[ad_1]
Phàm trên đời, ai cũng mong cầu bản thân là người có bản lĩnh cao cường, oanh oanh liệt liệt xông pha tứ hải, khiến cho người người kính phục mến yêu.
Trong Tam Quốc Diễn Nghĩa, Quan Vũ nhờ vào bản lĩnh cao cường mà uy chấn thiên hạ. Cuộc đời Quan Vũ được gắn liền các chiến công hiển hách khó người có thể sánh bì như chém Hoa Hùng, đánh Lữ Bố, trảm Nhan Lương, giết Văn Xú, qua 5 ải chém 6 tướng. Khi nhắc đến Quan Vũ người đời thường nghĩ ngay đến hình tượng một anh hùng trượng nghĩa vô song.
Tuy nhiên, bậc phàm nhân có tài thường đi đôi với tật. Song song với võ công hơn người, trượng nghĩa vì dân, Quan Vũ lại là người cậy mình bản lĩnh hơn người nên sinh ra thói kiêu căng ngạo mạn, coi thường người khác. Nhìn ra được khuyết điểm của Quan Vũ, Khổng Minh nhiều lần khéo léo khuyên can, thậm chí từng cho một bài học giáo huấn (suýt chém theo quân lệnh) nhưng Quan Vũ vẫn tính nào tật ấy, cuối cùng phá hỏng liên minh Tôn – Lưu, thân bại danh liệt, ngay cả chết cũng không toàn thây, đầu thân hai ngả. Thậm chí có người còn nhận định, thế chân vạc trong Tam Quốc, thành nhờ Không Minh, bại vì Quan Vũ.
Khi liên minh Tôn – Lưu hai nhà đang trong tình trạng sớm còn chiều mất, Tào Tháo cho sứ giả đến gặp Tôn Quyền bày kế liên minh trở mặt với Lưu Bị. Trước lúc quyết định, Tôn Quyền đã sai người đến cầu hôn con gái của Quan Vũ cho con trai mình, tuy nhiên Quan Vũ không những không nhận lời mà còn kiêu căng nhục mạ Tôn Quyền: “Nòi hổ không thể gả cho giống chó”. Câu nói này thực đã xúc phạm quá thể đến Đông Ngô, phá vỡ chủ trương liên minh Tôn – Lưu mà Khổng Minh trước giờ nhất nhất theo đuổi.
Bị xúc phạm, Tôn Quyền quyết định trở mặt với Lưu Bị, nhân lúc Quan Vũ đem quân đi đánh Phàn Thành, Tôn Quyền cho Lã Mông dẫn quân tương kế tựu kế tập kích Kinh Châu. Quan Vũ sau bao ngày vây đánh Phàn Thành nhưng gặp phải tướng giữ thành là Tào Nhân lắm mưu nhiều kế nên sau bao ngày vây đánh vẫn bất thành, nay lại nghe tin Kinh Châu bị đánh úp, không còn chỗ để rút về, tiến thoái lưỡng nan chạy ra Mạch Thành. Vừa ra Mạch Thành đã bị quân Ngô mai phục bắt sống, cuối cùng bại trận phải ôm nhục tự sát, Lã Mông nhớ lại thù xưa, báo thù cho Chu Du liền chặt đầu Quan Vũ đem dâng cho Tào Tháo.
Tôn Ngộ Không trong Tây Du Ký, sau khi bái sư học thuật, tinh thông 72 phép thần thông biến hoá, trở về Hoa Quả Sơn lại cậy mình bản lĩnh cao cường, không còn xem ai ra gì. Khi có được bản lĩnh cao cường, Tôn Ngộ Không đi đâu loạn đấy, xuống thuỷ cung đại náo thuỷ tề, đến âm tào xé sổ âm dương ghi quyền sinh tử, lên thiên cung đại náo chúng thần. Không còn coi ai ra gì, đến ngay cả Phật Tổ cũng không kiêng dè e lể mà khiêu chiến, kết cục bị giam 500 năm dưới Ngũ Hành Sơn, nếm đủ gió sương, phong trần khổ ải. May thay Phật Pháp từ bi đã cho Tôn Ngộ Không con đường cải tà quy chính, hối cải làm bờ, phò tá Đường Tăng sang Tây Chúc thỉnh kinh lấy công chuộc tội.
Kỳ thực nhân sinh tại thế, tài nhờ nhân đức, vụng bởi nhân tâm.
Quan Vũ thuở hàn vi, chuyên nghề bán đậu hũ kiếm sống qua ngày. Cuộc sống tuy khó khăn nhưng lại hiếu học chuyên cần, trượng nghĩa giúp người, cung kính khiêm nhường, sớm binh đao luyện võ, đêm đèn sách học đạo thánh hiền nên được xóm làng yêu quý, thầy mến bạn thương. Nhờ vậy mà tài học văn võ cũng sớm ngày thành tựu, tiếc thay sau này lại vì cậy mình bản lĩnh mà thân bại danh liệt.
Tôn Ngộ Không xuất thân từ một tảng đá bên bờ biển, sinh ra ngây thơ thuần thiện, hòa ái chân thành đối đãi mọi người nên được Bồ Đề Tổ Sư yêu mến mà truyền thụ phép tiên. Nhưng Bồ Đề Tổ Sư là bậc chân tiên, tinh thông quá khứ vị lai nên sớm biết có ngày sẽ gây họa tai ương, chỉ có nhận được bài học sâu sắc mới có thể thuần hóa ma tính, tìm về bờ giác.
Tôn Ngộ Không, Quan Vũ đều là những bậc bản lĩnh hơn người, nhưng số phận hai người lại khác biệt quá xa. Quan Vũ cố chấp tự cao nên đành ôm thảm bại. Còn Tôn Ngộ Không sau khi nhận được bài học 500 năm dưới Ngũ Hành Sơn đã sửa đổi nhân tâm, chuyên cần chịu khó, bỏ kiêu căng khinh người nên sau này đã phò tá Đường Tăng thành công, tu thành chính quả.
Quả là: Thành cũng bản lĩnh mà bại cũng bản lĩnh.
[ad_2]