[ad_1]

Gần 12 năm qua, người dân vùng dự án tuyến đường tránh phía Nam thị xã Uông Bí thấp thỏm sống không chỉ vì tình trạng dự án ‘treo’ mà quyền trên chính mảnh đất của mình cũng bị ‘treo.’

Ngôi nhà bị bỏ hoang nhiều năm do không được cải tạo, sửa chữa. (Ảnh: Thanh Vân/TTXVN)

Người dân không được chuyển nhượng, cho, tặng, giao dịch… thực hiện các quyền trên chính mảnh đất của mình, đó là thực trạng tồn tại gần 12 năm nay tại vùng dự án Tuyến đường tránh phía Nam thị xã Uông Bí (nay là thành phố Uông Bí), tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 1.

Mắc kẹt trong chính nhà của mình

Tuyến đường tránh phía Nam thành phố Uông Bí giai đoạn 1, được Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh phê duyệt tại Quyết định số 2079/ QĐ-UBND ngày 9/7/2010.

Với tổng mức đầu tư trên 993.800 triệu đồng từ nguồn vốn ngân sách trung ương hỗ trợ, vốn từ nguồn thu cấp quyền sử dụng quỹ đất hai bên đường và các nguồn vốn huy động khác, do Ủy ban Nhân dân thành phố Uông Bí làm chủ đầu tư.

Tuyến đường dài 15,83km đạt tiêu chuẩn đường đô thị, nền đường rộng 38m, mặt cắt ngang nền đường 77m. Điểm đầu tuyến thuộc phường Đông Mai chạy qua hết địa bàn thành phố Uông Bí và kết thúc tại xã Hồng Thái Tây của thị xã Đông Triều.

Mục đích đầu tư tuyến đường là hoàn thiện hệ thống giao thông theo quy hoạch được duyệt; phục vụ nhu cầu đi lại, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân tại khu vực. Thế nhưng chưa thấy nâng cao mà chỉ thấy người dân sống thấp thỏm, bất an ngay trong chính ngôi nhà của mình.

Tại thành phố Uông Bí, tuyến đường quy hoạch đi qua các phường (Yên Thanh, Trưng Vương, Quang Trung, Phương Đông và Phương Nam). Đến nay địa phương này chưa rà soát được tổng số bao nhiêu hộ dân bị ảnh hưởng cả về đất ở và đất nông nghiệp. Tuy nhiên theo tính toán ban đầu có thể sẽ ảnh hưởng đến hàng ngàn hộ dân, với hàng trăm ha đất cần giải phóng mặt bằng để phục vụ thi công dự án.

Gia đình ông Hoàng Văn Đã, bà Vũ Thị Thi, ở Tổ 21 khu Núi Gạc, phường Yên Thanh có 1.800m thuộc diện đất ở và khoảng 4 sào đất nông nghiệp.

Sau khi cắm mốc, đo đạc, kiểm đếm gia đình ông bà được nói lại là toàn bộ diện tích trên nằm trong quy hoạch, không được sửa chữa, chuyển nhượng, mua bán…Do vậy gần 12 năm nay khi con cái của ông bà muốn tách thửa xây nhà chuyển về ở gần bố mẹ đều không làm được.

Bà Vũ Thị Thi cho biết sau khi kiểm đếm, đo đạc ở nhà bà xong thì dừng hẳn, không tiến hành ở các hộ khác trong khu nữa.

Chị Nguyễn Thị Thắm, Trưởng khu Trại Thành cho biết có người đến lúc mất vẫn không thể sang tên quyền sử dụng đất cho con. (Ảnh: Thanh Vân/TTXVN)

Chị Phạm Thu Huyền, con dâu của bà Thi bộc bạch, khi bán nhà ở nơi khác để về ở cùng với bố, mẹ chồng mới té ngửa là không được tách thửa, không được xây dựng, hay thay đổi hiện trạng trên đất. Cả nhà 5 người lớn bé phải sống ở căn chòi chưa đầy 20m xây tạm từ năm 2002.

Do đó, muốn lắp điện, nước riêng để giảm tải, giảm chi phí cũng không được, đành phải “lách luật” để đảm bảo thủ tục. Do nhà tạm nên nhiều năm sinh sống đã xuống cấp, bị thấm tường, ngói nứt…Chị Huyền lo lắng chẳng may bão to, gió lớn xảy đến căn nhà tạm khó mà trụ nổi, gia đình sống bất an nhiều năm nay.

Tại thị xã Quảng Yên, nhiều hộ dân ở phường Đông Mai bức xúc vì hàng chục năm nay nhà cửa bị xuống cấp muốn sửa chữa không được, bán không xong mà ở thì lo lắng.

Ông Nguyễn Văn Lợi, người dân Khu Trại Thành, phường Đông Mai chia sẻ, phần lớn diện tích nhà, đất của gia đình anh khi cắm mốc ở vị trí tim đường. Dự án treo nhiều năm khiến người dân muốn xây dựng không được, giả sử có được đền bù cũng khó để tìm được mảnh đất như hiện tại.

Chị Nguyễn Thị Thắm, Trưởng khu Trại Thành bức xúc chia sẻ ở khu dân cư này có khoảng gần 100 hộ bị ảnh hưởng; trong đó có gần 20 hộ bị ảnh hưởng đất ở. Nhiều năm nay các hộ dân muốn giao dịch cho, tặng, mua bán, sửa chữa rất khó khăn. Thậm chí có trường hợp ông Đ.V.D đã mất năm 2021 nhưng vẫn chưa sang tên được căn nhà cho con, chỉ vì đất nằm trong quy hoạch “treo.”

