[ad_1]
Chúng ta thân sống tại xã hội, cũng giống như một người lái xe trên đường, đường có lúc thẳng lúc cong, lúc bằng phẳng nhưng cũng có lúc gập ghềnh. Khi gặp sự cố không may bị ngã xuống hố, thì nên xem lại bản thân mình đã đi không cẩn thận thay vì trách cách cái hố nằm không đúng chỗ…
Có một thanh niên trẻ sau khi gặp bế tắc trong cuộc sống, bèn tìm đến một ngôi chùa nọ, bộc bạch với vị thiền sư, nói:
“Bản thân con là một người thẳng thắn, bộc trực, có sao nói vậy nên lời nói ra thường hay đắc tội với người khác, cũng từ đó mà dẫn tới công ăn việc làm không được thuận lợi. Sau khi tốt nghiệp đại học bắt đầu bước chân vào xã hội, nhưng đường càng đi càng khó, áp lực tứ bề. Cảm giác như con người ngày nay không còn thích nghe lời chân thật nữa, họ chỉ thích nghe những lời xu nịnh giả dối. Con người như vậy thì tương lai sau này biết phải sống ra sao? Cho nên con muốn lên núi đi tu sống đời ở ẩn, xa rời nhân thế”.
Thiền sư nghe xong mới kể cho chàng trai một câu chuyện:
“Năm xưa thiền sư Nam Nhạc Hoài Nhượng gặp Mã Tổ Đạo Nhất, người mà sau này làm đệ tử của ngài. Nam Nhạc Hoài Nhượng thấy Mã Tổ Đạo Nhất ngày ngày ngồi thiền trong am bèn đến chào hỏi nhưng Mã Tổ Đạo Nhất không đoái hoài gì mà cứ tĩnh thiền đả toạ. Nam Nhạc thấy vậy mới đem một viên ngói đến ngồi trước mặt Mã Tổ mài ngói.
Sau một hồi lâu, Mã Tổ không nhẫn được mới hỏi: “Ngài mài ngói để làm gì?”
Nam Nhạc trả lời: “Tôi mài ngói làm gương”.
Mã Tổ: “Ngói mài sao có thể thành gương? Ngài thật khéo nói đùa”.
Nam Nhạc: “Thế còn ngài ngồi đây làm gì?”
Mã Tổ: “Tôi ngồi thiền để thành Phật”.
Nam Nhạc: “Ngói không thể mài để thành gương, vậy lẽ nào ngồi thiền có thể thành Phật được sao?”
Mã Tổ: “Vậy phải làm sao mới đúng?”
Nam Nhạc: “Ví như bò kéo xe mà xe không đi thì phải đánh xe hay đánh bò?”
Mã Tổ: “Đương nhiên là phải đánh bò rồi”.
Nam Nhạc: “Vậy chả phải hiện nay ông đang đánh xe đó sao?”
Thiền sư từ tốn nói tiếp với chàng trai: “Chúng ta tự thân là bò, điều kiện khách quan là xe, vậy phải đánh xe hay đánh bò? Mạnh Tử từng nói: “Hành hữu bất đắc, phản cầu chư kỉ” (Phàm làm việc gì mà không thành công, gặp trắc trở thì cần xem lại bản thân). Khi làm việc mà gặp trở ngại thì điều cần làm không phải là oán trách người khác mà cần phải nhìn lại bản thân, tìm sai sót ở chính nơi mình”.
Chàng trai trẻ vẫn chau mày ủ rũ: “Bản tính của con sinh ra đã bộc trực, thẳng thắn, làm người có sao nói vậy, giờ bảo thay đổi khó mà làm được”.
Thiền sư đáp: “Vốn dĩ thẳng thắn và bộc trực không phải khuyết điểm, thậm chí đây là cảnh giới của người tu Đạo. Chỉ có điều:
Nói chuyện với người khác nhau, hoàn cảnh khác nhau thì cần chú ý thái độ và phương thức khác nhau.
Nói với người già thì không được quên đi sự tự tôn của họ.
Nói với người đàn ông thì không được quên đi thể diện của họ.
Nói với phụ nữ thì đừng quên đi sắc thái của họ.
Nói với cấp trên thì đừng quên đi sự tôn nghiêm của họ.
Nói với người trẻ đừng quên đi trực diện của họ.
Nói với trẻ nhỏ thì đừng quên đi sự ngây thơ của chúng.
Dùng một loại thái độ cứng nhắc mà đối đãi với xã hội thì tất nhiên sẽ gặp trở ngại…”.
