[ad_1]

Một vị Hoàng đế tài đức hiếm có thời nhà Minh, nhưng vì ham mê nữ sắc mà chết trẻ
Ảnh: Soundofhope

Minh Mục Tông Chu Tái Kỵ, hay còn được gọi là Long Khánh Đế, là vị hoàng đế thứ 13 của nhà Minh. Trong số 16 vị hoàng đế của nhà Minh, Chu Tái Kỵ có thể nói là người gây nhiều tranh cãi nhất. Bởi vì Chu Tái Kỵ không những tư chất bình thường, mà còn tham luyến mỹ sắc, không đủ khả năng để đảm nhiệm trọng trách lớn lao, một vị quân chủ như vậy cuối cùng lại trở thành một vị hoàng đế tài đức của nhà Minh.

Minh Mục Tông Chu Tái Kỵ là con trai thứ 3 của Minh Thế Tông Gia Tĩnh Đế. Trước khi Chu Tái Kỵ ra đời, Gia Tĩnh Đế cũng có 2 người con trai, bởi vì con trưởng bất hạnh chết yểu, tháng 2 năm Gia Tĩnh thứ 18 (năm 1539), Minh Thế Tông sắc lập con trai thứ Chú Tái Duệ làm thái tử, cho người con thứ 3 là Chu Tái Kỵ làm Dụ vương, người con thứ 4 Chu Tái Quyến làm Cảnh vương. Tháng 3 năm Gia Tĩnh thứ 28 (năm 1549), thái tử Chu Tái Duệ qua đời, Dụ vương Chu Tái Kỵ theo thứ tự được làm thái tử, nhưng Minh Thế Tông chậm trễ chưa sắc lập.

Cảnh vương Chu Tái Quyến rất được phụ hoàng sủng ái, vậy nên nói năng phách lối, mà Chu Tái Kỵ thì nơm nớp lo sợ, cẩn thận từng chút một. Cảnh vương Chu Tái Quyến tham lam ngang ngược, nhưng Gia Tĩnh Đế vẫn bao che cho con trai. Cho đến tháng giêng năm Gia Tĩnh thứ 44 (năm 1565), Chu Tái Quyến qua đời, địa vị thái tử của Chu Tái Kỵ mới thực sự được xác định.

Nói về giai đoạn đầu khi Gia Tĩnh Đế lên ngôi, tiến hành một loạt các cải cách, sau khi thanh trừ hoạn quan và thế lực quyền thần thì nắm toàn bộ triều cương trong tay, cũng đạt được những kết quả rõ rệt. Nhưng sau năm Gia Tĩnh thứ 21 (năm 1542), lại say mê luyện đơn chế thuốc, không quan tâm đến triều chính. Hải Thụy trong năm Gia Tĩnh thứ 45 (năm 1566) cũng nói rằng: Thế Tông “hơn 20 năm không coi việc triều chính, pháp luật kỷ cương”.

Tháng 12 năm Gia Tĩnh thứ 40 (năm 1566), Minh Thế Tông băng hà, Dụ vương Chu Tái Kỵ lên ngôi, đổi niên hiệu thành Long Khánh. Sau khi Chu Tái Kỵ tại vị, lập tức sửa đổi những điều không đúng đắn dưới thời cha ông, thu nhận lại những đại thần bị hoạch tội trước đây chỉ vì lời nói, các đại thần đã chết thì tiến hành an ủi thân nhân của họ và tuyển dụng sau đó. Đồng thời tiếp nhận kiến nghị của các đại thần như Từ Giai, Cao Củng, Trương Cư Chính… cùng với Yêm Đáp của Mông Cổ đàm phán hòa bình, kết thúc cuộc chiến kéo dài 200 năm với Mông Cổ. Cùng năm đó tuyên bố phế trừ cấm biển, cho phép người dân đi xa buôn bán ở hai đại dương.

Sau khi Minh Mục Tông lên ngôi, vô vi mà trị, hạn chế xây dựng, khích lệ tiết kiệm, về phương diện ăn uống mỗi năm cũng tiết kiệm được mấy chục ngàn. Đồng ý cho Yêm Đáp gia phong tiến cống, giảm miễn thuế để làm yên dân, biên giới an tĩnh vô sự. Ông lên ngôi tuân theo luật cũ trước đây, tin dùng nội các phụ thần, nhất thời cả trong và ngoài triều đình đều hy vọng vị quốc vương mới có thể làm nên chuyện. Tuy nhiên, sau khi Minh Mục Tông lên ngôi không lâu thì lại đam mê sắc dục, hoang phế triều chính.

Người ta đồn Minh Mục Tông cực kỳ háo sắc, suốt ngày tới lui trong hậu cung, được ví như con ong mật chăm chỉ trong hậu cung. Trong “Vạn lịch dã hoạch biên” có chép lại, lúc Minh Mục Tông kế vị thì đã đứng tuổi, bị các quan dẫn dụ, đã uống thuốc tráng dương. Đồ dùng trong cung, nhỏ như lỳ trà, hay lớn như long sàng (giường rồng), toàn bộ đều có điêu khắc và hoa văn tình yêu nam nữ. Đối với việc này, rất nhiều đại thần từng dâng thư can gián, hết sức khuyên can, nhưng ông luôn nhẹ nhàng nói: “Việc nước đã có tiên sinh, ta yên tâm rồi, chuyện nhà cũng không cần tiên sinh phải quan tâm”.

Cổ nhân nói: “Chữ sắc (色) trên đầu có một cây đao (刀), mê đắm nữ sắc mạng khó giữ”. Thân thể của Minh Mục Tông ngày càng đi xuống, khó mà chống đỡ được. Năm Long Khánh thứ 6 (năm 1572), trong cung truyền ra tin Minh Mục Tông bị bệnh nguy kịch. Nhưng sau 2 tháng nghỉ ngơi, ông lại lên triều, nhưng lại đột nhiên choáng váng đầu óc, không chịu nổi mà phải quay về. Ông tự biết bệnh tình không nhẹ, ông vội gọi 3 người Cao Củng, Trương Cư Chính, Cao Nghi đến, dặn dò việc thái tử kế vị, sau đó thì băng hà tại Càn Thanh Cung, hưởng dương 36 tuổi, được đặt thụy hiệu là Trang Hoàng Đế, miếu hiệu Mục Tông, an táng tại Minh Chiêu Lăng, Xương Bình, Bắc Kinh.

Một vị hoàng đế vốn rất có thành tựu, nhưng lại không biết quý trọng, trầm mê mị dược, không biết khống chế, cuối cùng kết thúc sinh mệnh trong nữ sắc, thật khiến cho người ta cảm thán không thôi.

Tiểu Phàm biên dịch
Theo: Tịnh Âm – Soundofhope

Tài liệu tham khảo: (Thanh) Trương Đình Ngọc: “Minh sử” quyển 19.

Xem thêm

[ad_2]