[ad_1]

Rốt cuộc hạnh phúc là chi, tìm được ở chốn nào?

Xưa có vị quân vương của một vương quốc hùng mạnh sống trong cung điện thềm ngọc cột son, đồ dùng toàn bằng vàng, bạc, ngọc và đá quý. Nhưng nhà vua vẫn cảm thấy cuộc sống buồn tẻ vô vị, vẫn thấy cô đơn giữa những lời ca tụng, khúm núm của quần thần, phi tử.

Chán ngán cuộc sống cung điện rộng rãi nhưng lạnh lẽo, một hôm vua quyết định đóng giả người lái buôn đi vi hành. Đến một thôn trang, tiếng hát vang vang của một người khiến vua chú ý bước lại gần. Đó là một bác nông dân đang vừa cày vừa hát vui vẻ.

Nhà vua cất lời hỏi: “Này bác, bác có chuyện gì mà vui vẻ thế?”.

Bác nông dân trả lời: “Ngày nào tôi cũng làm trên cánh đồng này, và ngày nào tôi cũng vui vì cánh đồng thay đổi từng ngày, đến mùa gặt sẽ có đủ lúa cho chúng tôi trong cả năm”.

Nhà vua không hiểu nổi, tại sao bác nông dân vất vả cày cấy quanh năm chỉ để có thóc ăn quanh năm mà lại có thể ngày ngày vui vẻ ca hát như vậy? Và tại sao vua có cả giang sơn, người hầu kẻ hạ, sống trong lầu vàng gác tía, ăn đủ món sơn hào hải vị, nếm đủ rượu ngon thế gian, mà vẫn thấy buồn rầu chán ngán?

Vua về hoàng cung hỏi các quần thần, nhưng không câu trả lời nào khiến ông thỏa mãn.

Tể tướng bèn hiến kế, nói rằng ở ngôi chùa trên đỉnh núi phía bắc kinh thành có một vị cao tăng đắc Đạo, có thể giải đáp mọi chuyện thế gian.

Nhà vua đích thân tìm đến vị cao tăng xin thỉnh giáo. Vị cao tăng hỏi: “Bệ hạ hâm mộ người nông dân sống vui vẻ, nếu bản thân cũng làm nông dân như thế, bệ hạ có vui vẻ không?”.

Nhà vua quả quyết: “Chắc chắn là không rồi”.

Vị cao tăng hỏi tiếp: “Nếu người nông dân đó làm vua, anh ta có vui vẻ không?”.

Nhà vua suy nghĩ một lát rồi nói: “Có lẽ không, anh ta không đủ tài đức, sao có thể ra lệnh quần thần, hiệu lệnh thiên hạ được?”.

Vị cao tăng lại hỏi: “Nếu người nông dân đó nhặt được túi vàng, anh ta có hạnh phúc không?”.

Nhà vua quả quyết: “Nhất định hạnh phúc rồi”.

Vị cao tăng cười và nói: “Bệ hạ có thể lấy 99 đồng tiền vàng cho vào một cái túi, rồi để ở dưới ruộng người nông dân, bệ hạ sẽ có câu trả lời”.

Quả nhiên, bác nông dân hét lên vui sướng khi mở túi ra, liền bỏ cày ôm túi chạy về nhà, vừa chạy vừa hét: “Ta giàu rồi, ta giàu rồi”.

Nhà vua gặp cao tăng kể lại chuyện bác nông dân vui sướng nhường nào, vị cao tăng nói: “Hàng ngày bệ hạ cứ nấp sau lùm cây bên bờ ruộng, ngài sẽ thấy câu trả lời”.

Hôm sau, nhà vua đến lùm cây bên bờ ruộng, quả nhiên thấy bác nông dân đã ở đó. Anh ta không hát như mọi ngày mà đang chăm chú nhìn từng hốc đất, vạch từng luống cày, miệng lẩm bẩm: “Còn một đồng tiền vàng nữa, mình nhất định sẽ tìm được, chẳng có ai lại để 99 đồng tiền vàng trong túi cả”.

