[ad_1]

Để đẩy nhanh tiến độ triển khai hai “siêu” vành đai, gồm Vành đai 4 – vùng Thủ đô Hà Nội và đường Vành đai 3 TP.HCM trị giá 161.191 tỷ đồng, trong Nghị quyết về chủ trương đầu tư, Quốc hội cho phép được áp dụng hàng loạt cơ chế, chính sách đặc biệt…

Toàn cảnh phiên họp ngày 16/6, Quốc hội thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội và đường Vành đai 3 TP.HCM - Ảnh: Quochoi.vn Toàn cảnh phiên họp ngày 16/6, Quốc hội thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – vùng Thủ đô Hà Nội và đường Vành đai 3 TP.HCM – Ảnh: Quochoi.vn

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, ngày 16/6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội làm việc tại hội trường, tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – vùng Thủ đô Hà Nội và đường Vành đai 3 TP.HCM.

CHÍNH THỨC “HỒI SINH” HAI DỰ ÁN VÀNH ĐAI

Với 474/475 đại biểu tán thành, Quốc hội thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đường Vành đai 4 – vùng Thủ đô Hà Nội.

Nghị quyết gồm 4 điều nêu rõ mục tiêu đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 4 – vùng Thủ đô Hà Nội, vành đai liên vùng, khu kinh tế trọng điểm Vùng Thủ đô Hà Nội, kết nối Thủ đô Hà Nội với tỉnh Hưng Yên, tỉnh Bắc Ninh và các địa phương khác trong vùng, phát huy hiệu quả đầu tư đối với các dự án đã và đang được đầu tư, tạo không gian phát triển mới và giải quyết các vấn đề tồn tại của Thủ đô Hà Nội.

Đồng thời, khai thác tiềm năng sử dụng đất, xây dựng hệ thống đô thị bền vững, hiện đại; góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của đất nước theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Các đại biểu tham gia biểu quyết Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội.Các đại biểu tham gia biểu quyết Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – vùng Thủ đô Hà Nội.

Dự án đường Vành đai 4 – vùng Thủ đô Hà Nội có chiều dài khoảng 112,8 km, chia thành 7 dự án thành phần. Thực hiện hình thức thu phí tự động không dừng trong khai thác, vận hành.

Nghị quyết cũng nêu rõ nhu cầu sử dụng đất và phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, theo đó, sơ bộ nhu cầu sử dụng đất của dự án khoảng 1.341 ha, giải phóng mặt bằng toàn tuyến một lần theo quy mô quy hoạch.

 

Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án xây dựng đường Vành đai 4 – vùng Thủ đô Hà Nội là 85.813 tỷ đồng. Nghị quyết cũng xác định dự án cơ bản hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027.

Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án là 85.813 tỷ đồng.

Trong đó nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 – 2025 là 41.860 tỷ đồng, bao gồm 19.383 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách trung ương trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025. Nguồn vốn ngân sách địa phương là 22.477 tỷ đồng, trong đó, TP. Hà Nội là 19.477 tỷ đồng, tỉnh Hưng Yên là 1.000 tỷ đồng và tỉnh Bắc Ninh là 2.000 tỷ đồng.

Nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2026 – 2030 là 14.506 tỷ đồng, bao gồm: 8.790 tỷ đồng  từ nguồn vốn ngân sách trung ương. Nguồn vốn ngân sách địa phương là 5.716 tỷ đồng, trong đó, TP. Hà Nội là 4.047 tỷ đồng, tỉnh Hưng Yên là 505 tỷ đồng và tỉnh Bắc Ninh là 1.164 tỷ đồng. Còn lại vốn do nhà đầu tư thu xếp là 29.447 tỷ đồng.

Trước đó, đường Vành đai 4 – vùng Thủ đô nằm trên giấy suốt hơn 10 năm trời do khả năng huy động nguồn lực của các địa phương khó khăn, trong khi tổng mức đầu tư các dự án lớn, nguồn lực từ khai thác quỹ đất ngày càng khó khăn. 

Ngay sau đó, với 475/478 đại biểu tán thành, Quốc hội thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP.HCM.

Theo đó, chủ trương đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 3 TP.HCM nhằm mục tiêu kết nối TP.HCM với tỉnh Đồng Nai, tỉnh Bình Dương, tỉnh Long An và các địa phương khác trong vùng, phát huy hiệu quả đầu tư đối với các dự án đã và đang đầu tư, tạo không gian phát triển mới, khai thác tiềm năng sử dụng đất nhằm xây dựng hệ thống đô thị bền vững, hiện đại…

Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM có chiều dài 76,34 km, chia thành 8 dự án thành phần theo hình thức đầu tư công.

Về nhu cầu sử dụng đất và phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, sơ bộ nhu cầu sử dụng đất của dự án khoảng 642,7 ha.

 

Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án đường Vành đai 3 TP.HCM là 75.378 tỷ đồng. Dự án được thực hiện từ năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác từ năm 2026.

