[ad_1]

Việc phân cấp, phân quyền cho các địa phương là điều cần thiết, song cần rõ ràng và có gắn thêm trách nhiệm cụ thể, đồng thời phải có thêm các quy định về hậu kiểm để đánh giá giám sát.

Ảnh minh hoạ

Đó là một trong những ý được các đại biểu Quốc hội bàn tại phiên họp toàn thể, thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự ngày 10-1 vừa qua.

Theo đại biểu Trần Khánh Thu (Đoàn Đại biểu Thái Bình), điểm ưu việt trong dự thảo Luật sửa đổi lần này đó là việc phân cấp phân quyền cho các địa phương rõ ràng.

Tuy nhiên cần gắn thêm trách nhiệm cụ thể, bổ sung thêm các quy định về hậu kiểm để đánh giá giám sát.

Chẳng hạn như Luật Đấu thầu hiện hành chưa quy định đầy đủ về quy trình kiểm tra giám sát xử lý vi phạm, đặc biệt là công tác kiểm tra kết quả thực hiện, kết quả thanh tra, kiểm tra giám sát.

Luật này mới chỉ tập trung quy định về chế tài xử lý đối với các hành vi vi phạm của nhà thầu, chủ đầu tư, chưa có quy định cụ thể về chế tài xử lý vi phạm đối với bên mời thầu, chủ đầu tư, người có thẩm quyền.

Đại biểu Hoàng Minh Hiếu (Đoàn Đại biểu Nghệ An) lưu ý, việc áp dụng kỹ thuật một luật sửa nhiều luật cũng có những hạn chế nhất định, mà nếu bị lạm dụng có thể ảnh hưởng rất nhiều đến hệ thống pháp luật.

Ông Hiếu đề nghị chỉ xem xét, thông qua những nội dung cấp bách, thực sự là điểm nghẽn, điểm vướng mắc đã được làm rõ, đã có sự thống nhất cao, không còn có nhiều ý kiến khác nhau.

Riêng về việc sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 23 Luật Nhà ở, ông Hiếu kiến nghị trước mắt chỉ sửa đổi, bổ sung để làm rõ và hiểu thống nhất về các hình thức sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại đã được Luật Nhà ở hiện hành quy định, tháo gỡ vướng mắc về trình tự, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư với thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Theo ông Hiếu, không nên bổ sung hình thức sử dụng đất không phải là đất ở làm dự án nhà ở thương mại vì vấn đề này cần có sự đánh giá tác động kỹ lưỡng.

Trong trường hợp cần thiết, có thể tiến hành thí điểm về nội dung này ở một số địa phương trước khi tổng kết, luật hoá khi sửa đổi toàn diện Luật Nhà ở, bảo đảm đồng bộ, thống nhất với Luật Đất đai sửa đổi.

Đồng tình với chủ trương phân quyền này, đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Đại biểu Hà Nội) cho rằng, điều đó đã thể hiện việc Chính phủ không ôm quyền về mình, mà giao quyền cho các đơn vị thực hiện.

Chính phủ sẽ đóng vai trò chỉ đạo, kiểm tra cuối cùng, khi đó sẽ tách bạch giữa chỉ đạo với thực hiện. Lúc đó sẽ hiệu quả và tăng thêm được năng lực cho các cơ quan.

Việc này cũng đồng thời giải quyết được vấn đề đang bức xúc hiện nay. Đó là việc tập trung vào Chính phủ nên thủ tục phải “vòng đi, vòng lại” nhiều lần.

Tuy nhiên, đại biểu Cường cũng bày tỏ sự băn khoăn việc sửa đổi khoản 1 Điều 75 Luật Đầu tư, thực chất là sửa đổi khoản 1 Điều 23 Luật Nhà ở.

Theo ông Cường, việc sửa đổi này thực chất đã mở rộng quyền cho những chủ đang sử dụng đất hợp pháp. Trước đây chỉ có đất ở, sau đó Luật Đầu tư sửa là có một phần đất ở, và đến lần này sửa đổi không cần đất ở chỉ cần đó là đất hợp pháp.

Việc sửa đổi này cũng sẽ giải quyết được nhanh khi công nhận chủ đầu tư. Tuy nhiên, hậu quả gây ra là sẽ tạo ra sự thất thoát rất lớn về nguồn lực của nhà nước.

Chính vì vậy, theo ông Cường, việc này phải hết sức cân nhắc. Nếu sửa đổi thì phải tính tiền đất theo giá trị thị trường.

[ad_2]