[ad_1]

Vàng là tài sản không mang lãi suất, nên vàng thường chịu áp lực giảm giá trong môi trường lãi suất tăng và ngược lại…

Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg.
Ảnh minh họa – Ảnh: Bloomberg.

Giá vàng thế giới tăng nhẹ trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (31/1) nhưng chưa thể tái lập ngưỡng chủ chốt 1.800 USD/oz và hoàn tất tháng giảm mạnh nhất kể từ tháng 9 năm ngoái do chủ trương thắt chặt chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Lúc đóng cửa, giá vàng giao ngay tăng 5 USD/oz, tương đương tăng 0,3%, đạt 1.797,6 USD/oz. Cả tháng, giá vàng giảm 1,8%.

Hơn 9h sáng nay (1/2), giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á đứng ở 1.799,2 USD/oz, tăng 1,6 USD/oz so với đóng cửa phiên đêm qua tại New York. Mức giá này tương đương khoảng 49,4 triệu đồng/lượng nếu được quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại ngân hàng Vietcombank và chưa tính các chi phí liên quan.

Trước Tết, giá vàng miếng SJC bán lẻ tại thị trường Hà Nội là 62,6 triệu đồng/lượng, cao hơn giá vàng thế giới quy đổi hơn 13 triệu đồng/lượng. Dù giá vàng thế giới giảm trong tháng 1, giá vàng miếng đã tăng khoảng 1,2 triệu đồng/lượng.

Tuần trước, Fed phát tín hiệu sẽ bắt đầu tăng lãi suất từ tháng 3 để chống lại mức lạm phát cao nhất gần 4 thập kỷ, và đây sẽ là đợt nâng lãi suất đầu tiên của Fed trong vòng hơn 3 năm. Thị trường hiện đang đặt cược vào khả năng Fed có ít nhất 5 lần nâng lãi suất, mỗi lần tăng 0,25 điểm phần trăm trong năm nay.

Trao đổi với tờ Financial Times vào cuối tuần vừa rồi, Chủ tịch Fed chi nhánh Atlanta Raphael Bostic nói rằng Fed không loại trừ khả năng tăng lãi suất với bước nhảy 0,5 điểm phần trăm mỗi lần, thay vì bước nhảy 0,25 điểm phần trăm thường thấy, nếu lạm phát tiếp tục ở mức cao.

Vàng là tài sản không mang lãi suất, nên vàng thường chịu áp lực giảm giá trong môi trường lãi suất tăng và ngược lại.

Ngoài ra, triển vọng Fed thắt chặt chính sách tiền tệ còn đẩy tỷ giá đồng USD tăng mạnh trong tháng 1, gây thêm sức ép giảm giá lên vàng – tài sản được định giá bằng USD. Theo chiến lược gia Bob Haberkorn của RJO Futures, USD tăng giá nhanh vì Fed tỏ ra cứng rắn, trong khi các ngân hàng trung ương lớn khác cũng tiến tới thắt chặt nhưng thể hiện quan điểm ít cứng rắn hơn so với Fed.

Ông Haberkorn nói thêm rằng vàng đang phải cạnh tranh với trái phiếu, vì lợi suất trái phiếu tăng mạnh.

Cả tháng, chỉ số Dollar Index tăng 0,4%. Thước đo sức mạnh đồng USD so với một rổ gổm 6 đồng tiền chủ chốt khác chốt tháng 1 ở mức gần 96,7 điểm.

Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm kết thúc tháng 1 ở mức khoảng 1,78%, từ mức hơn 1,5% vào thời điểm cuối tháng 12/2021. Trong tháng 1, lợi suất trái phiếu này có lúc vượt 1,9%, cao nhất 2 năm. Cùng thời điểm này năm ngoái, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm còn ở mức khoảng 0,9%.

[ad_2]