Sơ bộ tổng mức đầu tư là 75.378 tỷ, trong đó, nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 – 2025 là 61.056 tỷ đồng, bao gồm 31.380 tỷ đồng nguồn vốn ngân sách trung ương; 29.676 tỷ đồng nguồn vốn ngân sách địa phương (TP.HCM là 19.449 tỷ, Đồng Nai là 1.567 tỷ đồng, Bình Dương là 7.808 tỷ đồng và Long An là 852 tỷ đồng).

Nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2026 – 2030 là 14.322 tỷ đồng, bao gồm: 7.361 tỷ đồng nguồn vốn ngân sách trung ương; 6.961 tỷ đồng nguồn vốn ngân sách địa phương (TP.HCM là 4.562 tỷ đồng, Đồng Nai là 367 tỷ đồng, Bình Dương là 1.832 tỷ đồng và Long An là 200 tỷ đồng).

“Siêu” dự án này cũng trong trạng thái nằm “bất động” suốt hơn 10 năm do chưa bố trí được nguồn vốn, chỉ có đoạn Tân Vạn – Bình Chuẩn (một phần đường Mỹ Phước – Tân Vạn, Bình Dương) dài 16km đã được đưa vào khai thác.

“CHỐT” LOẠT CƠ CHẾ ĐẶC BIỆT

Hai Nghị quyết cũng xác định, việc triển khai, thực hiện hai dự án đường vành đai vùng Thủ đô Hà Nội và TP.HCM được áp dụng hàng loạt cơ chế đặc biệt.

Đối với dự án đường Vành đai 4 – vùng Thủ đô Hà Nội, được điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 là 14.250 tỷ đồng bố trí cho Bộ Giao thông vận tải giao về các địa phương để thực hiện dự án, trong đó, TP. Hà Nội là 8.400 tỷ đồng; Hưng Yên là 3.740 tỷ đồng và Bắc Ninh là 2.110 tỷ đồng.

Đáng chú ý, cho phép sử dụng phần vốn nhà nước tham gia tối đa là 66% sơ bộ tổng mức đầu tư dự án. Trường hợp điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án trong thời gian Quốc hội không họp, Quốc hội ủy quyền Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Trình tự, thủ tục, thẩm quyền thẩm định và quyết định đầu tư các dự án thành phần được thực hiện tương tự như đối với dự án nhóm A theo quy định của pháp luật về đầu tư công; giao Chủ tịch UBND TP. Hà Nội phê duyệt dự án thành phần 3.

Với dự án đường Vành đai 3 TP.HCM, Nghị quyết cho phép điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 là 17.146 tỷ đồng bố trí cho Bộ Giao thông vận tải giao về các địa phương để thực hiện dự án, trong đó TP.HCM là 10.627 tỷ đồng, Đồng Nai là 856 tỷ đồng, Bình Dương là 4.266 tỷ đồng và Long An là 1.397 tỷ đồng.

Cho phép tăng tổng mức vốn trung hạn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 từ nguồn vốn dự kiến tăng thu của các địa phương. Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính, các bộ, cơ quan Trung ương, các địa phương liên quan xây dựng phương án thu hồi vốn đầu tư dự án (không bao gồm đường song hành – đường đô thị) hoàn trả vào ngân sách trung ương và ngân sách địa phương theo tỷ lệ vốn góp đầu tư dự án.

 

Với cả 2 dự án, trong 2 năm kể từ khi Nghị quyết được Quốc hội thông qua, cho phép người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định việc chỉ định thầu trong quá trình triển khai thực hiện dự án đối với các gói thầu tư vấn, các gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, các gói thầu thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Trình tự, thủ tục thực hiện chỉ định thầu thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu.

Đồng thời, cho phép trong giai đoạn triển khai dự án, nhà thầu thi công không phải thực hiện thủ tục cấp giấy phép khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án; việc khai thác mỏ khoáng sản quy định tại khoản này được thực hiện đến khi hoàn thành dự án.

Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội trong việc triển khai tổ chức thực hiện, quản lý và khai thác, vận hành dự án theo đúng Nghị quyết này và quy định của pháp luật có liên quan; đôn đốc, kiểm tra các địa phương được giao làm cơ quan chủ quản/cơ quan có thẩm quyền và chịu trách nhiệm về tiến độ, chất lượng dự án; quản lý, sử dụng vốn và các nguồn lực tiết kiệm, hiệu quả, phòng chống tham nhũng, tiêu cực; chỉ đạo các địa phương bảo đảm nguồn vốn thực hiện dự án;

Trường hợp tăng tổng mức đầu tư của dự án thành phần, địa phương được giao làm cơ quan chủ quản/cơ quan có thẩm quyền của dự án thành phần có trách nhiệm cân đối bổ sung nguồn vốn từ ngân sách địa phương để thực hiện dự án thành phần đó. Trường hợp giảm tổng mức đầu tư của dự án thành phần, ngân sách trung ương dự kiến bố trí cho dự án thành phần đó giảm tương ứng.

Nguồn: https://vneconomy.vn/quoc-hoi-thong-qua-chu-truong-dau-tu-va-loat-co-che-gap-rut-trien-khai-hai-sieu-vanh-dai-hon-160-000-ty-dong.htm

[ad_2]