[ad_1]
Dạy con phải bắt đầu từ những điều nhỏ nhặt nhất. Bậc cha mẹ khôn ngoan luôn biết cách mang đến cho đứa trẻ của mình cơ hội học hỏi những điều cao thượng từ chính cuộc sống bình dị xung quanh.
Một buổi sáng, người cha làm 2 bát mì, một bát có trứng còn một bát thì không. Sau đó ông đặt ngay ngắn trên bàn rồi hỏi cậu con trai muốn ăn bát nào. Cậu bé vừa ngủ dậy, mới rửa mặt và hãy còn ngao ngán, vừa ngáp vừa nói:
“Bát có trứng ạ“, cậu chỉ vào bát và nói.
“Nhường cho bố đi, Khổng Dung 7 tuổi đã biết nhường lê, con 10 tuổi rồi”, người cha mặc cả.
“Khổng Dung là Khổng Dung, con là con, con không nhường!”, cậu bé bắt đầu gắt gỏng.
“Không nhường thật à?“, người bố lại hỏi thêm lần nữa.
“Không nhường!”, cậu bé kiên quyết trả lời rồi lập tức cắn lấy một nửa miếng trứng như để “đánh dấu” rằng bát mì đã thuộc về mình.
Người bố khá bất ngờ trước cách cậu con trai hành xử nhưng vẫn bình tĩnh nói: “Con không hối hận chứ?”.
“Không hối hận”, cậu bé chẳng cần suy nghĩ, kiên quyết trả lời. Và như để biểu thị quyết tâm không gì lay chuyển của mình, cậu cho luôn miếng trứng còn lại vào miệng nhai ngấu nghiến.
Người bố lặng lẽ nhìn con ăn xong bát mì rồi quay sang đụng đũa vào bát mì không trứng của mình. Đoạn, ông xới lớp mì phía trên lên cho cậu con trai nhìn. Thì ra dưới đáy bát mì của người bố còn có hai quả trứng, lại có thêm thịt băm, gia vị đầy đủ.
Ông chỉ tay vào trong bát mì của mình, mỉm cười nói với cậu con trai rằng:
“Con hãy ghi nhớ, người luôn muốn chiếm lợi sẽ không bao giờ có được lợi ích”
Một buổi sáng Chủ Nhật nọ, người bố lại làm hai bát mì nữa. Cũng vẫn như lần trước, một bát có trứng bên trên và một bát không có gì. Ông vô tư hỏi:
“Con ăn bát nào?”.
“Con 10 tuổi rồi, con sẽ kính nhường cho bố”, cậu bé vừa nói tay vừa với lấy bát mì không trứng.
“Không hối hận chứ?”.
“Không ạ!”.
Cậu bé kiên quyết trả lời rồi ăn rất nhanh. Nhưng rồi cậu ăn gần hết bát mì mà cũng vẫn chẳng thấy trứng đâu. Lúc ấy người bố mới bắt đầu ăn bát mì của mình. Không ngờ bát mì của ông ngoài quả trứng ở trên mặt lại còn có thêm một quả khác dưới đáy bát. Ông chỉ vào bát mì mà nói:
“Bài học thứ hai con cần nhớ là: Người muốn chiếm lợi ích có thể phải chịu thiệt thòi lớn”
Vài tháng sau, người bố lại nấu hai bát mì và hỏi con:
“Ăn bát nào vậy con?”.
“Bố là bề trên, bố chọn trước đi ạ”.
“Vậy bố không khách sáo nhé”.
Ông chọn lấy bát mì có trứng và ăn. Cậu con lần này bình tĩnh hơn, không vội vã như hai lần trước nữa, nhẹ nhàng lấy bát mì không trứng mà ăn. Cậu ăn một lúc thì bất chợt phát hiện trong bát mì của mình cũng có trứng. Người bố trầm ngâm nói với con:
“Con nhớ nhé! Người không muốn chiếm lợi cho riêng mình thì ông Trời sẽ không để cho họ chịu thiệt thòi”
Khổng Dung (153 – 208), một quan viên thời Đông Hán, là cháu 20 đời của Khổng Tử, ông sinh ra ở nước Lỗ, nổi tiếng học giỏi, thông minh từ bé. Khổng Dung trở nên nổi tiếng, được người đời biết đến với điển tích “nhường lê”. Năm 7 tuổi, Khổng Dung đã biết nhường những quả lê ngon cho bố mẹ và anh em còn mình lấy quả lê nhỏ và xấu nhất. Chuyện này vẫn còn được ghi lại trong sách Tam Tự Kinh, vốn là sách vỡ lòng của trẻ con thời xưa.
Ở đời, nhường nhịn thì thường nhận phúc báo, không tranh với đời thì ông Trời lại chiếu cố cho. Trái lại, những kẻ tham lợi, bỏ nghĩa dù chiếm được lợi ích trước mắt nhưng ắt là không thể lâu dài. Trong giáo dục con trẻ, nhiều bậc cha mẹ thường dạy con mình phải biết khôn khéo, chiếm lấy lợi ích, không chịu thiệt thòi. Nhưng như bạn đã thấy trong câu chuyện 3 bát mì trên, đó hoàn toàn là cách làm sai lầm.
Hãy dạy con bạn thiện lương thay vì khôn ngoan, khoan dung thay vì oán hận, chia sẻ thay vì đố kỵ. Để lại cả núi vàng, núi bạc cho con thực cũng chẳng bằng dạy con bài học đầu đời quan trọng ấy vậy.
[ad_2]