Nhiều lần điều chỉnh…“treo vẫn hoàn treo”

Sau 6 năm phê duyệt, dự án này vẫn “bất động”, người dân cứ ngỡ sẽ dừng lại. Thế nhưng đến ngày 22/7/2016, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh ra văn bản số 4404/ UBND-GT1 về việc tiếp tục triển khai đầu tư Tuyến đường tránh phía Nam thành phố Uông Bí theo hình thức BT (xây dựng-chuyển giao).

Tuy nhiên đến ngày 16/12/2016 Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh ra văn bản số 352/TB- UBND thông báo kết luận của ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh và xác định Tuyến quốc lộ 18 đã được Bộ Giao thông Vận tải đầu tư, cải tạo nâng cấp với quy mô 4 làn xe, đã hoàn thành đưa vào sử dụng.

Phòng Quản lý đô thị thành phố Uông Bí thông tin về bản đồ Quy hoạch định dự án Tuyến đường tránh phía Nam thành phố. (Ảnh: Thanh Vân/TTXVN)

Tuyến đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng-Hạ Long-Vân Đồn-Móng Cái đang được triển khai xây dựng, nên mục tiêu đầu tư tuyến đường tránh phía Nam thành phố Uông Bí để giảm lưu lượng xe trên quốc lộ 18 đoạn qua địa phương này không còn phù hợp. Cần xem xét tuyến đường này trong tổng thể để quy hoạch phát triển không gian đô thị và quy hoạch chung xây dựng thành phố để xác định lại hướng tuyến và quy mô.

Gần 12 năm người dân bị “mắc kẹt” trên chính mảnh đất, ngôi nhà của mình, muốn bán để dời đi nơi khác cũng không xong. Có hộ đang xây dựng dở dang thì dự án “ập” đến không thể tiếp tục thi công, có nhiều hộ nhà xuống cấp không bán được, không sửa được đành bỏ hoang.

Tất cả họ mong nhận được câu trả lời sẽ dừng hay tiếp tục triển khai dự án để “an cư lạc nghiệp.”

Thế nhưng tại quyết định 828/QĐ-UBND ngày 18/3/2021 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh, Tuyến đường tránh phía Nam thành phố Uông Bí vẫn tiếp tục được đưa vào quy hoạch vùng Đông Triều-Uông Bí-Quảng Yên đến năm 2040, tầm nhìn 2050, quy mô mặt cắt ngang của tuyến đường từ 77m giảm xuống còn 44m.

Tuy nhiên có một điều lạ là dự án tồn tại gần 12 năm, người dân thì sống bất an trong dự án “treo lơ lửng” nhưng Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng thành phố Uông Bí lại chưa được giao nhiệm vụ triển khai dự án này và trong Nghị quyết về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 được Hội đồng Nhân dân thành phố Uông Bí thông qua cuối năm 2021 cũng không có danh mục bố trí vốn cho tuyến đường này.

Trong khi quy hoạch chung thành phố Uông Bí đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh có chủ trương và phê duyệt dự án đầu tư tuyến đường ven sông kết nối từ đường cao tốc Hạ Long-Hải Phòng đi thị xã Đông Triều quy mô 10 làn xe (vị trí tuyến đường ven sông chạy song song với tuyến đường tránh, khoảng cách ở một số điểm nối chỉ khoảng 1km).

Với thực tế này nhiều ý kiến của các nhà chuyên môn và người dân đều cho rằng cần phải đánh giá lại sự cần thiết và tính hiệu quả của dự án đường tránh. Nên hay không nên tiếp tục đầu tư vào tuyến đường này khi nó sẽ phải dùng đến nguồn ngân sách khủng trong khi đã có tuyến đường song song?

Ông Vũ Hoài Sơn, Bí thư, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường Đông Mai (thị xã Quảng Yên), đại diện lãnh đạo Ủy ban Nhân dân thành phố Uông Bí và hàng loạt hộ dân trong vùng dự án cùng đề xuất nếu dự án không bố trí được nguồn kinh phí trong thời gian tới để triển khai thì nên thu hồi lại quyết định chủ trương đầu tư và xem xét lại quy hoạch.

Lãnh đạo Ủy ban Nhân dân thành phố Uông Bí khẳng định thành phố Uông Bí không khống chế việc thực hiện các quyền trên đất của người dân trong vùng dự án vì Hội đồng nhân dân tỉnh chưa ban hành Nghị quyết về danh mục dự án thu hồi đất, chưa có thông báo thu hồi đất nên người dân vẫn được thực hiện quyền trên đất như bình thường.

Như vậy, một câu hỏi lớn được đặt ra là trách nhiệm thuộc về ai? Khi gần 12 năm qua người dân thấp thỏm sống không chỉ ở trong dự án “treo” mà quyền trên chính mảnh đất của mình cũng bị “treo”?

Tại khoản 33 Điều 1 Luật Xây dựng 2014 sửa đổi 2020 có hiệu lực từ ngày 1/1/2021 quy định như sau: Trường hợp sau 3 năm kể từ ngày công bố kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện, cơ quan nhà nước có thẩm quyền chưa có quyết định thu hồi đất hoặc chưa cho phép chuyển mục đích sử dụng đất theo kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện đã được công bố mà không điều chỉnh, hủy bỏ hoặc có điều chỉnh, hủy bỏ nhưng không công bố việc điều chỉnh, hủy bỏ kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện thì người sử dụng đất được quyền đề nghị cấp giấy phép xây dựng có thời hạn theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.”

Thông tấn xã Việt Nam sẽ tiếp tục theo dõi, tìm hiểu và thông tin thêm về vấn đề này./

Nguồn: https://cafeland.vn/tin-tuc/quang-ninh-nguoi-dan-vung-du-an-song-mon-vi-quy-hoach-treo-108061.html

[ad_2]