[ad_1]
Con người thường cho rằng đói, rét, nghèo khổ là những thứ đáng sợ trên đời, thực ra đều không phải. Điều thực sự đáng sợ nằm ở nơi mà chúng ta không bao giờ nghĩ tới nhất: trong chính chúng ta.
Nhu cầu về của cải luôn là gánh nặng cho đạo đức của loài người. Vì của cải mà một người có thể đổi trắng thành đen. Đôi khi, của cải thậm chí có thể biến bạn hữu thành kẻ thù, khiến con người phản bội lại những người thân yêu, đi ngược lại các chuẩn mực xã hội.
Một lần, có người hỏi một vị thiền sư: “Điều khủng khiếp nhất trên đời là gì?”
Vị thiền sư trả lời: “Dục vọng!”
Câu trả lời này khiến người kia bối rối. Thấy vậy, vị thiền sư tiếp tục: “Để tôi kể cho anh nghe một câu chuyện”.
Vàng là thứ đáng sợ
Có một nhà sư hoảng hốt, sợ hãi chạy ra khỏi rừng. Khi vừa ra đến bìa rừng, anh ta gặp hai người đàn ông đang đi tới. Họ hỏi anh có chuyện gì không ổn không.
Nhà sư giải thích: “Tôi đào được một thứ khủng khiếp trong rừng – chính là vàng!”
Hai người đàn ông nói: “Sao vàng lại là thứ khủng khiếp? Ông thật ngốc nghếch khi nghĩ như vậy. Hãy cho chúng tôi biết nơi ông đào được vàng”.
Nhà sư bèn nói: “Ôi thứ đó thật là khủng khiếp. Không những thế nó còn phá hủy con người”.
Hai người kia nhún vai đáp lại: “Chúng tôi không sợ. Chỉ cần cho chúng tôi biết nơi ông tìm thấy nó”.
Nhà sư chỉ dẫn: “Ở trong rừng đó, ngay phía tây của khu rừng”. Hai người đàn ông đi theo hướng của nhà sư và tìm thấy vàng.
Một người nói: “Nhà sư này đúng là một kẻ ngốc. Mọi người đều mong muốn có vàng trong khi nhà sư lại nghĩ nó có hại”, và người kia lập tức tán thành.
Hai người đàn ông bắt đầu lập kế hoạch mang số vàng này về nhà như thế nào. Người đàn ông có nước da đen sạm và vóc dáng cao lớn nói: “Chúng ta nên làm điều đó vào ban đêm, khi không ai có thể nhìn thấy chúng ta. Tại sao anh không về nhà và lấy thức ăn cho chúng ta, trong khi tôi đợi ở đây và bảo vệ vàng! Đến khi trời tối, chúng ta sẽ mang vàng về nhà”.
Người đàn ông kia gật đầu đồng ý và về nhà lấy một ít thức ăn.
Người đàn ông ở lại để bảo vệ vàng nghĩ: “Nếu ta có thể sở hữu tất cả số vàng này, ta sẽ sống mà không phải lo lắng nhiều nữa. Được rồi, ngay khi anh ta quay trở lại, ta sẽ đánh chết anh ta bằng cái gậy gỗ”.
Người đàn ông kia trên đường về nhà lấy thức ăn cũng tự nghĩ: “Ta sẽ tự mình đi ăn, sẽ bỏ thuốc độc vào thức ăn mang cho người kia. Như vậy, khi hắn chết rồi, ta sẽ có tất cả vàng cho bản thân mình”.
Tối hôm đó, khi người đàn ông trở về với thức ăn mang cho người bạn của mình, anh ta đã bị đánh đến chết. Kẻ giết người nói: “Bạn thân mến, đừng trách tôi, hãy trách số vàng này trước khi trách tôi”.
Rồi anh ta ăn thức ăn mà bạn mình mang cho. Chỉ một lúc sau anh bắt đầu cảm thấy khó chịu, bụng nóng như lửa đốt. Ngay lúc đó, khi nhận ra mình đã bị đầu độc, người đàn ông ngậm ngùi hiểu rằng “Những lời của nhà sư thật không sai chút nào”.
***
Câu chuyện trên thực sự đúng với một câu ngạn ngữ: “Nhân vi tài tử, điểu vi thực vong” (Con người chết vì tiền, con chim chết vì mồi).
Dường như gốc rễ của tham lam nằm trong những ham muốn của con người. Lòng tham lam được mong muốn thúc đẩy có thể biến người bạn kề vai sát cánh thành kẻ thù không đội trời chung, biến người thân thành kẻ xa lạ và biến ân nghĩa trở thành bội bạc. .
Ngày nay, thuận theo sự phát triển của sản xuất và dịch vụ, hàng trăm tiện ích như nhà lầu, xe hơi, quần áo, đồ dùng, thiết bị hiện đại, cùng hàng vạn nhu cầu giải trí như du lịch, nghỉ dưỡng thật dễ khiến người ta có cảm giác “chưa đủ”, khiến con người khởi lên ham muốn “muốn có” nhiều hơn những gì đang có. Điều đó cũng có nghĩa bản thân chúng ta đang chứa trong mình thứ “khủng khiếp nhất trên đời”, đó chính là: Dục vọng.
Dục vọng của con người giống như một cái hào rộng lớn, vĩnh viễn không cách nào vượt qua, bởi vì người tham lam sẽ không có chừng mực, không có bến bờ để dừng lại, vĩnh viễn không bao giờ thấy thỏa mãn. Con người một khi rơi vào cái hào “theo đuổi ham muốn hưởng thụ vật chất” cũng rất dễ dàng đánh mất phương hướng và cuối cùng đánh mất bản thân.
Người xưa vẫn cho rằng tiền như gông xiềng, truy danh trục lợi cuối cùng cũng chỉ là công dã tràng. Chỉ có tẩy tịnh đi đủ loại dục vọng trong lòng, buông bỏ lòng tham, quay về bản tính chân thật, thiện lương mới có thể nhận ra rằng mọi thứ vinh hoa phú quý trên thế gian này đều chỉ như mây khói thoảng qua, suy cho cùng chúng đều là những thứ vô thường.
Có câu hát rằng:
“Công danh lợi lộc nào giữ mãi
Thế đạo hưng suy định bởi trời”.
Đời người như con thuyền, muốn qua sông, thuyền nhất định phải nhẹ, phải buông bỏ những dục vọng dư thừa. Hãy tìm lại cho mình sự bình yên thực sự trong tâm hồn và hạnh phúc vững bền, hãy để con thuyền cuộc đời của chúng ta thật nhẹ, giương buồm băng băng lướt ra khơi.
[ad_2]