Hôm sau, rồi lại hôm sau nữa, ngày nào nhà vua ra cánh đồng cũng thấy bác nông dân đang bới đất tìm kiếm, nét mặt suy tư vàng võ, đôi mắt thâm quầng, thân hình tiều tụy.

Nhà vua lại đến gặp vị cao tăng kể lại sự tình. Vị cao tăng mỉm cười nói: “Nếu người nông dân đó có thêm một đồng tiền vàng, anh ta có hạnh phúc không?”.

Nhà vua khẳng định: “Tất nhiên rồi, vì đồng tiền đó mà anh ta mất ăn mất ngủ, tìm kiếm hàng ngày từ sáng đến tối trên cánh đồng”.

Cao tăng nói: “Vậy đến đêm, bệ hạ hãy để một đồng tiền vàng trên bờ ruộng của anh ta rồi đặt hòn đá lên, bệ hạ sẽ thấy câu trả lời”.

Quả nhiên khi người nông dân đến, vừa chuẩn bị bước xuống ruộng thì vấp vào hòn đá, anh ta đau đớn ôm chân và đạp hòn đá một cái. Đồng tiền vàng bỗng xuất hiện lấp lánh phản chiếu ánh nắng vàng. Bác nông dân sung sướng hét lên, quên hết cả đau, cầm đồng tiền vàng ngắm nghía vui sướng, vừa hát vừa nghênh ngang trở về nhà.

Nhà vua lại gặp cao tăng kể sự tình, cao tăng cười và nói: “Cũng mới chỉ bắt đầu thôi, bệ hạ cứ xem tiếp đi”.

Quả nhiên mấy hôm sau, nhà vua lại thấy bác nông dân đang đào đất tìm kiếm gì đó, miệng lẩm bẩm: “Đã tìm thấy túi vàng, thì nhất định có kho vàng ở nơi đây, thế nào mình cũng sẽ tìm ra”.

Ngày ngày người nông dân đều đào bới, sâu dần, sâu dần mà chẳng thấy tăm hơi kho báu đâu cả. Anh ta đã tiêu hết 100 đồng tiền vàng, đào ruộng sâu ngập đầu người mà kho báu vẫn bặt vô âm tín.

Nhà vua càng bối rối không hiểu, tìm đến cao tăng xin chỉ giáo. Lúc này cao tăng mới nhẹ nhàng giảng giải:

“Sở dĩ người nông dân sống hạnh phúc là vì anh ta hài lòng với cuộc sống đơn giản bên thửa ruộng của mình. Nhưng khi có tiền vàng thì lòng tham nổi lên, từ đó cuộc sống anh ta trở thành bất hạnh. Muốn anh ta trở lại cuộc sống đơn sơ như xưa cũng rất khó, vì đã quen với cảm giác đếm đồng tiền vàng rồi.

Còn bệ hạ không hạnh phúc là do đã nếm đủ mọi vinh quang chiến thắng, danh vọng tối cao, người người xưng tụng, của cải bạc vàng, mỹ nữ, yến tiệc… đều đã hưởng hết sung sướng của đời người rồi, chẳng còn gì khiến bệ hạ vui thích nữa. Do đó, bệ hạ cần vượt qua cảnh giới của người đời, đi tìm hạnh phúc trong tĩnh lặng nội tâm.

Nếu bệ hạ muốn tìm về bản nguyên của sinh mệnh, xin hãy quay về chăm lo cho bách tính an cư lạc nghiệp, tìm người hiền tài lo cho dân cho nước. Ba năm sau, mong ngài quay lại đây”.

Ba năm sau, thửa ruộng của anh nông dân đã biến thành một đầm nuôi cá với sen mọc đưa hương thơm ngát. Trên bờ đầm sen có một túp lều nhỏ khi thì văng vẳng tiếng đọc sách, lúc lại có tiếng ngâm thơ ngân nga.

Cùng lúc ấy, giữa vùng núi sâu rừng già xuất hiện một chú tiểu tướng mạo phương phi, cao lớn oai phong, ánh mắt sáng rực, nét mặt bình hòa, mãn nguyện đang lắng nghe vị cao tăng giảng Đạo…

Xem thêm

[ad_2]