[ad_1]
Như trước đó Báo CAND đã phản ánh, khi mới nghe tin có đường cao tốc chạy qua địa bàn, mặc dù cơ quan chức năng chưa cắm mốc nhưng hàng trăm hộ dân ở các xã Phú Thủy, xã Sơn Thủy và thị trấn Nông trường Lệ Ninh, huyện Lệ Thủy đã tiến hành xây dựng hàng trăm công trình nhà tạm, chuồng trại, tường bao, trồng cây, xây đắp mộ gió để chờ đền bù.
Ngay sau khi Báo CAND phản ánh, xã Phú Thủy, huyện Lệ Thủy đã lập biên bản xử lý đối với 18 trường hợp xây dựng các công trình nhà kho, trang trại chăn nuôi, lán trại với diện tích lớn trên đất nông nghiệp, lâm nghiệp. Theo thống kê của UBND huyện Lệ Thủy, đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn có 78 công trình lớn, nhỏ được xây dựng trước và sau khi có thông tin về dự án cao tốc Bắc – Nam. Cụ thể, xã Kim Thủy (14 công trình), Trường Thủy (14 công trình), Sơn Thủy (1 công trình), Phú Thủy (18 công trình), thị trấn Nông trường Lệ Ninh (31 công trình).
Người dân xây tường bao khu đất chỉ để trồng chuối chờ đền bù.
Trong quá trình tìm hiểu, chúng tôi phát hiện không chỉ trên địa bàn huyện Lệ Thuỷ, mà nhiều huyện khác ở tỉnh Quảng Bình như huyện Quảng Ninh, Quảng Trạch, Bố Trạch người dân cũng đang cấp tốc xây dựng để đón đền bù. Như tại thôn Áng Sơn, xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh cũng có đến 12 công trình của người dân bị phát hiện và đình chỉ xây dựng.
Ông Nguyễn Hữu Lương, Chủ tịch UBND xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình cho biết; trước và sau khi bàn giao mốc tuyến đường cao tốc Bắc – Nam cho các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương đã họp, làm việc với người dân trên địa bàn, ký cam kết không được xây dựng công trình trong phạm vi giải phóng mặt bằng, nhưng khi lực lượng cắm mốc vừa rời đi thì một số hộ dân hối hả tập kết nguyên vật liệu để xây dựng.
Có mặt tại thôn Áng Sơn, chúng tôi nhận thấy, nhiều hộ gia đình đang gấp rút xây dựng các công trình nhà xưởng, quán sá, tường rào, chuồng trại chăn nuôi…Vì nhiều hộ tiến hành xây dựng cùng lúc nên việc tìm thợ hồ, thợ nề nơi đây thực sự khó khăn, người dân đã đi tìm thuê các tốp thợ ở nhiều nơi khác đến. Hàng chục công trình đã được người dân xây dựng xong, và nhiều công trình đang tiếp tục được hoàn thiện. Điều đáng nói, có nhiều công trình người dân xây rồi để không, mục đích chính chắc cũng để chờ giải toả đền bù.
Cũng như 2 huyện Quảng Ninh và Lệ Thuỷ, hiện trên địa bàn huyện Quảng Trạch, Quảng Bình có đến 75 trường hợp vi phạm về xây dựng kiểu “đi tắt đón đầu” chờ đường cao tốc Bắc – Nam đi qua để hứng đền bù, trong đó có 44 trường hợp bị lập biên bản vi phạm. Các trường hợp vi phạm nhiều nhất là ở thôn Bưởi Rỏi, thôn Hợp Trung, xã Quảng Hợp, huyện Quảng Trạch. Hàng chục công trình lớn, nhỏ đang được người dân hối hả gấp rút xây dựng. Ngoài việc xây tạm nhà cửa, chuồng trại, nơi đây có nhiều hộ dân còn tiến hành xây dựng bao hàng rào quanh các khu đất vườn, đất rừng chỉ để bảo vệ trồng chuối, cây ngắn ngày… Có những công trình nhà tạm chỉ sau 1 đêm đã được dựng lên trước sự ngỡ ngàng của nhiều người và chính quyền địa phương.
Ông Nguyễn Công Viên, Chủ tịch UBND xã Quảng Hợp, huyện Quảng Trạch cho biết: Đến hiện nay, địa phương cũng chưa biết mốc của tim đường cao tốc Bắc -Nam chạy qua cụ thể ở chỗ nào, xã chỉ mới nắm được là dự án đường cao tốc đi qua địa bàn xã kéo dài khoảng 8,5km. Việc bà con tiến hành xây dựng đón đền bù xã đã thông báo nhiều lần cần phải chấm dứt. Địa phương đã mời 21 hộ dân về lập biên bản để xử lý, trên địa bàn hiện có 31 hộ vi phạm, xã đã báo cáo huyện xin hướng hỗ trợ giải quyết.
Theo ông Đặng Đại Tình, Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy: UBND huyện đã có chỉ đạo các đơn vị chức năng cùng các xã, thị trấn có tuyến đường bộ cao tốc Bắc-Nam đi qua tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, kịp thời phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Để thuận lợi cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án, lãnh đạo huyện tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chức năng, UBND các xã, thị trấn tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra để kịp thời phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm minh các trường hợp xây dựng công trình trong phạm vi giải phóng mặt bằng dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam. Chủ tịch UBND xã, thị trấn nào thiếu trách nhiệm, lơ là, chủ quan, buông lỏng quản lý dẫn đến việc để xảy ra tình trạng vi phạm trên diện rộng, xử lý vi phạm thiếu cương quyết và kịp thời thì phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước Chủ tịch UBND huyện theo quy định. Còn về phía người dân nếu không dừng việc xây dựng đón đến bù sẽ dẫn đến tình cảnh “tiền mất tật mang”, bởi các công trình vi phạm xây dựng sẽ không được giải quyết đền bù, trong khi đó người dân lại vay mượn hoặc bỏ ra một lượng tiền để mua sắm vật tư xây dựng nhưng khi giải phóng mặt bằng sẽ bị phá bỏ.
Ông Phạm Văn Năm, Giám đốc Sở Giao thông – Vận tải Quảng Bình khẳng định: Các lực lượng chức năng của tỉnh và các huyện đang bám cơ sở để kiểm tra, xử lý các vi phạm về việc sử dụng đất theo quy định. Ðối với các trường hợp vi phạm phải đình chỉ, lập biên bản xử lý nghiêm để làm căn cứ sau này nếu có thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng.
Được biết, ông Vũ Đại Thắng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình cũng đã yêu cầu UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện dự án tỉnh và các địa phương thường xuyên báo cáo với Thường trực Tỉnh ủy về tiến độ và kết quả trong khâu đền bù, giải phóng mặt bằng và bố trí tái định cư. Tạo điều kiện nhanh nhất để dự án triển khai thuận lợi, bàn giao 70% mặt bằng cho chủ đầu tư vào tháng 11/2022 như tiến độ đề ra.
Nguồn: https://cafeland.vn/tin-tuc/xu-ly-nghiem-cac-truong-hop-di-tat-don-dau-cho-den-bu-duong-cao-toc-108328.html
[ad_2]