[ad_1]

10 tỷ USD cho dự án tuyến đường sắt TP.HCM – Cần Thơ

Sau 63 năm chấm dứt tồn tại kể từ năm 1958 với 73 năm hoạt động (từ năm 1881), tuyến đường sắt Sài Gòn – Mỹ Tho, một tuyến đường sắt kết nối Sài Gòn – TP.HCM với các tỉnh miền Tây Nam Bộ là tuyến Sài Gòn – Cần Thơ, đang được nghiên cứu tiền khả thi trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, giai đoạn 2021 – 2025…

Nhà ga Mỹ Tho của tuyến đường sắt Sài Gòn – Mỹ Tho trước khi chấm dứt hoạt động vào năm 1958, nay là trụ sở Sở NGoại vụ tỉnh Tiền Giang.

Ngày 19/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1769/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; trong đó định hướng  nghiên cứu triển khai tuyến đường sắt TP.HCM – Cần Thơ.

”Tái lập” tuyến đường sắt Sài Gòn đi Miền Tây để giảm tải quốc lộ 1

Theo Quyết định 1769/QĐ-TTg, mục tiêu đến năm 2030 là cải tạo nâng cấp để khai thác có hiệu quả các tuyến đường sắt hiện có, kết nối thông suốt tuyến đường sắt liên vận quốc tế; hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư, thu xếp nguồn lực để khởi công một số tuyến đường sắt mới trong đó ưu tiên tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, các tuyến kết nối cảng biển cửa ngõ quốc tế, sân bay quốc tế, đường sắt đầu mối tại thành phố lớn, nghiên cứu để triển khai tuyến đường sắt TP.HCM – Cần Thơ.

Tầm nhìn đến năm 2050: Hoàn thành tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam; tiếp tục đầu tư hoàn thành các tuyến đường sắt mới tại khu đầu mối Hà Nội, khu đầu mối TP.HCM, đường sắt kết nối các cảng biển, khu công nghiệp, khu kinh tế, kết nối các tỉnh Tây Nguyên, đường sắt ven biển, đường sắt kết nối quốc tế. Duy trì, cải tạo, nâng cấp các tuyến đường sắt hiện có đáp ứng nhu cầu vận tải hành khách và hàng hóa.

Mới đây, trong văn bản trả lời cử tri tỉnh Long An về kế hoạch mở tuyến đường sắt TP.HCM – Cần Thơ nhằm giảm tải kẹt xe trên quốc lộ 1 TP.HCM đi miền Tây Nam Bộ, Bộ Giao thông vận tải cho biết: Quy hoạch mạng lưới đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050 theo Quyết định 1769/QĐ-TTg với định hướng xây dựng tuyến đường sắt TP.HCM – Cần Thơ, nhằm tăng cường kết nối TP.HCM, trung tâm kinh tế cả nước và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với TP. Cần Thơ – trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long, cũng là cửa ngõ của miền Tây Nam Bộ.

Theo quy hoạch này, tuyến đường sắt TP.HCM – Cần Thơ từ ga An Bình đến ga Cái Răng là đường đôi, khổ ray 1.435 mm với tổng chiều dài khoảng 174 km. Theo đại diện Bộ Giao thông vận tải, trên cơ sở cân đối nguồn lực đầu tư, quy hoạch cũng đã dự kiến chuẩn bị đầu tư, Bộ sẽ tiến hành nghiên cứu để triển khai tuyến đường sắt TP.HCM – Cần Thơ trong giai đoạn từ nay đến năm 2030.

Là tuyến đường sắt tốc độ cao

Đầu năm 2021, Bộ GTVT đã có quyết định giao nhiệm vụ cho Ban quản lý Dự án đường sắt tổ chức lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, giai đoạn 2021 – 2025.

Nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải trên tuyến hành lang TP.HCM đi các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long, giảm tải cho quốc lộ 1 vốn là tuyến “độc đạo” khi nhiều tuyến kết nối khác chưa hoàn thành hoặc mới triển khai, phục vụ phát triển kinh tế xã hội của cả khu vực. Trước mắt, trong giai đoạn 2021 – 2025, Bộ Giao thông vận tải tập trung nguồn lực để đầu tư thông tuyến đường bộ cao tốc TP.HCM – Cần Thơ.

