[ad_1]

Dự án Nhà máy xi măng Nam Đông ở Thừa Thiên Huế với tổng vốn đầu tư 4.437 tỷ đồng đã bỏ hoang hàng chục ha đất suốt 13 năm trong khi người dân thiếu đất sản xuất.

Dự án Nhà máy xi măng Nam Đông do Công ty Cổ phần Đầu tư xi măng Nam Đông – Việt Song Long làm chủ đầu tư, thực hiện trên diện tích 40ha đất tại thôn 3 và thôn 5 xã Thượng Quảng, huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Dự án có tổng vốn đầu tư 4.437 tỷ đồng, khởi công vào tháng 3/2009, cam kết hoàn thành vào năm 2011.

Khu nhà điều hành dự án Nhà máy xi măng Nam Đông bỏ hoang trong thời gian dài đã xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: Võ Dũng.

Khi khởi công dự án, chủ đầu tư hứa hẹn sẽ giải quyết việc làm cho lượng lớn lao động tại huyện miền núi Nam Đông và đóng góp vào ngân sách tỉnh mỗi năm hàng trăm tỷ đồng. Tuy nhiên, sau đó, dự án chỉ xây dựng khu nhà điều hành và hệ thống tường rào rồi bỏ hoang đất. Trải qua thời gian dài, hiện khu nhà điều hành dự án đã xuống cấp, hoang tàn.

Theo UBND xã Thượng Quảng, khi nghe tin dự án sắp triển khai thực hiện, chính quyền và người dân ở xã rất phấn khởi bởi tin tưởng dự án sẽ giải quyết công ăn việc làm, góp phần thay đổi kinh tế- xã hội ở địa phương.

Vì vậy, 40 hộ dân thôn 3 và thôn 5 với hàng trăm nhân khẩu đã đồng ý di dời nhà cửa, vườn tược đến khu tái định cư để nhường đất cho dự án. Vậy nhưng, những gì diễn ra sau đó đã gây thất vọng rất lớn.

Ông Đinh Hồng Lam – Chủ tịch UBND xã Thượng Quảng cho biết, trước thực trạng dự án bỏ hoang đất trong thời gian dài trong khi người dân thiếu đất sản xuất, UBND xã đã có văn bản kiến nghị cấp trên thu hồi đất giao lại cho dân.

Qua các đợt tiếp tiếp xúc cử tri, người dân cũng liên tiếp kiến nghị về vấn đề này nhưng rồi nguyện vọng của dân vẫn chưa được giải quyết.

Khu nhà điều hành dự án Nhà máy xi măng Nam Đông trở thành nơi chăn thả trâu bò của người dân địa phương. Ảnh: Võ Dũng.

Hộ ông Trần Oánh có 6.000 m2 đất ở, đất vườn bị thu hồi để thực hiện dự án Nhà máy xi măng Nam Đông. Ông Oánh cho biết, gia đình ông cũng như các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án được cấp tái định cư khoảng 2.000 m2 đất ở, đất vườn.

Tuy nhiên, khu tái định cư được đắp bằng đất đá lấy từ núi cao nên không thể canh tác, cây ăn quả trồng cả chục năm nhưng luôn trong tình trạng còi cọc.

“Nếu muốn trồng cây, trồng rau trên đất khu tái định cư thì dân phải bỏ tiền mua đất màu về đổ một lớp phía trên nhưng chẳng ai làm được vì không có tiền. Mặt khác, nơi ở mới của chúng tôi rất khó khăn về nguồn nước, nước giếng ở đây nhiễm phèn nặng.

Do đời sống quá cơ cực nên một số hộ đã chuyển đi sinh sống nơi khác. Nếu dự án không tiếp tục triển khai thì mong Nhà nước trả lại đất để người dân sản xuất, ổn định cuộc sống”, ông Oánh nói.

Theo Sở KHĐT tỉnh Thừa Thiên Huế, dự án Nhà máy xi măng Nam Đông được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cấp giấy chứng nhận đầu tư lầu đầu ngày 4/1/2008, thay đổi lần thứ nhất vào tháng 5/2010.

Trước việc dự án chậm tiến độ so với cam kết, chủ đầu tư đã có văn bản đề nghị gia hạn tiến độ và được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đồng ý chủ trương gia hạn tại Công văn số 4694/UBND-XD ngày 26/10/2011. Sau khi được gia hạn, chủ đầu tư vẫn không tiếp tục triển khai thực hiện dự án.

Hàng chục ha đất cấp cho dự án Nhà máy xi măng Nam Đông bỏ hoang suốt 13 năm trong khi người dân thiếu đất sản xuất. Ảnh: Võ Dũng.

Vào ngày 3/4/2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Công văn số 485/TTg-KTN về việc rà soát, điều chỉnh tiến độ các dự án nhà máy xi măng theo quy hoạch, trong đó, dự án Nhà máy xi măng Nam Đông được giãn tiến độ sang giai đoạn sau năm 2015.

Tiếp đó, ngày 28/8/2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Công văn số 1592/TTg-KTN về việc rà soát các dự án đầu tư xây dựng nhà máy xi măng trong quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam. Theo văn bản này, dự án Nhà máy xi măng Nam Đông hoãn triển khai thực hiện.

Ông Phan Quốc Sơn – Phó Giám đốc Sở KHĐT tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: Vào ngày 1/3/2019, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế có tờ trình số 1072/TTr-UBND gửi Thủ tướng Chính phủ về việc đề nghị tiếp tục thực hiện đầu tư dự án Nhà máy xi măng Nam Đông. Trên cơ sở làm việc với tỉnh, ngày 18/6/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Thông báo kết luận số 212/TB-VPCP.

Theo đó, để dự án được xem xét triển khai thì phải được rà soát tiến độ, lựa chọn nhà đầu tư có đủ năng lực tài chính, công nghệ, bảo vệ môi trường và đảm bảo các điều kiện cần thiết khác.

Nhưng đến nay, dự án vẫn bỏ hoang như Dân Việt đã phản ánh ở trên.

Hiện Sở KHĐT đang phối hợp với các sở ngành làm việc với nhà đầu tư rà soát các nội dung liên quan theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh để tham mưu phương án xử lý phù hợp.

[ad_2]