[ad_1]
Đến nay, Hà Nội mới có 19 dự án hoàn thành, đưa vào sử dụng, chiếm 1,2% tổng số nhà chung cư cũ trên địa bàn. Một số nhà đầu tư cho rằng, hiện thành phố vẫn chưa ban hành hệ số đền bù dẫn đến cả một năm trời nhà đầu tư không thể lên phương án làm việc với người dân…
Ảnh minh họa.
Sở Xây dựng Hà Nội vừa tổ chức Hội nghị tập huấn về triển khai quy định tại Nghị định số 69/2021/NĐ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư. Hội nghị có sự tham gia của lãnh đạo 15 quận, huyện có nhà chung cư cũ và đại diện các doanh nghiệp, nhà đầu tư quan tâm.
CHƯA BAN HÀNH HỆ SỐ ĐỀN BÙ
Chia sẻ tại hội nghị lần này, nhiều quận, huyện có nhà chung cư thuộc diện cải tạo, xây dựng lại và các chủ đầu tư quan tâm đến cải tạo chung cư cũ cho biết về những vướng mắc trong hoạt động này.
Theo đại diện UBND quận Hà Đông, trên địa bàn quận đang có nhiều chung cư đa sở hữu, trong đó có của người dân, nhà nước, doanh nghiệp… chưa được cấp sổ đỏ. Có những khu chung cư từng thuộc cơ quan công an, bộ đội… quản lý. “Vậy những loại hình này có được đưa vào rà soát hay không?”, đại diện UBND quận Hà Đông đặt câu hỏi.
Đại diện UBND quận Thanh Xuân lại nêu thắc mắc về chi phí kiểm định tính như thế nào? Trong khi đó một số nhà đầu tư thì có ý kiến: Nghị định số 69/2021/NĐ-CP quy định hệ số K đền bù cho từng khu vực do UBND cấp tỉnh ban hành nhưng đến nay thành phố Hà Nội vẫn chưa ban hành hệ số đền bù dẫn đến cả một năm trời nhà đầu tư không thể lên phương án làm việc với người dân. Đây là việc rất bất cập, kéo chậm tiến độ đầu tư. Vì vậy đề nghị thành phố ban hành ngay hệ số đền bù để chủ đầu tư có căn cứ làm việc với người dân.
Thông tin từ hội nghị đã cho biết thêm: một trong những điểm nổi bật của Nghị định 69/2021/NĐ-CP là quy định về các trường hợp nhà chung cư phải phá dỡ để xây dựng lại hoặc công trình khác theo quy hoạch. Trong đó có nhà chung cư phải phá dỡ khẩn cấp do sự cố, thiên tai, cháy nổ, hết niên hạn sử dụng hoặc chưa hết nhưng có kết luận kiểm định của cơ quan quản lý nhà ở.
Đặc biệt nếu thuộc diện phải phá dỡ khẩn cấp mà chưa có trong kế hoạch cải tạo, xây dựng chưa được phê duyệt, cơ quan chức năng có thẩm quyền phải thực hiện ngay việc di dời các hộ gia đình, sau đó bổ sung trường hợp này vào kế hoạch cải tạo, xây dựng lại của địa phương.
Thời gian qua công tác triển khai cải tạo chung cư cũ trên địa bàn thành phố còn chậm. Kết quả thực hiện đạt thấp do các khó khăn, vướng mắc chủ quan và khách quan. Đến nay mới có 19 dự án hoàn thành, đưa vào sử dụng, chiếm 1,2% tổng số nhà chung cư cũ trên địa bàn.
Do đó để thúc đẩy công tác cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ hư hỏng, xuống cấp, thành phố Hà Nội đã ban hành Đề án và các kế hoạch triển khai. Đồng thời lãnh đạo các sở, ngành, UBND các quận, huyện nơi có nhà chung cư cũ được yêu cầu phải chỉ đạo thực hiện sao cho có hiệu quả, góp phần đẩy nhanh tiến độ triển khai; tổ chức tuyên truyền đến các phường, xã, tổ dân phố, người dân nhằm tạo sự đồng thuận khi phá dỡ, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn thành phố.
