[ad_1]

Tại phiên Thảo luận Quốc hội ngày 7/1, nhiều đại biểu đề nghị Chính phủ lưu ý kiểm soát phân bổ nguồn lực, đảm bảo dòng tiền đi đúng hướng, không chảy vào bất động sản, chứng khoán.

Ảnh minh hoạ

Đại biểu Nguyễn Văn Huy (đoàn Đại biểu Thái Bình) thống nhất với Chính phủ về sự cần thiết phải có gói chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ cho chương trình phục hồi và phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, ông Bình cho rằng về lâu dài thì việc ổn định kinh tế vĩ mô phải được cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng. Cần đặc biệt chú ý đến vấn đề lạm phát, vay nợ công, thâm hụt ngân sách nhà nước và duy trì trong giới hạn chấp nhận được trong một giai đoạn nhất định.

Ông Bình cũng thống nhất việc hỗ trợ doanh nghiệp là một trọng tâm ưu tiên, nhưng hỗ trợ như thế nào là vấn đề cần được tính toán cẩn trọng.

Vị đại biểu này kiến nghị Chính phủ phải xem xét, hỗ trợ cho doanh nghiệp, lĩnh vực, ngành nghề một cách phù hợp, đáp ứng đúng nhu cầu, tính toán đến khả năng, sức hấp thụ của ngành đó đến đâu, phương pháp hỗ trợ như thế nào để cân đối giữa ngắn hạn trước mắt và đầu tư phát triển lâu dài.

“Cần cung cấp cho doanh nghiệp hướng đi, cách thức đi, cung cấp cần câu chứ không phải con cá” ông Bình phát biểu.

Do đó, chính sách tài khóa về đẩy mạnh đầu tư công cần xác định đúng trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải; cần tính toán khi chi cho một dự án đầu tư công thì dự án đó có khả năng tác động, lan tỏa, kích thích những ngành, lĩnh vực nào phát triển và có khả năng sớm hoàn thành, đặc biệt là theo xu thế phát triển sau dịch Covid-19.

Ngoài ra, ông Bình cũng đề nghị cần có cơ chế để tránh tình trạng doanh nghiệp móc nối với ngân hàng hoặc ngân hàng ưu tiên doanh nghiệp ruột, doanh nghiệp sân sau.

Tuyệt đối tránh tình trạng doanh nghiệp vay vốn xong lại đem gửi ngân hàng để lấy phần trăm chênh lệch do lãi suất cho vay thấp hơn lãi suất tiền gửi hoặc là để đáo nợ như lo ngại của nhiều chuyên gia và các cơ quan báo chí đã nêu trước đây.

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (đoàn Đại biểu Ninh Bình) đề nghị Chính phủ cần rà soát, đánh giá kỹ lại tác động của các gói hỗ trợ.

Khoản nào có tác động nhỏ đến đối tượng thụ hưởng, không tạo được động lực mạnh cho tăng trưởng hoặc ít tác động đến sự ổn định đời sống người lao động thì có thể cân nhắc để cắt giảm nhằm giảm gánh nặng về ngân sách, qua đó có thể giảm tỷ lệ tăng bội chi ngân sách nhằm đề phòng kịch bản tăng trưởng không diễn ra như dự báo.

Đại biểu Mai Văn Hải (đoàn Đại biểu Thanh Hoá) đề nghị đề nghị gói hỗ trợ cũng cần phải có trọng tâm, hỗ trợ vào một số lĩnh vực chịu thiệt hại nặng nề bởi đại dịch như du lịch, vận tải, dịch vụ nhà hàng, khách sạn, việc làm.

Ông Hải cũng đề nghị ngành ngân hàng, nhất là các ngành ngân hàng thương mại cần phải cải cách thủ tục hành chính để làm sao doanh nghiệp và người dân dễ tiếp cận với chính sách này.

“Bên cạnh đó, cũng phải kiểm soát thật chặt chẽ nguồn vốn cho vay, tránh tình trạng doanh nghiệp, người dân vay không dùng vào mục đích phục hồi sản xuất mà lại đem đi đầu tư tài chính, bất động sản và một số lĩnh vực rủi ro khác”, ông Hải nói thêm.

Đại biểu Nguyễn Cao Sơn (đoàn Đại biểu Hoà Bình) cho rằng về chính sách tiền tệ, đề nghị cần có chính sách điều tiết thu nhập của các tổ chức tín dụng, chia sẻ rủi ro trong giai đoạn nền kinh tế đất nước đang gặp khó khăn, trong khi các tổ chức tín dụng vẫn có lãi lớn, còn dư địa để giảm lãi suất cho vay.

Bên cạnh đó, chính sách huy động vốn trái phiếu cũng cần có sự quản lý, điều tiết nhịp nhàng nhằm đảm bảo nguồn lực, tính công bằng khi thực hiện chính sách.

Khi thực hiện gói kích thích kinh tế phải đảm bảo phát huy hiệu quả, đặc biệt ở nhóm an sinh xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh.

Tránh phân tán nguồn lực, tránh việc dồn nguồn lực vào các kênh đầu tư không phản ánh thực chất thực tế quy luật cung cầu và quy luật giá trị, tránh bong bóng bất động sản, chứng khoán, tăng trưởng tín dụng, quản lý nợ xấu.

Theo đại biểu Nguyễn Như So (đoàn Đạ biểu Bắc Ninh), chính sách về hỗ trợ lãi suất thông qua hệ thống ngân hàng thương mại cần rà soát, hỗ trợ trọng tâm, tránh cào bằng trong việc hỗ trợ lãi suất, tập trung vào một số ngành, lĩnh vực quan trọng thiết yếu.

Các chính sách hỗ trợ cần chọn lọc hơn, tập trung hơn, đặc biệt những doanh nghiệp lớn, có sức lan tỏa đến các khu vực khác trong nền kinh tế.

[ad_2]