[ad_1]

Ở Việt Nam thời gian qua có nhiều người “siêu giàu” vướng vào lao lý. Đây là nỗi buồn đối với giới kinh doanh nhiều hơn niềm vui, và vấn đề mà nhiều người suy nghĩ qua chuyện này là: hy vọng ngăn chặn những hệ lụy và nguy cơ đối với kinh tế.

Hai tỉ phú Jeff Bezos (trái) và Elon Musk – Ảnh: DNA

Elon Musk đang là người giàu nhất hành tinh. Con đường làm giàu của ông ấy rất mạch lạc, từ phát kiến ra PayPal cho đến Tesla, SpaceX và những ý tưởng “điên rồ” chinh phục không gian, với một mục tiêu rõ ràng: mang lại những cơ hội tốt hơn cho nhân loại. Tất nhiên, nếu chúng ta nghiên cứu các tỉ phú khác được liệt kê một cách bền vững trong danh mục của Forbes, xuất phát điểm mục đích làm giàu của họ thoạt đầu có thể chỉ đơn giản là kiếm tiền, nhưng càng về sau thì càng khác đi.

Vì sao chúng ta không có nhiều – hay nói đúng hơn là có quá ít – những người siêu giàu kiểu như Elon Musk, Jeff Bezos, Bernard Arnault hay Bill Gates? Câu trả lời có nhiều, song hãy nhìn ở khía cạnh động lực: nhiều đại gia ở ta làm giàu không phải là hướng về nhân loại, và cái cách họ kiếm tiền vẫn chứa đựng đầy chất mánh mung và cơ hội hơn là tập trung cho những giá trị bền vững.

Hầu như cho đến giờ, hiếm có ai trở thành siêu giàu ở Việt Nam mà không nhờ kinh doanh bất động sản. Con đường đầu tư hạ tầng, đẩy giá đất đai, nhà cửa, kiếm tiền dựa trên cơn sốt đầu cơ của toàn dân không bao giờ là cách tạo dựng giá trị lâu dài và bền vững. Tệ hơn nữa là nhiều người không đầu tư bằng nguồn lực thực sự, mà bằng những mánh lới tài chính lách luật, bằng thủ thuật và bằng sự phá vỡ niềm tin của cộng đồng.

8 trên 10 tỉ phú giàu nhất hành tinh là nhờ công nghiệp sáng tạo, công nghệ, thời trang, xa xỉ phẩm. 2 người còn lại là ông trùm công nghiệp. Trong top 30 tỉ phú hàng đầu thế giới, không có ai chỉ thuần túy kinh doanh bất động sản hay ngân hàng. Những con số đó nói lên tất cả.

Tuy vậy, khá nhiều người bình luận rằng cơ chế và môi trường của chúng ta đang tạo ra những kẽ hở, cũng là miếng mồi ngon khó bỏ qua, khi cơ hội rơi vào tay các nhà kinh doanh dư nhạy bén, thừa năng lực nhưng thiếu một chút tính liêm chính và sự chính trực.

Có lần, người em họ của tôi đưa ra một nhận xét giật mình: “Anh xem, mấy quan chức địa phương gặp gỡ chúng ta, hễ ngồi xuống là họ nói chuyện đánh golf, là hút xì gà. Tuyệt nhiên không thấy họ bàn những chuyện quốc kế dân sinh hay những trăn trở của địa phương nơi họ quản lý. Nếu thế thì các sân golf, các resort, các tòa cao ốc sẽ còn mọc lên dài dài”.

Có lẽ điều chúng ta cần ngày hôm nay là một sự thay đổi về phương thức mà thể chế tạo ra cơ hội. Cơ hội phải dành cho các ý tưởng đầu tư cho sáng tạo, cho công nghệ, cho những giá trị bền vững hơn. Đó là sự lựa chọn.

Cựu toàn quyền Úc, tướng Sir Peter John Cosgrove, nói rằng: “Trong kinh doanh, sự chính trực cũng quan trọng như với các công chức nhà nước… Nhưng trên hết, tôi tin rằng nghĩa vụ đầu tiên và căn bản nhất của người lãnh đạo có năng lực là bảo vệ danh tiếng và sự chính trực của hoạt động kinh doanh – ở một mức độ mà sự chính trực trong kinh doanh chính là sự chính trực của nhà lãnh đạo”.

Chúng ta mong đất nước mình có thật nhiều những người giàu và siêu giàu, bởi đó là dấu hiệu của một nền kinh tế phát triển. Nhưng nếu sự giàu có của họ chỉ là ăn xổi ở thì, là những đốm lửa chợt lóe, chợt tắt thì đó là dấu hiệu của một sự phát triển trong ảo giác, phi thực tế và đầy bất ổn.

Nguồn: https://cafeland.vn/tin-tuc/vi-sao-chung-ta-chua-co-elon-musk-jeff-bezos-108356.html

[ad_2]