Từng định bỏ việc ở ngân hàng để đầu tư chứng khoán khi nhìn mức lãi gần 200 triệu sau hai tháng, Hoàng Tùng đang thấy may vì không quyết như vậy.

28 tuổi, là nhân viên tín dụng một ngân hàng thương mại tại Hà Nội, Hoàng Tùng mỗi tháng có “KPI” chính là giải ngân 2,5 tỷ đồng, cộng thêm một số chỉ tiêu phụ về mở thẻ, bảo hiểm để đảm bảo mức thu nhập gần 20 triệu đồng. Con số này, nếu trở lại hai năm trước, là không khó, nhưng hiện nay lại “rất áp lực”. Nhiều tháng, Tùng chỉ hoàn thành chưa tới hai phần ba định mức được giao. Công việc không đảm bảo, thu nhập của anh vì thế cũng không còn ổn định.

Như nhiều người khác, Tùng tìm đến chứng khoán. Tùng kỳ vọng đây vừa là một kênh đầu tư tăng thu nhập, vừa giúp khoản tiền tiết kiệm hơn 300 triệu đồng có thể tăng thêm.

Tham gia thị trường từ cuối tháng 3, cũng như nhiều nhà đầu tư F0 khác, Tùng “xuống tiền” theo sự tư vấn của môi giới và “leader” ở một số nhóm chứng khoán.

Nhà đầu tư giao dịch trên sàn một công ty chứng khoán tại Quận 1, TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần

Nhà đầu tư giao dịch trên sàn một công ty chứng khoán tại Quận 1, TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần

Anh bỏ tiền vào NKG, HPG khi mới tham gia vì nghe tin giá thép tăng phi mã, nhưng không đi trọn “con sóng” bởi “run tay do lần đầu nhìn thấy mức lợi nhuận cao như vậy”. Dù vậy, mức lợi nhuận, theo Tùng, vẫn là “kỳ tích”.

Tùng sau đó không bỏ lỡ bất kỳ cuộc chơi nào của thị trường. Anh nghe ngóng trên các diễn đàn, các hội nhóm, chuyển hướng liên tục sang các mã “nóng”, từ các cổ phiếu ngân hàng nhóm dưới trong nhịp tăng giữa năm, rồi gần nhất là “đánh” cổ phiếu bất động sản, penny. Ai hô mã nào, Tùng vào mã đó. Có những tháng, danh mục tăng thêm cả trăm triệu đồng. Con số lợi nhuận trong vài tháng, nếu quy đổi sang lãi suất gửi tiết kiệm, sẽ tương đương việc gửi tiền trong gần chục năm.

“Lúc đó mình nghĩ tiền kiếm được dễ quá, chứng khoán thực ra cũng không khó”, Tùng chia sẻ. “Đã có lúc mình tính chuyện nghỉ hẳn việc ngân hàng để chơi chứng, mỗi tháng kiếm vài chục triệu thấy thật nhẹ nhàng”.

Sự thăng hoa của nhiều nhóm ngành, đặc biệt là sự trỗi dậy của nhóm mid-cap và penny, là xu hướng vận động của thị trường trong những tháng gần đây.

Dòng tiền đầu cơ tập trung vào những cổ phiếu dưới mệnh giá, giúp nhiều mã tăng tính bằng lần. Sự hấp dẫn của tỷ lệ sinh lời thu hút sự quan tâm của thị trường, đặc biệt là những nhà đầu tư F0, bởi không ít người lần đầu tham gia thị trường chứng khoán vì hấp dẫn bởi lợi nhuận.

Diễn biến này cũng được phản ánh qua chênh lệch VN-Index và VN30-Index. Nếu tính từ đầu năm, VN30-Index tăng gần 44%, trong khi VN-Index tăng hơn 34%. Tuy nhiên, nếu chỉ tính trong ba tháng gần nhất, chỉ số đại diện cho nhóm 30 mã bluechip yếu thế hơn khi tăng chưa tới một nửa biên độ của VN-Index.

Tính từ cuối tháng 8 đến nay, VN-Index tăng hơn 12% trong khi VN30-Index chỉ tăng chưa tới 6%. Ảnh: Trading View

Tính từ cuối tháng 8 đến nay, VN-Index tăng hơn 12% trong khi VN30-Index chỉ tăng chưa tới 6%. Ảnh: Trading View

Tuy nhiên, đặc trưng của nhóm cổ phiếu đầu cơ là biên độ dao động lớn, tăng nhanh nhưng giảm cũng nhanh không kém.

Có một điểm mà nhiều người tham gia thị trường lần đầu, như Tùng, ít chú ý là mức lợi nhuận khi cổ phiếu tăng hàng ngày mới chỉ là “trên giấy”. Con số này chỉ hiện thực hóa sau khi chốt lời, nhưng việc nhìn có vẻ đơn giản này lại là một quyết định khó không kém so với cắt lỗ – điều mà nhà đầu tư hay được khuyên để đảm bảo an toàn khi mới tham gia thị trường.

Nhiều nhà đầu tư để mất hết lợi nhuận chỉ vì chốt lời xong thì cổ phiếu vẫn tăng, vì tiếc nên mua lại rồi sau đó phải bán lỗ vì mã đó đảo chiều. Tùng cũng không phải ngoại lệ.

Một tháng gần đây, thị trường biến động mạnh, sự khốc liệt khiến Tùng phải suy nghĩ lại về ý định nghỉ việc trước đó, khi việc đầu tư không còn là một chuỗi ngày màu hồng.

Rót tiền chủ yếu vào nhóm penny, có những phiên 5/6 cổ phiếu trong danh mục của Tùng tăng trần. Nhưng vào những phiên biến động, những mã này rơi vào trạng thái “trắng bảng bên mua” cũng là chuyện bình thường. Mức lợi nhuận dự tính hôm tăng, hôm giảm, khiến Tùng sốt ruột.

