[ad_1]


Đời người là thành hay bại đều phụ thuộc vào thái độ của chính mình. Bạn nhìn đời qua lăng kính nào thì sẽ cho ra màu sắc đó. Vậy hà cớ chi không chọn cho mình những sắc màu tươi sáng, trong trẻo hơn?

Những câu chuyện nhỏ dưới đây hi vọng có thể giúp bạn có được cái nhìn mới hơn, lạc quan hơn về cuộc sống của chính mình.

1. Thay đổi lập trường, suy nghĩ

Có một người mù đến nhà bạn thân chơi. Sau khi dùng cơm tối xong xuôi, người mù chuẩn bị ra về. Lúc ấy, chủ nhà mới đưa cho anh ta một chiếc đèn pin và nói: “Trời tối không nhìn thấy đường, anh cầm cái đèn này soi đường cho sáng rồi về“.

Người mù chau mày trong giây lát rồi nói: “Anh biết rõ tôi là một người mù còn chuẩn bị đèn soi đường chẳng phải là cười nhạo tôi sao?“.

Vị chủ nhà mỉm cười, đáp: “Anh hiểu nhầm ý tôi rồi. Anh đi đường, nhiều người khác cũng đi đường. Soi đường không phải để cho anh nhìn mà để người khác trông thấy không đâm vào anh“.

Người mù bấy giờ mới ngẩn người ngộ ra.

Suy ngẫm: Cổ nhân nói, người ta đến tuổi 40 thì không còn chuyện gì làm cho mê hoặc, đến tuổi 50 thì đã biết được mệnh Trời. Khi đến tuổi trung niên, hãy suy xét vấn đề một cách trầm tĩnh hơn. Làm người chính là cần phải học cách đứng từ nhiều góc độ khác nhau mà nhìn nhận cuộc đời. Như vậy bạn vừa có thể hiểu thấu được ý tốt của người khác, lại vừa có thể tránh được phiền não trong lòng.

2. Biết cách sống lạc quan

Ba người công nhân đang xây một bức tường, có người đi ngang qua hỏi: “Các anh đang làm gì vậy?“.

Người thứ nhất cau có trả lời: “Anh không nhìn thấy sao? Xây tường chứ làm gì nữa!“.

Người thứ hai bình thản nói: “Chúng tôi đang xây dựng một cao ốc“.

Người thứ ba mỉm cười rạng rỡ bảo: “Chúng tôi đang xây dựng một thành phố mới”.

10 năm sau…

Người thứ nhất vẫn đang xây một bức tường khác trên công trường mới. Người thứ hai làm kỹ sư xây dựng, đang ngồi ở văn phòng thiết kế công trình. Còn người thứ ba chính là ông chủ của hai người kia.

Suy ngẫm: Một tinh thần lạc quan sẽ giúp cuộc sống bạn thực sự tươi đẹp hơn. Người càng lạc quan thì thân thể càng khỏe mạnh, tinh thần càng minh mẫn. Khi đối mặt với khó khăn, người lạc quan thường sớm tìm ra được lối thoát. Bởi vì họ nhìn đời bằng một lăng kính tích cực nên những điều may mắn cũng sẽ đến. Nguyễn Du viết: “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” chính là có ý tứ đó.

3. Học cách khoan dung

Có một cậu bé tính khí nóng nảy, hẹp hòi, thường hay cáu giận. Một hôm người cha đưa cho cậu bé một túi đinh, chiếc búa và dẫn đến chiếc bảng gỗ sau nhà. Cha cậu nói: “Sau này mỗi lần con không kiềm chế được cảm xúc hay nổi giận làm tổn thương ai, hãy đóng một chiếc đinh lên bảng“.

Ngày thứ nhất cậu đã đóng rất nhiều đinh lên bảng nhưng qua mỗi ngày số đinh trên bảng đã ít dần đi. Cậu phát hiện rằng tính khí của mình cũng ngày một tốt hơn. Cậu học được cách khống chế cảm xúc và nhận ra chuyện đó còn dễ hơn cả đóng đinh lên bảng.

Sau cùng, cho đến một ngày cậu đã không còn phải đóng chiếc đinh nào lên bảng nữa. Cậu đem sự việc kể với cha mình. Cha cậu lại nói: “Từ nay, cứ mỗi khi con làm được một việc tốt, giúp người khác vui, hãy nhổ một chiếc đinh ra“.

Ngày qua ngày, số đinh trên bảng lại không ngừng ít đi cho đến một hôm tất cả đều đã được nhổ hết. Người cha nắm lấy tay cậu bé, đứng trước chiếc bảng nói: “Con trai ngoan của cha, con đã làm được rất tốt. Nhưng con hãy nhìn những cái lỗ trên tấm bảng này mà xem! Nó vĩnh viễn không thể nào hết được. Cũng giống như khi con làm tổn thương người khác vậy, cũng sẽ để lại những vết thương không thể xóa trong lòng họ”.

Suy ngẫm: Làm người cần phải học cách khống chế cảm xúc bản thân, ngay cả khi tức giận cũng vẫn phải biết lý lẽ một chút. Mà rốt cuộc tức giận cũng chỉ là làm tổn thương người và tự đả thương mình mà thôi, dù gì cũng đều không có lợi. Nếu có thể khoan dung, độ lượng với những sai sót của người khác, bạn sẽ cảm nhận được chính cuộc sống của mình cũng sẽ tươi đẹp hơn. Tuổi trung niên càng phải độ lượng hơn bởi lúc này bạn đã không còn cái vồn vã, xốc nổi thời thanh xuân, tâm tình đã trầm ổn, đã biết cách nhìn nhận mọi chuyện bình hòa hơn.

4. Thay đổi quan niệm

Có người thợ mộc đốn hạ một chiếc cây, sau đó làm ra 3 chiếc thùng gỗ. Một chiếc đựng phân, gọi là thùng phân, ai thấy cũng đều tránh xa. Một chiếc đựng nước, gọi là thùng nước, mọi người đều dùng. Một chiếc đựng rượu, gọi là thùng rượu, là thức uống của nhiều người.

Đều là một chiếc thùng nhưng chứa những thứ khác nhau sẽ có vận mệnh khác nhau, có cái bị xa lánh, ghét bỏ, có cái lại được yêu quý, luôn đặt bên mình. Chẳng phải đời người cũng vậy sao?

Suy ngẫm: Người ta mang trong mình quan niệm thế nào thì số phận cũng sẽ chiểu theo thế đó. Chớ dùng những quan niệm cũ để sống cuộc đời hiện tại. Hãy học cách thích nghi với cuộc sống mới mỗi ngày.

Theo dkn.tv

 

Xem thêm

[ad_2]