[ad_1]

Hơn 1 tháng kể từ khi trở về “bình thường mới” (vùng xanh) trên toàn tỉnh, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đổ về Long An tiếp tục gia tăng, giúp địa phương duy trì “ngôi vương” trong thu hút FDI của cả nước…

Long An tiếp tục duy trì "ngôi vương" trong thu hút FDI nhờ loạt dự án FDI đăng ký mới gia tăng.Long An tiếp tục duy trì “ngôi vương” trong thu hút FDI nhờ loạt dự án FDI đăng ký mới gia tăng.

Đầu tháng 11/2021, UBND tỉnh Long An đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 2 dự án của nhà đầu tư nước ngoài. Đó là dự án Công ty cổ phần Dược phẩm 3/2 tại Khu công nghiệp Long Hậu 3 (giai đoạn 1) với phần vốn góp của nhà đầu tư Nhật Bản trị giá 35 triệu USD; và dự án Công ty TNHH Lotte Eco Logis của nhà đầu tư Hàn Quốc tại Khu Công nghiệp Phú An Thạnh với tổng vốn đầu tư gần 13,5 triệu USD.

Mặc dù, đây không phải là những dự án FDI khủng, có quy mô vốn trị giá hàng tỷ USD song theo UBND tỉnh Long An, điều đặc biệt của đợt trao giấy chứng nhận đầu tư lần này là có dự được cấp giấy chứng nhận đầu tư chỉ trong vòng 1 ngày kể từ thời điểm nộp hồ sơ đăng ký đầu tư.

VỐN ĐĂNG KÝ LIÊN TỤC TĂNG

“Tất nhiên, việc trao giấy chứng nhận đầu tư ngay trong ngày phải dựa trên việc thẩm định hồ sơ đầy đủ và rõ ràng; song đây là minh chứng về lời cam kết mạnh mẽ của chúng tôi trong việc luôn nỗ lực đồng hành, tạo thuận lợi nhất với các doanh nghiệp chọn Long An đầu tư, nhất là giai đoạn giai đoạn sau đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4”, ông Nguyễn Văn Được, Bí thư tỉnh ủy Long An chia sẻ tại buổi trao giấy chứng nhận đầu tư.

Có thể thấy, hơn 1 tháng kể từ khi Long An trở về bình thường mới, dòng vốn ngoại vẫn liên tục đổ về Long An. Còn nhớ, trong ngày đầu tiên trở về bình thường mới trên toàn tỉnh, Long An cũng trao giấy chứng nhận cho 4 dự án FDI với tổng vốn đầu tư trị giá gần 70 triệu USD. Đó là dự án trong lĩnh vực logistics của Tập đoàn Daiwahouse (Nhật Bản) với vốn đầu tư hơn 29,9 triệu USD; dự án sản xuất sợi và dệt vải có quy mô 20 triệu USD của nhà đầu tư đến từ Trung Quốc và 2 dự án cùng của nhà đầu tư Singapore trong lĩnh vực đầu tư hạ tầng và sản xuất màng nhựa với quy mô đầu tư gần 20 triệu USD.

Nhờ loạt dự án này, Long An tiếp tục duy trì “ngôi vương” trong thu hút FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký tính đến ngày 20/11/2021 là 3,76 tỷ USD, chiếm 14,2% tổng vốn đầu tư đăng ký của cả nước.

 
Giữa lúc Covid-19 diễn biến phức tạp và gây nhiều hệ lụy cho nền kinh tế, kết quả thu hút FDI này là khá thích cực. Điều này cho thấy hiệu quả từ “chiến thuật” của Long An trong việc không quên thực hiện tốt công tác xúc tiến, tiếp nhận đầu tư theo hình thức phù hợp ngay trong đại dịch để tạo tiền đề cho sự phát triển bứt phá khi dịch bệnh được kiểm soát.

Đáng chú ý, một trong những dự án FDI đặc biệt quan trọng được tỉnh cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong năm 2021 là dự án Điện khí LNG Long An I và II do VinaCapital GS Energy Pte.Ltd (Singapore) đầu tư. Dự án có diện tích khoảng 90ha trên địa bàn huyện Cần Giuộc, bao gồm 2 nhà máy tua-bin khí chu trình hỗn hợp, công suất 2 nhà máy lên đến 3.000MW, vốn đăng ký đầu tư lên tới 3,1 tỷ USD.

Theo nhận định của giới đầu tư, dự án này sẽ tạo ra những tác động rất tích cực tới môi trường đầu tư nói chung cũng như thu hút FDI nói riêng của tỉnh Long An khi dự án bắt đầu đi vào vận hành, khai thác vào tháng 12/2025.

Hiện Long An có khoảng 40 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư trên địa bàn tỉnh, trong đó Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Thái Lan… đứng đầu danh sách các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào địa phương. Các lĩnh vực thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn là năng lượng, dệt may, da giày, công nghiệp chế biến thức ăn gia súc, gia cầm, thủy sản; chế biến thực phẩm, đồ uống; công nghiệp chế tạo…

LUÔN TẠO ĐIỀU KIỆN THUẬN LỢI CHO NHÀ ĐẦU TƯ

Không chỉ đẩy mạnh xúc tiến đầu tư giữa lúc đại dịch Covid-19 bùng phát dữ dội, trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp nước ngoài phải giảm công suất, dừng hoạt động hay thậm chí chuyển một phần đơn hàng ra nước ngoài do đứt gãy chuỗi cung ứng, Long An đã chủ động, kịp thời tháo gỡ, giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp. 

“Long An chủ động đảm bảo nguyên tắc “nhanh nhất – hiệu quả nhất” nhằm giảm thiệt hại, khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp”, ông Nguyễn Văn Được nhấn mạnh.

Đơn cử như trường hợp của Nike, theo chia sẻ của Bí thư tỉnh ủy Long An, đến nay, các đơn vị gia công cho Nike đã quay trở lại hoạt động và đảm bảo sản xuất gia công đơn hàng cho Nike. Ngoài ra, trong thời gian tới, cũng không loại trừ một số doanh nghiệp mới trên địa bàn tỉnh sẽ xúc tiến, làm đối tác của Nike.

Theo nhiều chuyên gia, với việc ban hành kế hoạch phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn trên nguyên tắc từng bước nới lỏng giãn cách và mở rộng dần phạm vi sản xuất đối với các doanh nghiệp đang sản xuất “3 tại chỗ”, cho phép doanh nghiệp tự xây dựng phương án sản xuất phù hợp với điều kiện của đơn vị mình và đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp giai đoạn hậu Covid-19… Long An được dự báo sẽ đón nhận nhiều hơn nữa vốn đầu tư FDI trong thời gian tới, trong đó có việc nhiều doanh nghiệp FDI sẽ mở rộng sản xuất, kinh doanh tại nhiều khu, cụm công nghiệp trong tỉnh.

Tuy nhiên, để hiện thực hóa những cơ hội này, ông Kang Myongil, Tổng Lãnh sự Hàn Quốc tại TP.HCM cho rằng, Long An cần nới lỏng quy định nhập cảnh, cách ly y tế để hỗ trợ chuyên gia, nhà đầu tư đến Long An làm việc. Về dài hạn, Long An cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực… để đáp ứng nhu cầu hợp tác đầu tư lâu dài của nhà đầu tư nước ngoài tại địa phương.

6 NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM

Với việc xác định nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách là một động lực rất quan trọng cho phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, ông Nguyễn Văn Được cho biết, thời gian tới, tỉnh đặt ra 6 nội dung quan trọng để đẩy mạnh thu hút đầu tư, trong đó có thu hút đầu tư nước ngoài.

Thứ nhất, Long An nhận thức phải bắt đầu từ quy hoạch và tập trung đảm bảo tiến độ, chất lượng lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của tỉnh; tạo ra định hướng, chiến lược dài hạn để thu hút đầu tư, nhất là FDI.

Thứ hai, thúc đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp để gia tăng quỹ đất sạch kêu gọi, tiếp nhận đầu tư; có giải pháp bình ổn giá thuê đất tại các khu, cụm công nghiệp để thu hút nhà đầu tư thứ cấp.

Thứ ba, tập trung cải thiện kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông kết nối tỉnh Long An với TP.HCM và Vùng kinh tế trọng điểm phía nam, thông qua việc thực hiện Chương trình đột phá huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ phục vụ phát triển công nghiệp, đô thị vùng kinh tế trọng điểm.

Thứ tư, tiếp tục cải cách, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh theo hướng đơn giản, nhanh chóng, kịp thời, đúng quy định; giữ vững chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh ở nhóm “Tốt” đến “Rất tốt”.

Thứ năm, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực để đáp ứng quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa thông qua thực hiện Chương trình đột phá đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp và nông nghiệp của tỉnh.

Thứ sáu, thực hiện tốt công tác hỗ trợ doanh nghiệp thông qua việc định kỳ tổ chức đối thoại với các doanh nghiệp, hiệp hội để giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình đầu tư, kinh doanh.

[ad_2]