Cách đây hai tuần, hai mã bất động sản chiếm tỷ trọng cao nhất trong danh mục của Tùng giảm sàn hai phiên liên tiếp. Lo sợ cuộc vui đã tàn, Tùng quyết định “chốt non”. Nhưng ngay sau đó, các mã này đảo chiều tăng trần. Đến phiên tăng thứ hai, Tùng không thể đứng im. Đua lại vì sợ bỏ lỡ nhịp tăng, nhưng kịch bản trước đó lặp lại, Tùng vừa mua xong thì cổ phiếu lại giảm. Những lần đầu tư như vậy khiến giá trị danh mục của Tùng đi lùi. Đến nay, dù so với đầu năm, Tùng vẫn có lãi, nhưng con số này giảm quá nửa so với mức đỉnh.

“Con số lợi nhuận này vẫn khiến mình cảm thấy ổn, nhưng không đủ để coi chứng khoán là nguồn thu nhập chính”, Tùng nói và cho biết đã từ bỏ ý định nghỉ việc, vì làm ngân hàng “dù mệt nhưng vẫn đảm bảo một nguồn thu nhập ổn định”.

Tuy nhiên, không phải mọi nhà đầu tư F0 đều may mắn như Tùng.

Duy Anh, 27 tuổi, bỏ vào thị trường 50 triệu với mục đích “tham gia cho biết” từ giữa năm nay. Chỉ trong hơn một tháng “all-in” vào mã penny, danh mục tăng lên hơn 100 triệu, tương ứng với mức lợi nhuận hơn 100% vốn gốc. Mức lợi nhuận khiến một nhân viên văn phòng như anh “vui đến phát điên”.

Mặc dù bạn bè khuyên “bỏ hết trứng vào một giỏ” là rất rủi ro, Duy Anh cho rằng vận may của mình đang tới, không thể bỏ qua cơ hội. Toàn bộ hơn 300 triệu tiền tiết kiệm cộng thêm 100 triệu vay bố mẹ đẩy vào tài khoản, thêm khoản lợi nhuận cũ, Duy Anh đã có hơn 500 triệu đồng. Lần này, Duy Anh vẫn chọn cách cũ, là chỉ chơi một mã.

Hai tuần đầu tiên, tài khoản của cậu tăng thêm gần 30%. Nhìn lại mức sinh lời hơn 100% trước đó, Duy Anh đã nghĩ tới việc mua ôtô mới nếu vụ đầu tư hiện tại có thể đạt tương đương. Nhưng thị trường đã đi ngược lại dự tính của cậu. Sắc đỏ trên bảng điện trong nhiều phiên liên tiếp khiến mức tăng gần 30% trước đó giảm về còn 5%. Vì tiếc, Duy Anh tiếp tục giữ với kỳ vọng cổ phiếu sẽ sớm tăng lại. Nhưng màu xanh vẫn không xuất hiện. Trong những phiên thị trường biến động, mã này có lúc giảm gần kịch sàn. Chỉ trong thời gian ngắn, từ mức lợi nhuận dương, tài khoản của cậu lỗ hơn 15%. Sợ âm sâu vào vốn gốc, Duy Anh cắt lỗ. Tính tổng lại, không những mất hơn 50 triệu đồng tiền lãi trước đó, cậu mất thêm 25 triệu vào vốn gốc, ước mơ mua xe cũng tạm gác lại.

Câu chuyện đầu tư của Hoàng Tùng hay Duy Anh, có lãi nhưng không bảo vệ được thành quả cũng là “kịch bản” mà nhiều nhà đầu tư lần đầu tham gia thị trường gặp phải.

“Cơn say” khi nhìn thị trường tăng khiến nhà đầu tư không còn giữ được bình tĩnh, tâm lý “Fomo” (sợ bỏ lỡ cơ hội) khiến các quyết định đầu tư không còn giữ được kỷ luật.

“Điều quan trọng trong đầu tư là tính kỷ luật. Khi tham gia thị trường, bạn phải xác định cho mình một mức lợi nhuận kỳ vọng, một ngưỡng cắt lỗ trong tầm chịu đựng. Và khi nào cổ phiếu chạm các mức đó, bạn phải thực hiện. Tuân thủ kỷ luật có thể không tối ưu hóa lợi nhuận, nhưng là cách để bạn sống sót trên thị trường bất chấp biến động”, chuyên gia phân tích một công ty chứng khoán nhận xét.

Sau khi nhìn thành quả vơi dần vì “hàng nóng”, Tùng quyết định sẽ cơ cấu lại danh mục, chỉ dành một phần nhỏ cho các mã này, phần còn lại, với tỷ trọng cao hơn, sẽ đầu tư vào các mã cơ bản.

Duy Anh cũng từ bỏ triết lý “được ăn cả, ngã về không”. Cậu rải tiền ra nhiều mã hơn, tập trung vào những doanh nghiệp top đầu hoặc có yếu tố cơ bản, đồng thời, mức lợi nhuận kỳ vọng cũng giảm xuống 20%, thay vì mục tiêu “ăn bằng lần” như trước. “Lợi nhuận tăng nhanh quá, tiền kiếm dễ quá khiến mình như bị say trong cơn sóng. Đến lúc này mới tỉnh ra, mục tiêu không phải là lãi bao nhiêu mà phải là không lỗ, kỷ luật và duy trì sự tỉnh táo mới là điều quan trọng”, Duy Anh chia sẻ.

Minh Sơn



Dự án xem nhiều:

Có thể bạn sẽ quan tâm: