Chưa bao giờ vùng đất bạt ngàn xoài lại gần cơ hội để trở thành đại đô thị như vậy. Các tập đoàn lớn đã và sẽ đầu tư vào Cam Lâm để đưa vùng đất này trở thành đô thị sân bay trong tương lai.

Cam Lâm với ước vọng đại đô thị

Vươn lên mạnh mẽ

Sau gần 15 năm thành lập, huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) đang chuyển mình bởi lợi thế “lưng tựa núi, mặt hướng biển” và những con người đầy khát vọng vươn lên. Dọc dài vùng đất Cam Lâm, 15 năm trước khi huyện mới thành lập, đi đến đâu cũng chỉ thấy bạt ngàn xoài và những vùng đất khô cằn. Thời điểm ấy, ngoài Khu Công nghiệp (KCN) Suối Dầu với tỷ lệ lấp đầy chưa tới 70%, kinh tế địa phương chủ yếu là nông nghiệp. Vậy nhưng, chỉ từ năm 2015 đến nay, lĩnh vực công nghiệp, du lịch của huyện đã phát triển mạnh mẽ.

Cam Lâm với ước vọng đại đô thị

Một góc trung tâm hành chính huyện Cam Lâm.

Đến nay, KCN Suối Dầu với diện tích 136,7ha đã được lấp đầy và đang có nhu cầu mở rộng. KCN có 52 dự án đăng ký đầu tư, trong đó 40 dự án đã đi vào hoạt động, gồm các ngành nghề: Chế biến thủy sản xuất khẩu, chế biến đồ gỗ, nội thất xuất khẩu, dệt may, cơ khí… Tổng vốn đăng ký của các doanh nghiệp đạt 189 triệu USD, tổng vốn thực hiện đạt 98 triệu USD; giải quyết việc làm cho 12.000 lao động. Phía nam của huyện, có Cụm công nghiệp (CCN) Tân Lập (xã Cam Thành Bắc) với diện tích 40ha đã được phê duyệt quy hoạch tỷ lệ 1/2000; phía bắc của huyện, các CCN Trảng É 1, Trảng É 2, Trảng É 3 với diện tích 152ha đã triển khai xây dựng hạ tầng. Trong đó, CCN Trảng É 1 đã hoàn thiện hạ tầng, các nhà đầu tư thứ cấp đang tiến hành xây dựng nhà máy để đi vào hoạt động. Khi các CCN này hoàn tất thu hút đầu tư sẽ góp phần tăng thu ngân sách và giải quyết việc làm rất lớn cho lao động địa phương. Đặc biệt, với sự hiện diện của các nhà máy sản xuất thuốc lá của Tổng Công ty Khánh Việt, các CCN ở đây sẽ là điểm nhấn trong “bức tranh” kinh tế của huyện Cam Lâm.

Với thềm lục địa rộng lớn, có bãi cát dài và mịn ven biển, quang cảnh thiên nhiên huyện Cam Lâm đẹp như bức tranh sơn thủy, thuận lợi cho việc phát triển du lịch biển đảo và nghỉ dưỡng. Sau Nha Trang, du lịch Cam Lâm đang là điểm đến hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước. Mấy năm gần đây, Khu du lịch (KDL) bắc bán đảo Cam Ranh đã mọc lên hàng loạt khách sạn, resort đẳng cấp 5 sao. Khu vực này đã có 40 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư, với tổng số vốn đăng ký 29.341 tỷ đồng. Trong đó, 11 dự án chính thức đi vào hoạt động; 21 dự án đang thực hiện thủ tục đầu tư xây dựng, 6 dự án đang thực hiện công tác giải phóng mặt bằng và 2 dự án đang thực hiện các thủ tục.

