phải đi qua suối. Nhưng khi quay về, chủ nhà lại dắt họ đi một đường khác. Đường về thì ngược lại rất gần, chẳng vòng vèo như lúc đi.
Ba thầy hỏi: “Sao khi đi ông không đi đường này mà đi vòng chi cho xa?”
Chủ nhà từ tốn đáp: “Khi dẫn ba thầy ra tới cổng , tôi thấy người hàng xóm đang cắt trộm lúa của tôi. Nếu tôi đi qua đó, thấy tôi họ sẽ bỏ lúa mà chạy. Tôi biết vì đói nên họ mới làm vậy chứ bản tính không phải phường trộm cắp, nên muốn đi đường vòng để tránh không làm họ tủi thân.”
Cả ba thầy đều gật đầu nói rằng: “Ồ, vậy ngài có được chữ “ĐỨC” , chính “ĐỨC” đã thay đổi vận mệnh của ngài. Chính tâm hành thiện của ngài đã tích được ĐỨC to lớn!”
Bài học suy ngẫm về chữ “Đức”
Trong văn hóa phương Đông, người ta cho rằng “đức” là nguồn gốc của mọi phúc phận, là thứ tạo ra sự giàu sang, phú quý, danh vọng, địa vị, trí tuệ, tài năng, sức khỏe… của một người.
Cổ nhân có câu: “Nhất đức, nhị vận, tam phong thủy, tứ tích âm công, ngũ đọc thư“. Tạm dịch câu này là: nhất đức, nhì vận, thứ 3 phong thủy, thứ 4 tích âm công và thứ 5 đọc sách.
Trong tôn giáo cũng giảng về “đức và nghiệp”. Có “đức” thì có mọi thứ, còn “nghiệp” chính là nguyên nhân tạo ra mọi khổ ải cho con người. Sở dĩ có nghiệp, là do người ta sống qua nhiều đời đã làm quá nhiều điều xấu, gây hại người khác, đánh người, mắng người, thậm chí giết người hay sát sinh động vật,… đều là tạo ra nghiệp lực cho tự bản thân mình.
Tuy nhiên, đối với những người tu luyện thì “cái đức” ấy là rất trân quý, họ không dùng đức để đổi lấy tiền tài, địa vị…. những thứ vốn trăm năm cõi trần thì cũng ra đi với hai bàn tay trắng. Người tu luyện chân chính của các môn Chính Pháp đều tích đức để tăng cường công lực và đề cao tầng thứ của sinh mệnh họ thông qua quá trình tu luyện để đạt được thành tựu quả vị.
(Sưu tầm)
[ad_2]