[ad_1]
Cuộc đời không thiếu những lúc chông gai, thất vọng, ủ dột, chán chường. Nhiều người vì thế mà sinh ra tiều tuỵ, buông xuôi. Nhưng chìa khoá cải biến vận mệnh vẫn luôn nằm trong tay mà họ không hề hay biết.
Ghi nhớ 3 điều này, mọi chông gai đường đời đều biến thành nhỏ bé:
Tự cao càng nhiều thất vọng càng lớn
Giữa sa mạc cát mênh mông, một chú lạc đà đang gắng sức vượt qua đoạn đường dài bất tận. Nắng nóng, bỏng rát và không một chút nước, lạc đà phải trải qua muôn vàn cay đắng khổ cực, có lúc tưởng chừng như gục ngã.
Trong suốt cuộc hành trình, lạc đà không ngừng khích lệ bản thân nỗ lực vượt qua khó khăn, đồng thời coi đây là cơ hội để rèn luyện ý chí và nghị lực của chính mình. Tuy nhiên, một con ruồi đậu trên lưng của lạc đà và khi lạc đà tới nơi, nó cũng tới nơi mà chẳng mất một chút sức lực nào.
Nhìn thấy lạc đà nằm kiệt sức và thở hổn hển, con ruồi dương dương tự đắc, vừa cười vừa trêu ghẹo: “Lạc đà! Cảm ơn ngươi đã vất vả cõng ta tới đây. Hi vọng sau này sẽ gặp lại!”.
Lạc đà liếc mắt nhìn con ruồi đang hả hê sung sướng với ánh mắt lạnh lùng, rồi bằng giọng nghiêm khắc, lạc đà đáp:
“Ta vốn dĩ không hề biết về việc ngươi ở trên lưng ta. Ngươi đến ta không hay, vì thế khi đi cũng không cần phải chào hỏi. Bởi vì ngươi thực sự không có trọng lượng gì, đừng có đề cao bản thân quá. Ngươi nghĩ mình là ai?”.
Đừng bao giờ cho mình là quá quan trọng
Có một cậu bé sống trong gia đình với ba thế hệ. Mỗi lần cả gia đình ăn cơm đều tới hơn 10 người, họ ngồi quây quần quanh một chiếc bàn lớn. Hàng ngày cậu bé thường ngồi vào bàn ăn từ sớm để nhận một chỗ, nơi đặt những món mà cậu thích nhất.
Người lớn trong nhà thường nói với cậu bé rằng làm như vậy là không tốt, không thể lúc nào cũng nghĩ cho bản thân mà không để ý, quan tâm tới người khác.
Một lần nọ, cậu bé đột nhiên có suy nghĩ: “Hay là mình biến mất một lát để mọi người phải lo lắng và tìm mình”. Thế là cậu bé trốn vào trong chiếc tủ và chờ đợi giây phút mọi người náo loạn, gọi tên cậu, chạy khắp nơi tìm cậu.
Tuy nhiên, cậu bé ngồi trong tủ hết giờ ăn trưa mà vẫn không một ai đi tìm, thậm chí người nhà còn không nhận ra sự vắng mặt của cậu trên bàn ăn. Cuối cùng, vì không chịu được bí bức, cậu bé chui ra khỏi tủ và ăn những thức ăn thừa còn sót lại.
Từ đó trở đi cậu tự nhủ với lòng mình: “Sẽ không bao giờ cho mình là người quá quan trọng nữa, nếu không sẽ phải nhận lấy hậu quả nghiêm trọng”.
Lúc nên cúi đầu thì cúi đầu
Benjamin Franklin được người đời dành cho những danh xưng cao quý như “cha đẻ của nước Mỹ”, “Người Mỹ đầu tiên”, bởi ông là một trong những người thành lập đất nước nổi tiếng nhất của Hoa Kỳ.
Tuy nhiên khi còn trẻ, ông cũng có những lúc phạm sai lầm. Nhưng ông đã biến mỗi sai lầm của bản thân thành những bài học quý giá, thành những chân lý sống cho cuộc đời ông.
Có một lần, Benjamin Franklin đến thăm một vị tiền bối. Lúc ấy ông tràn đầy nhiệt huyết của tuổi trẻ, khí thế rất mạnh mẽ, chân sải bước rộng mà tiến về phía trước.
Tuy nhiên, khi vừa vào đến cửa, đầu của ông bị đập rất mạnh vào cái khung cửa bên trên. Đau điếng cả người, ông vừa nhăn mặt rồi không ngừng lấy tay xoa chỗ đau vừa đưa mắt nhìn cái cửa thấp hơn chiều cao của mình.
