[ad_1]

Khánh Hòa tin tưởng Bộ Chính trị, Ban Bí thư có chủ trương mới, quyết sách mới để địa phương này có điều kiện cất cánh, phát triển mạnh mẽ hơn, trở thành đô thị trực thuộc Trung ương sau năm 2030.

Năm 2021, tỉnh Khánh Hoà là một trong số nhiều địa phương ở miền Trung chịu tác động của đại dịch Covid-19. Sau một thời “đóng băng” kéo dài, Khánh Hoà và các địa phương hoạt động du lịch tại miền Trung đang nỗ lực tái cơ cấu kinh tế địa phương theo hướng an toàn, bền vững.

Trước mắt, tỉnh Khánh Hòa thực hiện thí điểm chương trình đón khách trong nước và quốc tế linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.

Nhân dịp đầu năm mới 2022, phóng viên VOV tại khu vực miền Trung phỏng vấn ông Nguyễn Tấn Tuân – Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hoà về quyết tâm của địa phương nhằm thực hiện các mục tiêu đề ra.

Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa: Phát triển kinh tế biển để trở thành đô thị trực thuộc Trung ương

Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa

PV: Năm 2021, Khánh Hòa vẫn còn gặp nhiều khó khăn khi các chỉ tiêu kinh tế – xã hội tiếp tục suy giảm năm thứ 2, tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn Khánh Hòa giảm gần 6% so với năm 2020. Xin ông nói rõ những nguyên nhân khách quan, chủ quan tác động đến sự phát triển kinh tế của địa phương trong năm qua?

Ông Nguyễn Tấn Tuân: Khánh Hòa là tỉnh có cơ cấu kinh tế chủ yếu tập trung dịch vụ, du lịch, thương mại. Do đó, khi dịch Covid-19 đến, lượng khách du lịch giảm, các chuyến bay trong, ngoài nước đều giảm hẳn. Từ đó, kéo theo việc phát triển các ngành khác như: thương mại, công nghiệp, xây dựng…cũng chậm lại, chính vì vậy tăng trưởng âm là hiển nhiên.

PV: Trong bối cảnh khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 kéo dài, ông có thể cho biết đâu là điểm sáng về kinh tế – xã hội của tỉnh Khánh Hòa?

Ông Nguyễn Tấn Tuân: Sau khi kiểm soát được dịch bệnh, các doanh nghiệp chủ lực của tỉnh như Tổng công ty Khánh Việt – Khatoco, Công ty TNHH MTV Yến Sào Khánh Hòa đã bắt tay ngay vào việc tổ chức lao động, sản xuất. Do đó, chỉ cần 3 tháng khi phát triển sản xuất theo tinh thần Nghị quyết 128 thì thu ngân sách ở các lĩnh vực sản xuất hàng hóa của 2 Tổng công ty đã thu vượt, chứng tỏ năng lực sản xuất của các doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn còn dư địa phát triển rất tốt. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp tiếp tục đưa đến nhiều sản phẩm bất động sản.

Sau khi Chính phủ cho phép đón khách theo hình thức “hộ chiếu vaccine”, Khánh Hòa tổ chức đón khách bài bản, bắt đầu có chuyển biến mới. Mặc dù có dịch bệnh nhưng kiểm soát được, sản xuất của Khánh Hòa vẫn duy trì được tốt, có như vậy, thu ngân sách của tỉnh mới vượt được 2,6%.

Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa: Phát triển kinh tế biển để trở thành đô thị trực thuộc Trung ương

Chào đón du khách Nga đến Khánh Hòa

PV: Năm 2022, tỉnh Khánh Hoà đang tập trung kêu gọi và thu hút các nhà đầu tư chiến lược vào làm ăn lâu dài tại vùng đất có nhiều tiềm năng và lợi thế này. Ông kỳ vọng như thế nào trong việc tái cơ cấu kinh tế địa phương theo hướng an toàn, bền vững sau những thăng trầm như thời gian vừa qua?

Ông Nguyễn Tấn Tuân: Tỉnh Khánh Hòa đang chuẩn bị tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận 53 của Bộ Chính trị về việc phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030 và những năm tiếp theo.

Chúng tôi rất tin tưởng Bộ Chính trị, Ban Bí thư có chủ trương mới, quyết sách mới để Khánh Hòa có điều kiện cất cánh, phát triển mạnh mẽ hơn, trở thành đô thị trực thuộc Trung ương sau năm 2030.

Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa: Phát triển kinh tế biển để trở thành đô thị trực thuộc Trung ương

Nuôi trồng thủy sản trên vịnh Vân Phong

Mới đây, Quốc hội cũng đã đồng ý chủ trương phát triển các tuyến cao tốc phía Nam, phía Đông. Trong đó, Khánh Hòa với tuyến cao tốc từ Vân Phong đi Nha Trang, đề xuất tuyến cao tốc từ Buôn Mê Thuột đến Khánh Hòa, mở ra vùng đất đầy tiềm năng của Khu Kinh tế Vân Phong. Chúng tôi cũng đang kỳ vọng chắc chắn Khánh Hòa sẽ có thay đổi về cơ cấu kinh tế trong 5 năm tới, với việc hình thành các khu công nghiệp hiện đại, phát triển nông nghiệp chất lượng cao, sản phẩm du lịch mới ở các khu đô thị, khu thương mại du lịch.

Chúng tôi cũng rất mừng sau khi quy hoạch xong thành phố Nha Trang, Khu Kinh tế Vân Phong, quy hoạch chung của tỉnh Khánh Hòa thì các nhà đầu tư cũng đã đăng ký, tìm đến các vị trí… Khu Kinh tế Vân Phong còn dư địa rất lớn, với 150.000ha với quy hoạch rõ ràng, hiện đại, chắc chắn Vân Phong sẽ trở thành điểm đến rất hấp dẫn, đây là một Khu kinh tế mở, với cảng nước sâu, đủ điều kiện để khai thác nguồn hàng từ Tây Nguyên.

Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa: Phát triển kinh tế biển để trở thành đô thị trực thuộc Trung ương

Khu kinh tế Vân Phong còn dư địa rất lớn để phát triển

Khánh Hòa cũng đã báo cáo với Thủ tướng về xây dựng đô thị sân bay ở Cam Lâm. Khi có đầy đủ quy hoạch, chắc chắn quá trình triển khai các dự án lớn này sẽ đảm bảo đúng quy định của pháp luật, mọi người dân cũng sẽ đồng thuận.

Khánh Hòa có huyện đảo Trường Sa với ngư trường rộng lớn, khi phát triển nên chú trọng, xem ngư trường Trường Sa là một địa chỉ đến để khai thác, đánh bắt, chế biến, kể cả nuôi trồng. Lúc đó, kinh tế huyện đảo Trường Sa là hùng mạnh, đồng thời đảm bảo phát triển kinh tế gắn với an ninh quốc phòng.

PV: Xin cảm ơn ông.

[ad_2]