Theo Ban quản lý Dự án đường sắt cho biết, thì dự án đường sắt TP.HCM – Cần Thơ đang được nghiên cứu tiền khả thi, và hiện đơn vị tư vấn đang hoàn thành khảo sát và lập báo cáo.

Trước đó, ngày 27/8/2013, Bộ Giao thông vận tải đã ký quyết định phê duyệt Quy hoạch chi tiết tuyến đường sắt TP.HCM – Cần Thơ, với tổng chiều dài toàn tuyến là 173,677 km, gồm 14 ga, xuất phát từ ga lập tàu An Bình (TP. Dĩ An, tỉnh Bình Dương) đến TP. Cần Thơ. Lộ trình đi theo hướng tuyến dài nhằm tiếp cận các đô thị, thị xã hiện hữu của TP.HCM và 4 tỉnh/thành miền Tây Nam Bộ gồm Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ. Dự án được đề xuất sử dụng đường sắt đôi 1.435 mm, dành cho đường sắt cao tốc phổ biến trên thế giới, vận hành tàu chở khách chạy 200 km/h, tàu hàng 150 km/h.

Phương án nói trên cũng đã được Viện Khoa học và công nghệ Phương Nam hàontất báo cáo cuối kỳ và gửi Ủy ban nhân dân TP.HCM cùng Bộ Giao thông vận tải.

Tuy nhiên, vào cuối tháng 3/2021, Uỷ ban nhân dân TP.HCM đã có văn bản khẩn gửi Bộ Giao thông vận tải về tuyến đường sắt TP.HCM – Cần Thơ. Theo đó, sau nhiều lần họp bàn, đại diện 5 tỉnh/thành liên quan đã thống nhất với phương án đơn vị nghiên cứu đề xuất là rút ngắn tuyến còn gần 135 km với 9 ga, đi theo hành lang bên phải đường bộ cao tốc TP.HCM – Trung Lương – Mỹ Thuận – Cần Thơ. Theo Ủy ban nhân dân TP.HCM, Thành phố nhận thấy việc điều chỉnh là cần thiết, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế xã hội trong giai đoạn hiện nay của TP.HCM và các tỉnh.

Ủy ban nhân dân TP.HCM cũng cho rằng: Việc đề xuất đầu tư xây dựng các ga đường sắt thành các ga đô thị để phát triển đô thị dọc các tuyến đường sắt theo mô hình TOD là phù hợp. Việc này nhằm phát huy hiệu quả đầu tư các tuyến đường sắt, thu hút hành khách sử dụng phương tiện vận chuyển khối lượng lớn, phát triển đô thị theo xu hướng tích hợp, đầu tư khai thác hạ tầng đô thị hiệu quả.

TOD, – Transit Oriented Development là lấy định hướng phát triển hệ thống giao thông công cộng làm cơ sở quy hoạch phát triển đô thị, lấy đầu mối giao thông làm điểm tập trung dân cư để từ đó hình thành tiếp hệ thống giao thông phân tán (chú thích của người viết).

Ước tính tổng đầu tư dự án tuyến đường sắt TP.HCM – Cần Thơ dài 135 km vào khoảng 10 tỷ USD. Được biết, hiện đang có hai nhà đầu tư đến từ Mỹ và Vương quốc Anh quan tâm đến dự án. Khi hoàn thành, nhà đầu tư khai thác 25 năm để hoàn vốn, sau đó chuyển giao Bộ Giao thông vận tải.

Giá vé được đề xuất cho từng chặng. Cụ thể TP.HCM – Long An là 120.000 đồng/vé; từ TP.HCM đi Tiền Giang 280.000 đồng/vé; TP.HCM đi Vĩnh Long 325.000 đồng/vé; TP.HCM – Cần Thơ 400.000 đồng/vé.

Xuân Nghi

[ad_2]