Một câu chuyện ẩn chứa đạo lý một uyên thâm

Một ông lão ở vùng biên ải có con ngựa. Một hôm, con ngựa đi mất, họ hàng thân thích đến thăm hỏi, chia buồn, ông lão lại cười khà khà nói: “Mất ngựa biết đâu lại là cái phúc”.

Mấy tháng sau, con ngựa trở về, lại có một con tuấn mã của người Hồ theo về. Những người thân quen kéo đến xem con tuấn mã và chúc mừng, ông lão lại chau mày nói: “Tự dưng mà lại được tuấn mã, biết đâu lại là cái họa”.

Từ khi được con tuấn mã, con trai ông lão thích lắm, thường cưỡi. Một hôm, chẳng may ngã ngựa gãy chân. Người thân quen đều đến hỏi thăm, chia buồn, ông chẳng buồn rầu chút nào, thản nhiên nói: “Con trai gãy chân, biết đâu lại là cái phúc”.

Một thời gian không lâu sau đó, có giặc Hồ xâm chiếm. Trai tráng đều được điều động ra chiến trường. Giặc Hồ rất hung hãn và thiện chiến, trai tráng mười người chết đến chín. Con trai ông lão vì què chân, không phải đi lính nên đã bảo toàn tính mệnh.

Câu chuyện được trích từ tác phẩm Hoài Nam Tử của Hoài Nam Vương Lưu An, cháu nội Hán Cao Tổ Lưu Bang. Ông là người tinh thông Đạo thuật. Câu chuyện “Tái ông thất mã” này là minh họa cho một câu trong Đạo Đức Kinh của Lão Tử: “Họa hề phúc chi sở ỷ. Phúc hề họa chi sở phục”. Nghĩa là: Họa là nơi phúc nương tựa, phúc là nơi họa ẩn nấp.

Cái lý âm dương, tương sinh tương khắc của Đạo gia là, trong âm có dương, trong dương có âm. Do đó, khi có họa thì ắt cũng đã có mầm phúc ẩn chứa trong đó, khi có phúc thì ắt cũng đã có mầm họa tiềm tàng bên trong.

Cũng như vậy, khi được thì có cái mầm mất đã nảy sinh, khi mất thì cái mầm được cũng liền có. Khi hiểu được rõ đạo lý này thì chúng ta sẽ thuận theo đạo lý mà hành xử, thuận theo tự nhiên mà sống, không phải bận tâm lo lắng được mất trong cuộc đời.

Người không hiểu được đạo lý này, cả đời sống trong khổ đau mệt mỏi, lo lắng được mất, hơn thiệt, thắng thua, tâm trí không có giây phút nào bình yên, ăn không ngon ngủ không yên.

Có người vì chút lợi cỏn con, giành được liền vui sướng, mất đi liền ưu sầu. Khi họ hiểu được đạo lý tương sinh tương khắc này, thì họ cũng sẽ hiểu, có khi mất đi sẽ đem lại phúc lành, có khi được sẽ mang về tai họa.

Do đó, từ chuyện được mất cá nhân, cho đến sự nghiệp của cả đời người, rồi đến vận mệnh của cả quốc gia, dân tộc, cũng như con ngựa của “Tái Ông” kia mà thôi, họa phúc đồng tại, trong họa có phúc, trong phúc có họa.

Theo Phật gia giảng, con người đến với thế gian là để trả nghiệp và tạo nghiệp. Mọi việc xảy ra với mình đều không phải ngẫu nhiên, đều có duyên cớ, đều do nghiệp và đức dẫn động đem đến. Những gì bất hạnh, bất đắc ý mà mình gặp phải đời này, chính là trả nợ nghiệp mình đã tạo trong các đời trước. Còn những phúc báo, hạnh phúc mình đắc được trong kiếp này, chính là đức mình đã tích từ các đời trước.

Người hiểu được luật nhân quả, nghiệp lực luân báo sẽ thản nhiên mà đón nhận bất hạnh, họa hoạn, bình thản nhận phúc báo. Họ sẽ không vì bất hạnh mà đau buồn bi lụy, khổ sở, mệt mỏi, cũng không vì có phúc báo mà đắc ý, dương dương tự đắc, phấn khích đến mức quên mất bản thân mình.

Khi chúng ta chịu thiệt, chịu khổ, hay làm việc thiện thì đồng thời nghiệp (ác nghiệp) sẽ tiêu và sẽ được đức (thiện nghiệp) tương ứng. Khi chúng ta có được thứ không phải của mình, làm việc xấu, chiếm lợi của người khác thì chúng ta tạo thêm nghiệp và mất đi đức tương ứng. Pháp lý của Phật gia này hoàn toàn khớp với đạo lý tương sinh tương khắc, trong họa có phúc, trong phúc có họa của Đạo gia.

Vậy nên, cả Đạo gia và Phật gia đều dạy chúng ta chân lý. Khi thành công chẳng dương dương tự đắc, khi thất bại cũng chẳng nhụt chí nguội lòng. Gặp vấn đề chẳng nên cứng nhắc khư khư giữ quan điểm, lập trường, mà nên bình tĩnh nhìn trên góc độ khác, bình diện khác, thì vấn đề sẽ nhanh chóng được xử lý hoặc qua đi, rồi việc thuận lợi tốt đẹp lại đến.

Người hiểu thấu đạo lý này, tự tu dưỡng rèn luyện mình, dần dần sẽ đạt đến cảnh giới tự do tự tại, an nhiên, tường hòa, nhìn đời bằng con mắt từ bi, nhìn người nào, việc gì cũng thuận mắt, nghe lời nào, việc nào cũng lọt tai. Mọi việc xảy đến thì thuận theo đạo, theo lẽ tự nhiên mà hành xử, việc qua rồi thì lại thảnh thơi, bình lặng như chưa có việc gì xảy ra.

Trí thức xưa, kẻ sỹ đều am hiểu Tam giáo Nho – Phật – Đạo, nên họ có thể ung dung tự tại, an nhàn du ngoạn hết thời gian thiên định sống trên cõi trần này, để những phút giây qua đi đều không phải nuối tiếc, như Nguyễn Trãi ở Côn Sơn:

Côn Sơn suối chảy rì rầm,
Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai.
Côn Sơn có đá rêu phơi,
Ta ngồi trên đá như ngồi đệm êm.

Trăm năm trong cuộc nhân sinh,
Người như cây cỏ thân hình nát tan.
Hết ưu lạc đến bi hoan,
Tốt tươi khô héo, tuần hoàn đổi thay.

Núi gò đài các đó đây,
Chết rồi ai biết đâu ngày nhục vinh.
Sào, Do bằng có tái sinh,
Hãy nghe khúc hát bên ghềnh Côn Sơn.

Xem thêm



Dự án xem nhiều:

Có thể bạn sẽ quan tâm: