[ad_1]

Bậc Thánh hiền biết tìm vui trong cảnh nghèo khó như hoa sen mọc giữa bùn nhơ

Đối diện với sinh – lão – bệnh – tử trong đời người, thì giàu hay nghèo của con người thế gian dường như vô lực. Tâm hồn cao thượng và đạo đức cao quý mới là tài sản quý giá nhất của sinh mệnh.

Hoa sen giữa bùn nhơ

Thời cổ đại, ở Nhật Bản, nông dân bị giới quý tộc coi là “tiện dân”, tầng lớp hạ lưu trong xã hội. Thậm chí ngay cả việc xuất gia làm hòa thượng, họ cũng không có tư cách. Một cậu bé “tiện dân” tên là Vô Tam đã phải ẩn giấu thân phận của mình để được vào chùa. Sau đó cậu chuyên tâm tu hành và được mọi người tôn làm sư trụ trì.

Nhưng trong lễ cử hành nghi thức phong sư trụ trì, đột nhiên có một người từ trong đại điện bước ra, chỉ tay vào Vô Tam đang ngồi trên pháp đàn và giễu cợt: “Hòa thượng xuất thân tiện dân mà cũng được phong làm sư trụ trì, như vậy sao chấp nhận được?”.

Đang trong nghi thức trang nghiêm long trọng, đột nhiên có sự tình như vậy phát sinh khiến chúng tăng lúng túng không biết phải xử lý làm sao. Họ cũng không có cách nào ngăn cản được người vừa nãy lên tiếng. Vì vậy ai nấy đều im hơi lặng tiếng, không khí bỗng trở nên vô cùng nặng nề. Nghi lễ bị gián đoạn, bầu không khí tĩnh lặng đến nỗi có thể nghe thấy tiếng động của một cây kim rơi xuống mặt đất.

Trong tình huống bất ngờ ấy, hòa thượng Vô Tam nở một nụ cười rồi thong dong nói: “Hoa sen giữa bùn nhơ!”.

Đây là một câu đối đáp tuyệt diệu. Tất cả những người có mặt tại hiện trường lúc ấy đều reo hò ủng hộ và trầm trồ khen ngợi. Người kia cũng không thể nói lại được gì nữa ngoài việc bội phục câu trả lời của hòa thượng Vô Tam. Buổi lễ lại được tiếp tục tiến hành. Mọi người sau khi biết được thân phận của hòa thượng Vô Tam, thậm chí còn kính phục ông hơn trước.

Có một câu nói cổ xưa: “Không màng danh tiếng và tiền tài mới có thể có những lý tưởng vĩ đại, không an tịnh trong tâm thì không thể nghĩ và nhìn xa”. Trong lịch sử, rất nhiều người đức hạnh cao quý họ đều là người tu luyện, tìm ra chân lý và luật Trời để tự tu dưỡng bản thân.

Hai anh em họ Trình bằng lòng với nghèo khó, giữ gìn đức hạnh cao quý

Hai anh em Trình Hạo và Trình Di là những nhà triết học và tư tưởng học nổi tiếng của triều Bắc Tống. Cả hai đều “học hành chăm chỉ, yêu thích lịch sử, bằng lòng với nghèo khó, giữ gìn những đức tính cao quý của mình”. Mặc dù trải qua nhiều thăng trầm khác nhau, họ vẫn luôn học hỏi suốt đời, dạy học và theo đuổi lý tưởng của mình.

Trình Hạo làm quan ở nhiều địa phương khác nhau. Ông luôn tâm niệm: “Chăm sóc dân chúng như chăm sóc bệnh nhân” như một cách để tự răn mình. Ông cũng nhã nhặn từ chối một món quà hàng trăm cuộn tơ, lụa cao cấp của tể tướng Lữ Đại Phong. Ông nói rằng không phải chỉ ông là một người nghèo: “Có rất nhiều người nghèo trong thiên hạ”. Sau khi hoàn thành công việc của quan phủ, ông luôn đến dạy các học trò của mình.