Định hướng đô thị sân bay

Hiện nay, nhiều tập đoàn lớn đã và đang đầu tư vào Cam Lâm. Điều này tạo nên động lực rất lớn để đưa vùng đất ven đầm Thủy Triều vươn tầm phát triển. Đây cũng là địa phương có nhiều tiềm năng để phát triển thành đại đô thị khi nằm giữa TP. Nha Trang và TP. Cam Ranh. Phía đông huyện tiếp giáp Biển Đông với bờ biển dài 13km, các hướng còn lại giáp các huyện và thành phố lân cận như: Nha Trang, Cam Ranh, Khánh Vĩnh, Khánh Sơn, Diên Khánh tạo thành cấu trúc đô thị đa dạng, với mỗi đô thị mang tính đặc thù riêng, bổ trợ lẫn nhau. Đồng thời, Cam Lâm đủ điều kiện tạo thế mạnh phát triển kinh tế – xã hội làm cơ sở hình thành hệ thống đô thị khung cho đô thị Khánh Hòa trong tương lai, đảm bảo sự liên kết, đồng bộ, khai thác hiệu quả hạ tầng vùng, liên thành phố. Ngoài ra, Cam Lâm cũng có nhiều tuyến giao thông huyết mạch đi qua (đường sắt, đường sắt cao tốc, đường bộ cao tốc Bắc – Nam, Quốc lộ 1), đặc biệt gần sân bay quốc tế Cam Ranh và cảng Cam Ranh.

Cam Lâm với ước vọng đại đô thị

Đầm Thủy Triều về đêm. Ảnh: Lê Đức Quang

Với những tiềm năng to lớn đó, UBND tỉnh vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ xin chủ trương cho phép quy hoạch chung đô thị mới tại huyện Cam Lâm theo hướng trở thành “vùng đô thị sân bay hiện đại, sinh thái và kết nối quốc tế” và hướng đến đô thị loại I. Tại cuộc họp thẩm định đồ án Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030 của huyện Cam Lâm, đơn vị tư vấn (Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng công nghệ địa chính, Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh) cũng đề xuất, các khu vực thị trấn Cam Đức, Bãi Dài và phía đông đầm Thủy Triều sẽ trở thành đô thị du lịch. Trong đó, đô thị Cam Đức đảm nhận chức năng là trung tâm chính trị, hành chính, văn hóa, khoa học kỹ thuật của huyện; trung tâm du lịch, dịch vụ, thương mại, tiểu thủ công nghiệp phía nam tỉnh. Huyện tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm hoàn thành phát triển không gian và các hạng mục hạ tầng kỹ thuật để thị trấn Cam Đức đạt tiêu chí đô thị loại IV thuộc tỉnh vào năm 2030.

Ông Ngô Văn Bảo – Chủ tịch UBND huyện Cam Lâm cho biết: “Hiện nay, các tập đoàn lớn và công ty thành viên đề xuất quy hoạch và đầu tư các dự án về: Đô thị sân bay, khu đô thị sinh thái, tổ hợp dịch vụ, du lịch thương mại vui chơi giải trí tại huyện Cam Lâm. Đồng thời, huyện cũng định hướng sẽ phát triển thương mại dịch vụ hiện đại tại khu vực bắc bán đảo Cam Ranh để phục vụ giao dịch, mua sắm và phát triển du lịch; hình thành trung tâm giao dịch các mặt hàng nông sản tại xã Cam Hải Tây để tạo điều kiện thuận lợi cho việc mua bán, trao đổi và phát triển luồng hàng; triển khai xây dựng 3 trung tâm thương mại cụm xã là Cam Tân – Cam Hòa, Cam An Nam, Cam Hải Tây. Đến năm 2030, trên địa bàn huyện dự kiến hình thành các KDL sinh thái như: KDL sinh thái Hòn Bà (xã Suối Cát); KDL sinh thái trên hồ Suối Dầu (xã Suối Tân), KDL sinh thái trên hồ Cam Ranh (xã Cam Tân)…”.

Những năm tới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Cam Lâm kỳ vọng huyện tiếp tục vươn lên mạnh mẽ, có những bước phát triển xứng tầm. Năm mới 2022 sẽ là nền móng, đánh dấu sự chuẩn bị cho một đại đô thị Cam Lâm trong tương lai.



Dự án xem nhiều:

Có thể bạn sẽ quan tâm: