[ad_1]
Cổ nhân có câu: “Thất phu chịu nhục, tuốt kiếm tương đấu“, kẻ phàm phu tục tử vốn không thể nhẫn nại và khiêm nhường, thường phản kháng ngay khi bản thân gặp chuyện oan sai, chịu thiệt, bị người khác nhục mạ. Còn người quân tử có hàm dưỡng thì ắt là không hồ đồ như thế, họ có thể nhẫn trước những sự tình tưởng như không thể nhẫn chịu, biết suy xét lại bản thân dẫu lỗi lầm chẳng thuộc về mình.
Nhờ đó, họ luôn giữ được sự bình thản trong tâm, không bao giờ oán hận, tranh đấu. Bởi họ biết rằng, đôi khi gặp mâu thuẫn khó khăn, “lùi một bước” mới có thể tiến dài hơn.
Có người thường cho rằng lùi bước là hèn nhát, là nhu nhược, thật ra không phải như vậy, bởi bên trong sự “lùi bước” có ẩn giấu trí tuệ thâm sâu và nghệ thuật làm người.
Đôi khi, “lùi bước” một cách có tính toán chỉ là tạm thời dừng lại để dồn sức mạnh để chờ một thời cơ thích hợp sau sau này. Nếu lần này thời cơ chưa chín muồi hoặc sức mạnh của bản thân chưa đủ, vậy thì chớ nên tiếp tục tốn công uổng phí làm gì, bởi làm như vậy chỉ khiến bị tổn thương mà thôi.
Một người biết cách lùi bước trước tiên phải có tinh thần biết nhẫn nhục, ngoài ra còn có khí độ khoáng đạt bởi anh ta biết suy nghĩ cho đại cục, có thể chịu đựng sự nóng giận nhất thời. Bởi vậy, những người có tâm đại Nhẫn, bước “lùi bước” thường làm nên đại sự.
Lùi một bước chờ cơ hội chín muồi
Điển tích từ xưa đã chứng tỏ sức mạnh tiềm ẩn của sự nhẫn nhịn, như Việt vương Câu Tiễn “nằm gai nếm mật” hoặc Bình Định Vương Lê Lợi “chốn hoang dã nương mình”.
Nếu thuở xưa, Câu Tiễn khuất phục trước Ngô vương trong đại chiến giữa hai nước Ngô–Việt thì đã không phải chịu trăm đắng ngàn cay đắng đày ải thân mình; thay vào đó là mãi mãi mang nỗi nhục mất nước suốt hàng thế kỷ sử sách.
Tương tự như vậy, khi Lê Lợi từ chối những chức quan tốt theo mưu đồ của tướng nhà Minh; nếu ông không lấy lùi làm tiến, trở về ẩn giấu nơi núi rừng mà âm thầm chiêu mộ hào kiệt mưu trí, thì khó có thể làm nên nghiệp lớn sau này.
Biết lùi một bước để tiến hai nước là một cảnh giới, một mỹ đức, một thái độ sinh tồn, một bản lĩnh trong ứng xử, càng là đại trí tuệ của nhân sinh.
Dưới áp lực, phải học cách thay đổi, trong nguy nan, học cách tự bảo vệ mình. Lùi một bước biển rộng trời cao, nhẫn một thời sóng yên biển lặng. Đó mới là trí tuệ bản lĩnh đích thực của một bậc hảo hán trượng phu, biết mượn gió trợ hỏa, biết chọn thời mà làm, biết lấy yếu thắng mạnh, biết lấy nhu đấu cương.
Người biết “lùi bước” là kẻ thấu hiểu đạo lý ẩn sâu bên trong, hiểu rằng nhượng bộ không có nghĩa là nhu nhược, yếu thế mà ngược lại là thể hiện của cảnh giới trí tuệ, bao dung và cao thượng, như vậy mới có thể trở thành người chiến thắng sau cùng.
Kỳ thực, “lùi” và “tiến” có thể viên dung, hỗ trợ lẫn nhau, giống như âm và dương, cương và nhu, động và tĩnh, trên và dưới, thành và bại. Chỉ có âm thì không sinh ra được, chỉ có dương thì không lớn lên được; cao ngạo thì sẽ có hối hận; chỉ biết tiến mà không biết lùi thì cuối cùng sẽ dẫn đến suy sụp, thất bại chỉ trong một sớm.
Người xưa nói: “Sở dĩ không biết rõ chân núi là vì bản thân đang đứng ở trên núi”, “Người trong cuộc mê, người bên ngoài rõ ràng minh bạch”. “Lùi một bước” là tách bản thân mình đi ra khỏi núi, đứng ở ngoài cuộc, như thế mới có thể thấy rõ chân núi, lý trí hiểu rõ được sự tình mà lập thành sự nghiệp.
Quân tử biết cách chờ thời mà hành động
Trong “Chu Dịch” có viết: “Quân tử xem cơ màu mà động tác”, lúc có biến động, người quân tử phải xem xét suy nghĩ cho cẩn thận, để lúc làm việc gì thì biết rõ cái thời cơ có làm được hay không. Có thời cơ làm được mà không làm là dại, chưa có thời cơ làm được mà làm cũng là dại, không phải là người quân tử.
Còn “Binh pháp Tôn Tử” nói rằng: “Nếu không thể thắng thì phòng thủ, có thể thắng thì phải tấn công. Phòng thủ khi thực lực ta không đủ, tấn công khi thực lực ta dư. Người giỏi phòng thủ, ẩn mình dưới chín tầng đất. Người giỏi tấn công, khuấy động đến chín tầng trời. Do đó mới có thể tự bảo vệ mình mà toàn thắng vậy”.
Việt Vương Câu Tiễn nếm mật nằm gai mà khôi phục đại nghiệp; Sở Trang Vương ba năm im hơi lặng tiếng, một lần cất tiếng nói kinh động khắp bờ cõi; Hàn Tín mười năm mài kiếm cuối cùng gặp được minh chủ… thảy đều qua “lùi một bước”, chờ đợi mà vượt trội lên.
“Mọi sự đủ cả, chỉ thiếu gió Đông”, hàm ý nói rằng, dù chuẩn bị đầy đủ cũng phải biết chờ thời mới hành động. Dẫu quá trình chờ đợi là thống khổ và dày vò nội tâm, người kiên gan bền chí hiểu rằng điều nên tới cuối cùng sẽ tới, vậy nên không vì một chút thất bại mà tiêu mất đi ý chí.
Khi gặp phải chuyện oan trái, khi đột nhiên bị đổ vạ lây, thực sự rất ít người có thể giữ vững được cái tâm của mình. Đột ngột gặp một chuyện oan ức, bất bình như thế, ai mà chẳng nổi nóng, liền muốn đứng lên đòi lại công bằng chứ?
Nhưng người xưa lại cho rằng đó không phải là cách một người có học hành, tu dưỡng xử sự. Bởi vậy, người quân tử trước nay đều là những người biết nhìn xa trông rộng, có tầm nhìn rộng, biết nhẫn chịu, có khí chất, nội tâm mạnh mẽ và biết lùi lại đúng lúc để làm nên đại sự.
Nguồn: Epochtimestv
Lan Hòa biên tập
[ad_2]