Trình Di cũng từng dạy học cho Hoàng đế, đề xuất với Hoàng đế Triết Tông rằng một người cao quý nên chú ý đến: “Hàm dưỡng tính cách và tu dưỡng đạo đức của mình”. Ông thích gần gũi những người có phẩm hạnh cao quý, luôn thẳng thắn đưa ra lời khuyên răn Hoàng đế. Tất cả những điều đó cho thấy rằng hai anh em họ không bị cái nghèo khó bó buộc, làm cho bối rối. Ngay cả chiếc mũ ô sa trên đầu, họ cũng không tiếc nuối. Cả hai đã treo ấn từ quan sau khi không chấp nhận luồn cúi giới quý tộc.

Thực ra, phú quý hay bần tiện trên thế gian cũng như một dòng nước chảy. Nó không ngừng thay đổi vào mỗi thời khắc. Chúng ta không thể chỉ nhìn vào biểu hiện bề ngoài, mà phải nhìn thấu bản chất của giàu nghèo, mới có thể đối xử bình đẳng với mọi con người. Đối diện với sinh – lão – bệnh – tử trong đời người, thì giàu hay nghèo của con người thế gian dường như vô lực. Tâm hồn cao thượng và đạo đức cao quý mới là tài sản quý giá nhất của sinh mệnh.

***

Trong “Luận ngữ”, Khổng Tử nói: “Ăn cơm gạo thô, uống nước lã, khi ngủ co cánh tay mà gối đầu, niềm vui cũng ở trong đó rồi. Còn như dùng phương pháp không chính đáng để đạt được giàu có và phú quý, ta coi như đám mây trôi vậy“. Điều đó nói lên rằng, nếu hành sự chính đáng thì người ta vẫn có thể cảm thấy hạnh phúc thậm chí trong những điều tưởng như đạm bạc nhất.

Khổng Tử cũng mô tả bản thân mình là người say mê theo đuổi kiến thức quên cả bữa ăn, người mà trong niềm vui đạt được sự hiểu biết mà quên đi những muộn phiền, đồng thời không cảm thấy mình đang già đi.

Khi khen ngợi người đệ tử của mình là Nhan Hồi, Khổng Tử nói: “Hiền vậy thay Nhan Hồi! Một giỏ cơm, một bầu nước, ở chỗ ngõ hẹp, giá người khác ở vào cảnh ấy thì lo buồn không chịu được, thế mà Nhan Hồi không bao giờ đổi cái vui của mình. Hiền vậy thay Nhan Hồi!“.

Với những cá nhân đáng khâm phục như Khổng Tử và Nhan Hồi, niềm vui của họ không nằm trong những thứ vật chất, mà trong sự theo đuổi tinh thần. Những người hài lòng sống trong cảnh đói nghèo mà tìm thấy hạnh phúc từ sâu thẳm tâm hồn thông qua đồng hóa bản thân với Đạo chính là đã đạt được cảnh giới của Thánh nhân vậy.

Khổng Tử đã đề xướng nguyên lý về “Bằng lòng với nghèo khó, hạnh phúc đi theo Đạo” và giữ vững niềm tin vững chắc về “dùng Đạo để cứu độ con người”. Bậc Thánh hiền xưa tin rằng họ có trách nhiệm với xã hội và có sứ mệnh lịch sử, “nắm giữ những gì đất nước cần như là trách nhiệm của bản thân mình”. Khổng Tử chủ trương khai sáng con người bằng Đạo và đức hạnh. Ông thường yêu cầu con người nên bằng lòng với nghèo khó, hạnh phúc đi theo Đạo và cải thiện đạo đức bản thân, giải thoát khỏi sự ham muốn về danh vọng và lợi ích.

Trên thế gian, mỗi người đều có quyền theo đuổi chân lý và giữ vững đức tin, bất luận người đó giàu hay nghèo. Nhưng theo quan niệm của bản thân, người ta phân loại những người khác thành nhiều cấp bậc khác nhau. Người giàu coi thường người nghèo và một số quan chức kiểu cách khinh bỉ người bình dân.

Nhưng không có sự phân biệt giữa người giàu và người nghèo dựa trên bản chất của sinh mệnh. Người nghèo nếu vẫn giữ tâm cầu Đạo, thì ông Trời nhất định sẽ không bỏ rơi chỉ vì anh ta nghèo. Chỉ cần anh ta nhất tâm hướng Phật thì sẽ có thể công thành viên mãn, cũng giống như hoa sen mọc lên giữa bùn nhơ.

Xem thêm

[ad_2]