[ad_1]
“Cậu bé cứu cá” là câu chuyện ngắn sâu sắc về giáo dục con trẻ, giáo dục chân chính là giáo dục tâm hồn con người chứ không phải là tích lũy tri thức một cách thụ động.
Câu chuyện “Cậu bé cứu cá”
Một buổi sáng sau cơn bão, một người đàn ông đang đi dạo dọc bờ biển, thì thấy vũng nước nông trên bãi biển có rất nhiều cá nhỏ mắc cạn do bị bão cuốn vào tối hôm qua. Hàng trăm, hàng nghìn con cá nhỏ bị mắc kẹt lại trong những vũng nước cạn. Mặc dù ở gần bờ biển, nhưng tỷ lệ sống sót sẽ không cao. Bởi vì vùng nước nông đó sẽ sớm bị cát hút khô và bốc hơi bởi ánh nắng mặt trời, khi đó những con cá nhỏ sẽ chết.
Nhìn ra xa, người đàn ông thấy một cậu bé đang nhặt những con cá nhỏ từ vũng nước nông và ném chúng trở lại biển. Người đàn ông thấy vậy không nhịn được bước tới: “Cháu à, trong vũng nước này có hàng trăm con cá nhỏ, cháu không cứu hết được đâu!”.
“Cháu biết”, cậu bé trả lời nhưng không quay đầu lại nhìn người đàn ông.
“Ồ! Vậy tại sao cháu vẫn cứu nó? Ai quan tâm chứ?”, người đàn ông nói.
“Con cá nhỏ này quan tâm!”, cậu bé trả lời rồi tiếp tục nhặt một con cá ném nó trở lại biển.
Lời bình câu chuyện “Cậu bé cứu cá”
Câu chuyện “Cậu bé cứu cá” cho chúng ta thấy rằng, việc “trồng người” của giáo dục nên bắt đầu từ việc tôn trọng sinh mệnh. Điều đó giúp cho nhân tính được trỗi dậy, đề cao tấm lòng lương thiện và khơi dậy những “gốc rễ tốt đẹp” trong mỗi con người. Và đó cũng chính là để con trẻ sau này có được một tâm hồn cao đẹp mà “những con cá quan tâm”.
Một người sống sót sau trại tập trung của Đức Quốc xã đã trở thành hiệu trưởng của một trường cấp 2 ở Mỹ. Mỗi khi có một giáo viên mới đến trường, thầy sẽ đưa cho người đó một bức thư có nội dung:
“Thưa giáo viên thân mến, tôi đã tận mắt chứng kiến những cảnh tượng mà con người không nên nhìn thấy: Phòng khí độc do các kỹ sư uyên bác xây dựng, trẻ em bị đầu độc bởi các bác sĩ tài ba, các em bé sơ sinh bị giết bởi các y tá đã qua đào tạo,… Nhìn thấy những điều này, tôi tự hỏi “Giáo dục để làm gì?”. Xin hãy giúp các em học sinh trưởng thành trở thành người có nhân tính. Khả năng đọc viết và tính toán chỉ có giá trị nếu các mầm non của chúng ta lớn lên trở thành một người có nhân tính”.
Con người có hai phần thiện và ác. Mục đích của giáo dục là đào tạo tâm hồn con người con người chiến thắng ác. Đây là mục đích cuối cùng, lâu dài và lớn lao nhất của giáo dục. Nếu bạn không có nhân tính, nhưng lại có quá nhiều tri thức thì bạn sẽ trở thành mối nguy lớn đối với nhân loại.
Giáo dục ở các trường học hiện nay thường bỏ qua việc bồi dưỡng nhân cách, đạo đức cơ bản cho học sinh mà chỉ chú trọng bồi dưỡng tri thức. Thành ra một số học sinh ngày càng thờ ơ, thậm chí lạnh nhạt với cuộc sống và thế sự. Một nhà giáo dục Nhật Bản đã từng nói rằng: “Chúng ta nên nuôi dưỡng cho học sinh cái cảm xúc trái tim rung động khi bắt gặp một bó hoa cúc dại”.
Hãy tôn trọng con người và kính ngưỡng vũ trụ. Nếu không ít nhất cũng hãy tôn trọng sự tồn tại của sinh mệnh và biết trân quý từng sự sống một. Là con người không nên tước đoạt sự sống một cách vô cớ, dù đó chỉ là một sinh mệnh cấp thấp. Có câu: “Muốn biết đạo đức của một người ra sao thì hãy nhìn cách họ đối xử với những người thấp hơn họ”. Câu nói này chưa bao giờ sai. Khi một người hết lòng quan tâm đến sự sống của cỏ hay cá thì người đó nhất định sẽ không coi thường sự sống của các sinh vật bậc cao hơn, ví như con người.
Hãy nhớ rằng: Một người thờ ơ với thế giới bên ngoài là một người không có hy vọng. Một quốc gia được tạo thành từ nhiều người thờ ơ với cuộc sống cũng sẽ trở thành một quốc gia không có hy vọng.
Xem thêm: Chiếc áo không làm nên thầy tu – Câu chuyện sâu sắc thâm thúy
[ad_2]