[ad_1]

Đấu giá đất ở Thủ Thiêm: Doanh nghiệp chịu "đau" bỏ cọc do sức ép từ đâu?

Ngoài 2 doanh nghiệp là Tân Hoàng Minh và Bình Minh, các chuyên gia cho rằng nhiều khả năng 2 doanh nghiệp còn lại cũng sẽ bỏ cọc.

Sau khi Công ty TNHH đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt (trực thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh) có văn bản xin bỏ cọc, mới đây Công ty TNHH Đầu tư Phát triển và Thương mại Bình Minh (DN Bình Minh) đã có văn bản gửi đến các cơ quan liên quan, trong đó có Cục thuế TP.HCM có nội dung “xin không tiếp tục thực hiện dự án tại lô đất đã trúng đấu giá ở Thủ Thiêm”.

Hạn chót đóng tiền đợt 1 trúng thầu đất Thủ Thiêm là ngày 6/2 vừa qua. Tuy nhiên, đã quá hạn 5 ngày, 2 doanh nghiệp còn lại là Công ty Cổ phần (CTCP) Dream Republic trúng đấu giá lô đất số 3.5 phải đóng 3.820 tỷ đồng tiền sử dụng đất và 500 triệu đồng tiền lệ phí trước bạ và CTCP Sheen Mega trúng đấu giá lô đất số 3.8 phải đóng 4.000 tỷ đồng tiền sử dụng đất, được miễn nộp lệ phí trước bạ vẫn chưa có động thái gì. 

Chiều ngày 11/2, ông Lê Duy Minh, Cục trưởng Cục Thuế TP.HCM cho biết trên truyền thông, Cơ quan Thuế TP đã có văn bản nhắc 2 doanh nghiệp còn lại trúng thầu đất Thủ Thiêm, đóng 50% tiền sử dụng đất, lệ phí trước bạ, nhưng đến hôm nay vẫn chưa nhận được phản hồi từ hai doanh nghiệp này.

Bàn về câu chuyện các doanh nghiệp bỏ cọc tại Thủ Thiêm, TS. Vũ Đình Ánh, Chuyên gia kinh tế cho biết: “Ngoài 2 doanh nghiệp là Tân Hoàng Minh và Bình Minh, tôi cho rằng, nhiều khả năng 2 doanh nghiệp còn lại cũng sẽ bỏ cọc”.

“Giả sử cả 4 doanh nghiệp trúng đấu giá lần này đều bỏ cuộc thì đất vẫn còn đó chờ cuộc đấu giá lần sau, ngân sách Nhà nước vẫn được bổ sung thêm hơn 1.000 tỷ đồng từ tiền đặt cọc. Như vậy, dù trong trường hợp này thì Nhà nước không mất tiền, ngược lại còn được tiền, thậm chí rất nhiều tiền”, ông Ánh khẳng định.

Cũng theo TS. Vũ Đình Ánh, quyết định bỏ cọc là quyết định đau đớn của doanh nghiệp khi  doanh nghiệp đã bỏ ra rất nhiều công sức để tham gia đấu giá như Tân Hoàng Minh hay Bình Minh: “Tôi lấy ví dụ như trường hợp của Tân Hoàng Minh, khi quyết trả giá cao như vậy thì gần như doanh nghiệp đã phải đảo lộn toàn bộ tính toán của họ không chỉ với lô đất đó là mà kế hoạch của cả tập đoàn”.

“Tóm lại, khi bỏ cọc doanh nghiệp là người mất tiền, nên quyết định như thế là doanh nghiệp đã phải chịu đau như Tân Hoàng Minh là gần 600 tỷ đồng, Bình Mình đâu đó khoảng hơn 100 tỷ đồng”, ông Ánh khẳng định.

Nói về nguyên nhân bỏ cọc, ông Huỳnh Phước Nghĩa, Trường Đại học Kinh tế TPHCM cho biết trên truyền thông doanh nghiệp đang chịu sức ép từ nhiều phía. Thứ nhất về phương diện phản ứng của thị trường. Sức ép này đôi khi không phải là tiêu cực với doanh nghiệp vì phản hồi của thị trường là quy luật cung cầu.

Và thứ ba là sức ép liên quan đến quản lý nhà nước. Cơ quan quản lý Nhà nước có thể đưa ra những quan điểm dựa trên căn cứ pháp luật. Ví dụ như có những quy định liên quan đến các tổ chức tín dụng không được bảo lãnh vốn, bơm vốn cho thị trường bất động sản theo quy định của pháp luật. Nhà nước hoàn toàn có quyền rà soát những vấn đề này để đảm bảo tính minh bạch, công bằng trong tiếp cận vốn giữa các doanh nghiệp.

Suy cho cùng có nhiều sức ép, nhưng sức ép lớn nhất là nhìn từ nội tại doanh nghiệp. Sức ép đó bên ngoài không hiểu được, nhưng nó quyết định 60-70% việc ra những quyết định đi tiếp hay là bỏ cọc giữa chừng.

Đứng ở góc độ thị trường, ông Phan Xuân Cần, Chủ tịch Sohovietnam cho rằng sự việc lần này sẽ không gây ảnh hưởng quá lớn đến thị trường bất động sản. Bản chất thị trường bất động sản hiện nay được nâng đỡ bởi nhiều yếu tố. Thứ nhất là trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát, nhà đầu tư có tiền nhàn rỗi khi không mở rộng vào các hoạt động kinh doanh mà chuyển sang đầu tư bất động sản. Thứ hai, lãi suất vay ngân hàng đang ở mức khá thấp. Thứ ba là nguồn cung khan hiếm. Cuối cùng là người dân đang có tâm lý lo ngại lạm phát tăng cao.

Ngoài ra, ở góc độ của một chuyên gia tư vấn đầu tư chuyên nghiệp, ông Cần đánh giá các lô đất tại Thủ Thiêm trong thời gian tới sẽ quay về với giá trị thật của chúng. Đơn cử, vị này dẫn chứng lô đất 3-12 được công ty con của Tập đoàn Tân Hoàng Minh đấu giá ở mức 24.500 tỷ đồng sẽ có giá trị đầu tư khả thi ở mốc 9.000-10.000 tỷ đồng.

Ông Phan Xuân Cần một lần nữa khẳng định, dù có một vài doanh nghiệp bỏ cọc sau cuộc đấu giá vừa qua, Thủ Thiêm vẫn luôn là một khu vực hấp dẫn với vị trí trung tâm của TP.HCM.

https://cafef.vn/dau-gia-dat-o-thu-thiem-doanh-nghiep-chiu-dau-bo-coc-do-suc-ep-tu-dau-20220212075403287.chn

Nam Anh

Theo Nhịp sống kinh tế

[ad_2]