CHỈ ĐẠO CÁC QUẬN, HUYỆN QUYẾT LIỆT HƠN NỮA
Theo ông Bùi Tiến Thành, Trưởng phòng Phát triển đô thị, Sở Xây dựng Hà Nội, để triển khai cải tạo, xây dựng chung cư cũ, trách nhiệm của các quận, huyện là rất quan trọng giúp nhà đầu tư sớm tiếp cận được các dự án. Vừa qua, Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch – Kiến trúc tiến hành rà soát tại 15 quận, huyện, qua đó thấy trách nhiệm triển khai đề án chưa được quan tâm đúng mức.
Trưởng phòng Phát triển đô thị cũng đề nghị quận, huyện cần thành lập ngay Ban chỉ đạo cải tạo chung cư nhằm tranh thủ sự chỉ đạo của cấp ủy tham gia; Thành lập Hội đồng thẩm định hỗ trợ tái định cư. Đồng thời xây dựng các kế hoạch chuyên đề, kế hoạch tổng thể. Trên cơ sở đó sẽ giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị trực thuộc.
Đối với thắc mắc về hệ số đền bù K, Sở Xây dựng cho biết: đơn vị đang xây dựng hệ số cho từng vùng dựa theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô. Dự thảo dự kiến được gửi xin ý kiến các sở ngành vào tuần tới, sau đó lấy ý kiến phản biện của các ban ngành đoàn thể, đảm bảo công khai, minh bạch.
Trong khi đó, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây Dựng cho biết: Hà Nội cần chỉ đạo các quận, huyện vào cuộc quyết liệt hơn nữa trong cải tạo, xây dựng chung cư cũ. Trách nhiệm đã được triển khai đến tận xã phường, chính quyền phải thực sự xắn tay vào tham gia cùng các nhà đầu tư. Ngoài ra, thành phố cần sớm phê duyệt giá bồi thường, tái định cư. Khi đó nhà đầu tư mới có thể tính toán lợi nhuận, thỏa thuận với người dân để người dân biết được đền bù như thế nào.
Nhìn chung đối với vấn đề xây lại chung cư cũ, theo ông Nguyễn Mạnh Khởi: “Nhà nước đã cố gắng mở hết cửa, cái gì ưu đãi được là cho hưởng ưu đãi. Đặc biệt thực hiện trong giai đoạn này, nhà đầu tư còn được hỗ trợ lãi suất 2%. Đây là cơ hội triển khai vô cùng thuận lợi. Hy vọng các dự án cải tạo sẽ được triển khai mạnh mẽ, góp phần hình thành nên diện mạo đô thị, khu dân cư khang trang, sạch đẹp hơn.
Trước đó, UBND TP. Hà Nội cũng ban hành Quyết định số 907 QĐ-UBND về thành lập Tổ công tác của Thành phố để nghiên cứu, hoàn thiện các quy định của Thành phố về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư trên địa bàn. Tổ công tác của Thành phố có 25 thành viên gồm: Chủ tịch UBND các quận, huyện và các Giám đốc nhiều Sở, ngành. Tổ công tác do ông Võ Nguyên Phong, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội làm Tổ trưởng.
Nhiệm vụ, nội dung, kết quả hoạt động của Tổ công tác là nghiên cứu, hoàn thiện các quy định về tiêu chí để lựa chọn chủ đầu tư, cơ chế chính sách cụ thể thuộc thẩm quyền của Thành phố về cải tạo, xây dựng nhà chung cư theo quy định của Nghị định số 69/2021/NĐ-CP và các quy định khác có liên quan.
Sở Xây dựng là Cơ quan thường trực Tổ Công tác, chủ trì, phối hợp cùng các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu, xây dựng các quy định của thành phố về cải tạo, xây dựng nhà chung cư, gửi Tổ công tác để xem xét, đánh giá, hoàn thiện trước khi trình cấp có thẩm quyền ban hành theo quy trình, quy định.
Nguồn: https://vneconomy.vn/ha-noi-van-nhieu-vuong-mac-trong-qua-trinh-tai-thiet-chung-cu-cu.htm
[ad_2]