Kon Tum: Chính quyền có làm ngơ khi người dân xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp? Công ty cổ phần Địa Tín phân phối độc quyền dự án: Khu đô thị Từ Sơn Garden City
[ad_1]

Thời gian qua, Văn Hóa nhận được ý kiến phản ánh của người dân trên địa bàn phường Ngô Mây, TP. Kon Tum (tỉnh Kon Tum) về việc một hộ dân tự ý xây dựng đường bê tông, dựng các chòi kiên cố trên đất nông nghiệp với ý định mở điểm du lịch sinh thái trái phép khi chưa được sự đồng ý của cơ quan chức năng có thẩm quyền.

Đáng chú ý, sau khi kiểm tra, chính quyền TP. Kon Tum đã ra quyết định xử phạt 83 triệu đồng, đồng thời áp dụng biện pháp khắc phục – trả lại nguyên hiện trạng ban đầu. Tuy nhiên, chủ cơ sở này vẫn đang tiếp tục xây dựng.

Theo đó, vị trí xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp mà người dân phản ánh nằm sát tuyến đường tránh TP. Kon Tum, đoạn đi qua địa bàn thôn Pleitrum Đăk Choăh, phường Ngô Mây.

Kon Tum: Chính quyền có làm ngơ khi người dân xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp?

Nhìn từ trên cao, mô hình này được xây dựng giống như một trang trại nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái

Xây dựng quy mô, bài bản

Để xác minh thông tin phản ánh của người dân, phóng viên Văn Hóa đã liên hệ chủ của vị trí xây dựng nói trên để “mục sở thị”. Theo quan sát của PV, khu vực này tương đối rộng lớn được bố trí xây dựng bài bản, công phu từ các tuyến đường cấp phối, đường bê tông, hệ thống nước tưới tự động cũng như phân chia từng khu để trồng các loại cây gỗ lớn như trắc, xen kẽ với các khu trồng cây ăn trái và thảm cỏ tự nhiên… Ngoài ra, xung quanh khuôn viên có rất nhiều chòi gỗ, chòi nghỉ chân kiên cố được dựng lên.

Tại đây, tiếp chuyện chúng tôi là một người tên Tài, tự giới thiệu là chủ của trang trại nông nghiệp đang được triển khai xây dựng. Dẫn chúng tôi dạo quanh một vòng trên cung đường bê tông, ông Tài cho biết, toàn bộ khu đất của gia đình có diện tích gần 8ha, đang được gia đình trồng các loại cây ăn trái và một loại cây dược liệu có tên “đàn hương”. Những đoạn đường bê tông được xây dựng trong khuôn viên nhằm mục đích thuận tiện cho việc vận chuyển trang thiết bị, vật tư phục vụ cho việc trồng nông nghiệp của gia đình.

“Định hướng của gia đình tôi là phát triển nông nghiệp một cách bền vững. Những con đường, vấn đề giao thông trong này phục vụ cho nông nghiệp và tôi áp dụng máy móc công nghệ cho thu hoạch chứ không phải thủ công. Để áp dụng máy móc vào thu hoạch thì với địa hình ở Tây Nguyên mùa mưa rất lầy lội, vì vậy tôi muốn giữ những con đường này để làm nông nghiệp. Tôi cũng khẳng định ở đây tôi đang giữ nguyên hiện trạng và sẽ trồng thêm các loại cây để phủ xanh toàn bộ khu vực này. Và quan điểm của cơ quan chức năng là hướng đến làm nông nghiệp chứ chưa tính đến làm dịch vụ hay du lịch”, ông Tài giải thích.

https://baovanhoa.vn/Portals/0/phamngocphuong/A2_152.jpg

Nhiều tuyến đường bê tông, chòi dừng chân được xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp

Cơ quan chức năng nói gì?

Trao đổi với Văn Hóa, ông Nguyễn Văn Hùng, Trưởng phòng TN&MT TP. Kon Tum cho biết, vừa rồi Phòng TN&MT chủ trì phối hợp Phòng Quản lý đô thị và UBND phường Ngô Mây đã tiến hành kiểm tra vị trí xây dựng trái phép mà người dân phản ánh. Sau khi lập biên bản vi phạm hành chính, chúng tôi đã tham mưu cho UBND TP. Kon Tum ra quyết định số 173 ngày 9-3-2022 xử phạt hành chính 83 triệu đồng, đồng thời yêu cầu trả lại hiện trạng ban đầu.

