[ad_1]

Vì sao Hoàng Đế Trung Hoa không ai béo phì, dù ăn nhiều sơn hào hải vị?

Có 3 quy tắc trong bữa ăn mà tất cả Hoàng đế Trung Hoa đều tuân theo; cũng chính nhờ đó mà đảm bảo chế độ dinh dưỡng và thân hình cân đối, sức khỏe an khang. Tuy nhiên, đó cũng là những nổi khổ mà khó ai thấu được.

Chúng ta có thể tra lại trong lịch sử các triều đại phong kiến Trung Hoa, có thể sẽ phát hiện ra một điều ít có người thắc mắc. Đó là tại sao hầu hết các vị Hoàng đế của Trung Hoa, đặc biệt là các Hoàng đế triều nhà Thanh đều không một ai bị béo. Mặc dù, mỗi bữa ăn có đến cả hàng trăm món và đã từng nếm qua vô số sơn hào hải vị.

Đầu bếp toàn là người giỏi nhất nước, nguyên liệu nấu ăn thuộc đều loại thượng hạng. Ngự thiện phòng sẵn sàng túc trực để phục vụ bất cứ món ăn nào hoàng đế muốn. Còn có kẻ hầu người hạ, cơm bưng nước rót nhưng mấy ai hiểu được nổi khổ của Vua. Khi mỗi bữa ăn đều phải tuân theo những quy tắc của tổ tiên để lại. Trong đó có 3 nguyên tắc bắt buộc phải tuân thủ trong bất kì trường hợp nào.

Quy tắc thứ nhất: Không được tùy tiện ăn vặt

Theo lịch sử ghi chép lại, nhà Thanh tuân theo thói quen ăn uống của người Mãn ở Đông Bắc. Mỗi ngày chỉ ăn 2 bữa chính là bữa sáng và bữa tối. Bữa sáng được ăn vào giờ Mão (6 giờ 30 – 7 giờ 30 sáng); bữa tối thường diễn ra trước giờ Dậu, khoảng 5 – 7 giờ tối, giữa hai bữa chính có một bữa điểm tâm (trà chiều). Sau bữa tối còn có một bữa khuya vào sau 7 giờ tối.

Thông thường sau khi dùng xong bữa chính, Hoàng đế sẽ được phục vụ thêm một bàn hoa quả trên đó bày trí nhiều loại hoa quả khác nhau cùng với một số món điểm tâm vô cùng bắt mắt. Cộng với thời gian điểm tâm trà chiều, còn có bữa khuya, thật sự là vô cùng phong phú. Ngoài những bữa ăn này, hoàng đế tuyệt đối không được tùy ý ăn bất cứ đồ ăn nào.

Quy tắc thứ 2: Trước khi ăn phải dùng thẻ bạc thử xem món ăn có độc gì không

Trước khi Hoàng đế dùng bữa, đầu tiên thái giám sẽ đặt vào trong mỗi món ăn một thẻ bài để thử độc. Sau đó quan sát xem thẻ bài có bị đổi màu hay không; làm vậy sẽ kiểm tra được thức ăn có bị nhiễm độc hoặc bị hư hỏng hay chưa. Đồng thời, việc làm này còn để kiểm tra xem các nguyên liệu tạo nên món ăn khi kết hợp lại với nhau có sản sinh ra phản ứng trúng độc hay không?

Vì sao Hoàng Đế Trung Hoa không ai béo phì, dù ăn nhiều sơn hào hải vị?
Ảnh minh họa

Thẻ bài thử độc là một tấm thẻ nhỏ làm bằng bạc rộng nửa tấc (1,7 cm), dài 3 tấc (10 cm). Nếu thức ăn có độc, thẻ bài sẽ đổi màu, Hoàng đế sẽ không ăn món ăn đó, đồng thời trách tội xuống đầu bếp; nặng có thể bị chém đầu.

Sau khi thử độc bằng thẻ bài, thái giám sẽ tự mình nếm thử từng món đồ ăn trên bàn để đảm bảo không có gì sai sót. Sau khi thái giám thử xong, Hoàng đế sẽ ra hiệu cho thái giám đang chờ đặt những món ăn yêu thích của mình vào bát rồi bắt đầu thưởng thức.

Quy tắc 3: Ăn không quá 3 miếng

Hoàng đế Phổ Nghi – vị hoàng đế cuối cùng của triều Thanh đã từng viết trong cuốn hồi ký “Nửa đời trước của tôi” một dòng kể về quá trình dùng bữa của Hoàng đế như sau: “Xa hoa nhưng không có thực, hao tốn nhưng không có lợi, dinh nhưng không có dưỡng, vừa nhạt lại không có vị.”

Bất kể là món ăn nào, dù ngon đến đâu, hoàng đế đều không thể ăn quá 3 miếng. Đây là quy tắc mà các đời tổ tông truyền lại, gọi là “ăn không quá 3 thìa”. Món ăn đã ăn xong 3 miếng sẽ lập tức được dọn xuống vì sợ rằng nếu có người biết được món yêu thích của hoàng đế sẽ đánh chủ ý lên món ăn đó rồi ra tay hạ độc, mưu hại hoàng đế.

Hoàng đế mỗi khi dùng bữa, sau lưng đều có 4 vị thái giám chuyên giám sát việc thực hiện quy tắc đứng hầu. Ngay cả hoàng đế cũng phải tuân theo quy tắc mà tổ tiên đã đề ra. Ánh mắt hoàng đế dừng ở món nào, thái giám sẽ lập tức đưa món ăn đến gần, dùng thìa lấy thức ăn cho vào bát của hoàng đế.

Ăn không quá 3 miếng
Ảnh minh họa

Nếu Hoàng đế khen ngon, thái giám sẽ lấy thêm một thìa nữa. Nếu ăn liên tục 3 lần, thái giám liền cho dọn xuống ngay và trong vòng 10 ngày hay nửa tháng tới, món ăn này sẽ không xuất hiện trên bàn ăn thêm lần nào nữa.

Hơn thế, nhà Thanh còn áp dụng quy tắc về cách biệt thân phận vô cùng nghiêm ngặt. Tất cả mọi người trong Tử Cấm Thành đều là nô tài của hoàng đế; ngay cả hoàng hậu, thái tử cũng không đủ tư cách để dùng cơm cùng hoàng đế. Cho nên mỗi bữa ăn, Hoàng đế đều là một mình cô đơn dùng bữa.

Tuy nhiên, cũng có một ngoại lệ là vào dịp năm mới. Lúc này, hoàng đế và hoàng hậu mới có thể ngồi cùng nhau ăn một bữa cơm để mừng năm mới.

(Nguồn: cafebiz)

Xem thêm

[ad_2]