[ad_1]

(Dân trí) – Theo KTS Đào Ngọc Nghiêm, dự án 61 Trần Phú đã giao cho chủ đầu tư quá lâu song chậm triển khai rất nhiều năm không được rà soát, nay có quy hoạch mới, quy định mới thì cần điều chỉnh cho phù hợp.

Vụ dỡ nhà Pháp cổ xây cao ốc 11 tầng ở Ba Đình: Chuyên gia chỉ vấn đề lớn - 1

Phối cảnh dự án công trình đa chức năng cao 11 tầng Postef tại số 61 Trần Phú, Hà Nội (Ảnh: IT).

Ngày 6/4, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã yêu cầu chủ đầu tư dừng thi công công trình tại số 61 Trần Phú, quận Ba Đình; tổ chức kiểm tra quy trình, thủ tục triển khai dự án.

Quyết định tạm dừng thi công được đưa ra trong bối cảnh dãy nhà 4 mặt phố nằm trên khu “đất vàng” trung tâm Ba Đình được phá dỡ để khởi công xây dựng công trình đa chức năng cao 11 tầng Postef khiến nhiều người dân, chuyên gia tiếc nuối.

Trao đổi với Dân trí, KTS Đào Ngọc Nghiêm – Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội – cho biết, nếu căn cứ thời điểm phê duyệt dự án đúng quy định, quy trình. Tuy nhiên, nhược điểm lớn nhất là dự án để quá lâu không triển khai.

“Đó là vấn đề rất lớn cần xem xét. Bởi vì dự án có tác động tới khu trung tâm Ba Đình. Các nhà máy di dời khỏi nội đô thì nhiều, nhưng đây là dự án khu trung tâm chính trị Ba Đình nên cần có sự chặt chẽ hơn”, ông Nghiêm nêu quan điểm.

Theo vị chuyên gia, Hà Nội đã công bố quy hoạch phân khu của khu trung tâm Ba Đình, trong đó có nhiều quy định mới, nội dung mới. Do vậy, dự án 61 Trần Phú cũng cần được xem xét điều chỉnh lại cho phù hợp.

“Một dự án để quá lâu chưa triển khai nhưng chưa bị rà soát thì ngoài tồn tại của chủ đầu tư còn có vấn đề của cơ quan quản lý trong việc giám sát các dự án chậm triển khai”, ông Nghiêm nhấn mạnh.

Thực tế, Luật Quy hoạch đô thị ban hành năm 2009 quy định, khi quy hoạch thay đổi, các dự án chưa thực hiện mà không phù hợp với quy hoạch mới thì phải điều chỉnh cho phù hợp. Chưa kể vừa qua Hà Nội rốt ráo thực hiện rà soát hơn 380 dự án chậm triển khai, trong đó đề xuất thu hồi nhiều dự án nhưng dự án 61 Trần Phú ngay tại trung tâm lại chưa được xem xét đến, ông Nghiêm thắc mắc.

Vụ dỡ nhà Pháp cổ xây cao ốc 11 tầng ở Ba Đình: Chuyên gia chỉ vấn đề lớn - 2

Hiện trạng nhà Pháp cổ 61 Trần Phú sau khi bị yêu cầu tạm dừng phá dỡ (Ảnh: Hữu Nghị).

Bàn về số phận dự án, KTS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng trước hết cần rà soát lại. Theo quy định thì một dự án triển khai cần có thời gian, quá thời gian thì phải xem xét lại. Lúc này phải xem xét lại để phù hợp với quy định mới, quy hoạch mới.

Nhiều ý kiến đặt vấn đề có nên xây cao ốc ở khu vực này hay không, ông Nghiêm cho rằng, việc này phải xem xét trong quy hoạch tổng thể, yêu cầu, bối cảnh mới.

Trước phản ánh, ý kiến của chuyên gia, dư luận về dự án này, Bộ Xây dựng cũng đã có văn bản gửi UBND TP Hà Nội đề nghị rà soát tổng mặt bằng và phương án kiến trúc công trình.

Theo Quy hoạch chi tiết Khu trung tâm chính trị Ba Đình, TP Hà Nội, tỷ lệ 1/2000 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh tại Quyết định số 2411 ngày 10/12/2013, nhà máy thiết bị bưu điện tại lô G1 (khu đất số 61 phố Trần Phú, Hà Nội) được di chuyển ra khỏi khu trung tâm.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, khu trung tâm chính trị Ba Đình có tính chất là khu vực có nhiều giá trị mang tầm quốc gia về văn hóa, lịch sử, không gian kiến trúc gắn liền với lịch sử phát triển đất nước, với mục tiêu bảo tồn, tôn vinh các giá trị di sản văn hóa, lịch sử, kiến trúc đô thị.

Với lý do trên, Bộ Xây dựng đề nghị UBND TP Hà Nội trước mắt tạm dừng thi công; rà soát về các chỉ tiêu quy hoạch, phương án kiến trúc công trình tại số 61 phố Trần Phú. Đồng thời, Bộ đề nghị việc đảm bảo tuân thủ quy định, phù hợp với quy hoạch, không gian, kiến trúc, cảnh quan khu trung tâm chính trị Ba Đình. Nội dung này, theo Bộ Xây dựng, đã từng được lưu ý tại Văn bản số 515 ngày 24/3/2016 gửi UBND TP Hà Nội.

Bộ Xây dựng cũng đề nghị Hà Nội nghiên cứu tiếp thu các ý kiến phản ánh để có giải pháp thực hiện phù hợp; công bố thông tin đầy đủ, đảm bảo công khai, minh bạch.

[ad_2]

Nguồn: https://dantri.com.vn/bat-dong-san/vu-do-nha-phap-co-xay-cao-oc-11-tang-o-ba-dinh-chuyen-gia-chi-van-de-lon-20220408071502394.htm