Theo đó, người bị xử phạt hành chính là ông Nguyễn Công Tú (SN 1965), đã thực hiện các hành vi vi phạm hành chính gồm: Chuyển đổi đất trồng cây hàng năm khác sang đất phi nông nghiệp tại khu vực đô thị không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép. Tổng diện tích vi phạm là 8.619,5 m2. Cụ thể, xây dựng các công trình: nhà ở công nhân kết hợp nhà kho diện tích 198 m2; nhà gỗ diện tích 32 m2; chòi nghỉ chân diện tích 54 m2; chuồng bò diện tích 80 m2; đường giao thông bê tông diện tích 1.644 m2; đường giao thông lát đá 1.611,5 m2; diện tích đất đào đắp ven suối 5.000 m… Ngoài ra, ông Tú còn vi phạm hành vi không đăng ký đất đai lần đầu tại khu vực đô thị quá thời hạn 24 tháng, quy định tại khoản 3, điều 17, Nghị định số 91/2019 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai.

Tổng mức tiền xử phạt đối với các hành vi nói trên là 83 triệu đồng. Đồng thời, buộc ông Tú khôi phục lại hiện trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc ông Tú thực hiện làm thủ tục đăng ký đất đai theo quy định. Thời hạn thực hiện biện pháp khắc phục là 10 ngày kể từ ngày ra quyết định.

Ông Hùng cho biết thêm, hiện việc nộp tiền phạt thì hộ cá nhân đã chấp hành, tuy nhiên còn phần biện pháp khắc phục bổ sung thì vẫn còn nguyên vẹn. “Quan điểm của Thành phố là sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, nếu không chấp hành thì sẽ thành lập đoàn cưỡng chế”, Trưởng phòng TN&MT TP. Kon Tum cho hay.

https://baovanhoa.vn/Portals/0/phamngocphuong/A1_182.jpg

Lối vào mô hình trang trại nông nghiệp của ông Tú luôn đóng cửa không cho người lạ ra vào

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc để xảy ra những vi phạm về đất đai nói trên, trách nhiệm thuộc về ai, ông Hùng khẳng định: “Trách nhiệm thuộc về UBND phường Ngô Mây mà trực tiếp là cán bộ địa chính phường. Tại sao lại để cho người ta làm quá hoành tráng, thời gian vi phạm diễn ra trong mấy năm trời nhưng không tiến hành kiểm tra, đến lúc phát hiện ra thì đã hình thành mô hình”.

Trong khi đó, ông Phạm Giang Nam, cán bộ địa chính phường Ngô Mây cho rằng: “Chẳng có quy định nào cụ thể về việc đất nông nghiệp không được làm đường bê tông. Bởi vì người ta làm đường bê tông để cứng hóa trong rẫy để vận chuyển nông sản thì đó là cái đường nội bộ chứ không sử dụng vào mục đích tham gia giao thông. Nhưng mà do Luật của mình cứng quá nên phải chấp hành”.

Khi phóng viên đặt câu hỏi, trước khi UBND TP. Kon Tum giao cơ quan chuyên môn tiến hành kiểm tra và ra quyết định xử phạt đối với ông Tú, UBND phường Ngô Mây, mà trực tiếp là cán bộ địa chính đã tiến hành kiểm tra vị trí xây dựng này chưa, ông Nam trả lời “chưa” và giải thích: “Mình không biết khu vực của ổng ổng làm rẫy trong đó mà ai mà đi vào. Ví dụ, trong vườn nhà em ngày nào anh cũng vô hỏi làm gì, xây dựng cái gì thì đâu được. Còn quá trình mình kiểm tra thấy vi phạm thì mình xử lý vi phạm”.

Rõ ràng, cách lý giải của cán bộ địa chính phường Ngô Mây là không thể chấp nhận được. Bởi, một mô hình trang trại nông nghiệp được xây dựng quy mô, bài bản trong thời gian dài với diện tích gần 8ha trên địa bàn nơi ông trực tiếp theo dõi, giám sát, trong đó các hạng mục sai phạm là hơn 8.600 m2 mà cán bộ địa chính không hề hay biết để kiểm tra, xử lý. Mãi đến khi có ý kiến phản ánh của người dân, UBND TP. Kon Tum tiến hành xác minh thì những sai phạm mới được phát hiện.

Qua sự việc này, dư luận có quyền đặt câu hỏi, liệu có hay không việc cán bộ địa chính phường Ngô Mây đã “buông lỏng” công tác quản lý, “ngó lơ” cho sai phạm, để rồi từng bước hợp thức hóa cho hộ cá nhân vi phạm.

Nguồn: https://cafeland.vn/tin-tuc/kon-tum-chinh-quyen-co-lam-ngo-khi-nguoi-dan-xay-dung-trai-phep-tren-dat-nong-nghiep-108833.html

[ad_2]