Chàng trai lại khăng khăng giãi bày: “Con đối với cuộc sống chỉ còn lại sự sợ hãi và bi quan, cảm giác như mọi người trong xã hội bây giờ toàn lọc lừa dối trá, vị tư…, không cách nào thay đổi được họ”.
Thiền sư vẫn ung dung trả lời: Chúng ta thân sống tại xã hội, cũng giống như một người lái xe trên đường, đường có lúc thẳng lúc cong, lúc bằng phẳng nhưng cũng có lúc gập ghềnh. Khi gặp sự cố không may bị ngã xuống hố thì nên xem lại bản thân mình đã đi không cẩn thận thay vì trách cách cái hố nằm không đúng chỗ. Những nguyên nhân khách quan bên ngoài đó là những thứ nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta. Chính vì vậy, cải thiện bản thân mới là cách thông minh vẹn toàn nhất”.
Qua câu chuyện ở trên, có thể thấy rằng trên đời này có 3 loại sự việc vô ích nhất:
1. Bình luận người khác
Chí hướng, thái độ lập trường và kiến thức, năng lực của người khác như thế nào, tướng mạo của họ ra sao không liên quan gì đến bạn. Bạn không nên dùng tiêu chuẩn của bản thân để áp đặt làm tiêu chuẩn cho người khác, càng không nên yêu cầu người khác phải phù hợp theo tiêu chuẩn của mình. Kỳ thực tư tưởng tình cảm của một người là luôn không ngừng thay đổi, không ai có thể bảo đảm rằng quan điểm và thái độ của mình là vĩnh viễn bất biến cả.
Có rất nhiều người không nhận thức được rằng mình cũng có sai phạm, mà luôn hy vọng mình vĩnh viễn đúng. Thực tình là đã không biết rằng, điều này là rất nguy hiểm! Ngoài ra nó còn đem lại cho chúng ta và cả người khác áp lực và sự thống khổ rất lớn. Vì vậy, lúc mà bạn muốn ‘gân cổ lên’ để tranh luận đúng sai, hãy hỏi lại mình xem làm như vậy có thực sự tốt không? Nó thực sự đem lại lợi ích cho cả mình và người khác sao?
2. Trách cứ
Trách người khác chỉ đem lại bất hạnh, không vui cho bạn mà thôi. Không ngừng nói người khác không mang lại hạnh phúc cho mình, như thế chỉ chứng tỏ một điều rằng bạn là người không có trách nhiệm với cuộc sống của bản thân. Hạnh phúc một khi phải phụ thuộc vào người khác thì khi người khác không cho là bạn sẽ không thể có được nó.
Vậy nên, đừng đi trách cứ người khác, cũng đừng dựa vào cảm nhận của mình để đi oán trách người khác. Nếu chỉ biết trách cứ người khác có thể bạn sẽ làm hại họ.
3. Lo lắng
Rất nhiều người sở dĩ thống khổ là bởi vì họ luôn nghĩ đến những điều xấu, điều tiêu cực đã xảy ra. Nếu một việc gì đó không đúng đắn hay mình đã làm sai, đã nhận thức được rồi thì hãy nhìn về phía trước để bước tiếp. Nếu chỉ ngồi đó mà lo lắng thì bạn sẽ chỉ chìm trong sự đau khổ mà thôi!
Việc này có lẽ mình không đủ năng lực để làm? Hãy buông bỏ suy nghĩ này, bởi vì nó sẽ khiến bạn bị hạn chế trong một vòng cấm. Hãy mở rộng cách suy nghĩ ra, có thể bạn sẽ còn bay cao hơn những gì bạn nghĩ đấy!
Có câu nói rằng “Thái độ của người khác chính là phản ánh con người bạn”, đúng là như vậy. Khi một ai đó khó chịu hay nặng lời với bạn, thì thay vì trách cứ họ, bạn hãy nhìn lại chính mình, hãy tự hỏi phải chăng chính mình cũng đã từng như vậy?
Nhiều khi, không phải người khác coi thường bạn, gây khó dễ cho bạn, mà là do bạn quá tệ, khiến người ta không hài lòng. Vậy nên, thái độ của người khác chính là tấm gương phản chiếu chính bản thân bạn.
Vậy nên, thay vì bình luận, trách cứ người khác hay là lo lắng về bản thân mình, thì trước tiên chúng ta hãy nhìn lại và thay đổi bản thân mình. Nếu mỗi ngày tâm tính đều tốt lên, tâm hồn càng thêm trong sáng và rộng mở, nụ cười lạc quan không ngừng nở trên môi… thì không còn cớ gì mà thế giới không chào đón bạn!
[ad_2]