Vị tiền bối ra đón khách, nhìn thấy bộ dạng đó của Franklin, liền cười nói: “Đau lắm phải không? Nhưng đây chính là thu hoạch lớn nhất của cậu khi tới thăm tôi ngày hôm nay đấy. Một người muốn bình an vô sự sống trên đời này thì nhất định phải luôn luôn ghi nhớ rằng: Lúc nên cúi đầu thì phải cúi đầu. Đây cũng là một câu chuyện mà tôi muốn dạy cậu”.
Dù là một người nắm trong tay quyền lực và chức vị nhưng Franklin đã khiêm tốn đón nhận bài học từ vị tiền bối và khắc cốt ghi tâm trong suốt cuộc đời ông.
Sau này, Franklin đã nói “Người sáng tác chính bản thân mình thông thái hơn người sáng tác một cuốn sách”, với ý tứ rằng cuộc đời một con người là do bản thân mình sáng tác, mà ngọn nguồn của cảm hứng sáng tác chính là thái độ sống và nhân cách làm người của họ.
***
Những câu chuyện trên thoạt nghe có vẻ giản đơn nhưng thực sự ẩn chứa bao đạo lý thâm sâu và có thể nói với ta nhiều điều.
Một người có thể tự tin, nhưng đừng nên tự kiêu tự đại. Có thể phóng khoáng nhưng đừng nên ngông cuồng kiêu ngạo. Có thể khỏe mạnh trường thọ, nhưng đừng nên vạn thọ vô cương. Có thể cố gắng xoay chuyển tình thế, nhưng quyết không thể tái tạo lại càn khôn.
Trong lịch sử xa xưa, các bậc Thánh hiền rất coi trọng lòng bao dung. Lão Tử đã nói rằng nguyên do sông và biển mênh mông sâu thẳm là bởi nước biết hạ mình chỗ thấp, tiếp nhận lấy nước từ từng nhánh sông khe suối nhỏ bé. Vì ở chỗ thấp nên làm vua trăm họ. Nước luôn luôn vị tha, bao dung bất luận ân oán đúng sai.
Bao dung là một đức tính và khiêm tốn là một mặt của bao dung. Bởi vì tính cách khác nhau nên người ta có những quan niệm khác nhau và phán xét mọi việc theo những cách khác nhau.
Một người luôn cho mình là quan trọng, ôm giữ quan điểm của mình tới cùng mà không buông thì tâm hồn không thể rộng mở, đời sống vì thế sẽ nghèo nàn và vô vị.
Khiêm tốn không có nghĩa là không biết giá trị của mình, mà ngược lại là hiểu rõ bản thân mình mà không ngừng tiếp thu, không ngừng bồi dưỡng. Sách cổ có viết rằng “Biết dung nạp sẽ thành vĩ đại”, tâm càng rộng lớn thì càng dung nạp được nhiều.
Kỳ thực, không cho bản thân mình là “quá quan trọng”, đặt mình ngang với người khác, thậm chí thấp hơn người khác là một cảnh giới của cao thượng, một thái độ lạc quan, là một loại trưởng thành của tâm tính, là loại tâm không màng danh lợi.
Nước càng sâu thì càng tĩnh, người càng hiểu biết thì càng khiêm nhường. Nếu có thể bình tâm tĩnh khí, từ bi và bao dung với người khác, ta sẽ học được cách lắng nghe họ mà lại không cường điệu, khoa trương chính mình. Khiêm tốn là một mặt của bao dung và lòng bao dung là một phương diện của cái thiện, mang người ta lại gần nhau hơn, sống an hòa bên nhau.
Tục ngữ có câu “Người có đạo đức có thể gánh vác trọng trách”, bởi đó là những người không ích kỷ và vô cùng đáng tin cậy. Điều đó cũng có nghĩa là chuẩn mực đạo đức càng cao thì lòng bao dung càng lớn.
Con người với tiêu chuẩn đạo đức cao sẽ không bị ảnh hưởng bởi danh lợi và sẵn sàng giúp đỡ người khác, vì người khác mà nỗ lực phấn đấu, bởi trong tâm họ là sự từ bi, rộng lượng vĩ đại.
Con người đang sống trong trời đất thì cũng cần thuận theo lẽ của đất trời. Trải qua lịch sử muôn vạn năm, trải qua thăng trầm của các loại xã hội, trải qua cả hưng thịnh hay suy vong, đạo lý để làm người tốt vẫn không hề thay đổi.
Con người ở thời đại nào cũng vậy, có thể làm được 3 chữ “Chân-Thiện-Nhẫn” thì mới là người tốt, là người tốt thực sự. Chỉ cần mang theo “Chân-Thiện-Nhẫn” trong tâm, con người sẽ có được cuộc sống an nhiên tự tại, không cần tranh giành, không cần phân chia, có thể dùng tâm tự nhiên để đón nhận hết thảy.
Theo dkn.tv
[ad_2]