[ad_1]

Câu chuyện khiến bạn đọc không khỏi xót xa về ông Lê Sỹ Ngũ tại xã Lưu Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An, sống trong vùng quê nghèo khó, gần bốn thập kỷ đi đòi lại mảnh đất, mà trước kia chỉ vì thường bạn, đồng ý cho ở nhờ. Đến nay dù người bạn năm xưa đã về nơi chín suối nhưng mảnh đất năm đó thì có nguy cơ mất trắng.

Ông Ngũ chia sẻ: “Quá trình ở nhờ trên mảnh đất nhà tôi, ông Hồng không có hộ khẩu thường trú cũng chưa hề đóng thuế hay các khoản đóng góp gì của địa phương”

Năm 1978, sau khi được vợ chồng ông Ngũ đồng ý cho ở nhờ trên mảnh đất mà ông cha để lại, dù cho nhà ông Thái Lam Hồng đã ở nhờ lâu dài nhưng hàng năm ông Ngũ vẫn thực hiện nộp thuế đất đầy đủ. “Cho đến năm 2000, gia đình được UBND huyện Đô Lương cấp giấy chứng nhận (GCN) quyền sử dụng đất (QSDĐ), cấp đổi năm 2010 và tiếp đó tách thửa cho con trai năm 2011. Tất cả những biến động đó đều theo đúng trình tự, đúng quy trình” – ông Ngũ chia sẻ.

Sau 1982, khi hai vợ chồng ông Ngũ ly hôn thì vợ ông là bà Nguyễn Thị Liên ở trên mảnh đất mà gia đình đã cho ông Hồng ở nhờ trước đó. Thời điểm này, các con ông Hồng góp tiền xây ngôi nhà kiên cố vì thế bà Liên không đồng ý. Cả hai bên xảy ra xô xát. Bà Liên đã kiện ông Hồng.

Tại Bản sơ thẩm số 05 ngày 12/12/1983 của TAND huyện Đô Lương đã quyết định buộc ông Hồng phải dời nhà khỏi mảnh đất mà bà Liên đang ở và giao cho UBND xã Lưu Sơn giải quyết.

Bản án phúc thẩm 06 ngày 25/2/1984 hủy bản án sơ thẩm do ông Ngũ, bà Liên, ông Hồng đã tự thỏa thuận được với nhau. Bà Liên chuyển đi nơi khác ở đồng thời giao lại toàn bộ nhà cửa ruộng vườn phần của mình được hưởng cho con trai và ông Ngũ.

Ông Hồng vẫn tiếp tục ở lại trên thửa đất nhà ông Ngũ như trước. Cho đến năm ông Hồng chết, cứ nghĩ đơn giản khi các con đã trưởng thành ông Ngũ đề nghị với ông Thái Lam Dũng con trai ông Hồng di dời tài sản và trả lại đất cho gia đình. Từ đó, hai bên tiếp tục xảy ra tranh chấp.

Ông Dũng cho rằng đất đó là tài sản của bố để lại cho 8 anh chị em.

UBND xã Lưu Sơn không ít lần gửi công văn và thông báo lên Báo Pháp luật Việt Nam 3 số đề nghị ông Dũng về giải quyết trả lại đất cho gia đình ông Ngũ, nhưng 2 năm liên tiếp ông Dũng không về cũng không trả lời.

Ông Ngũ chia sẻ: “Đất của bố mẹ để lại cho tôi khi tôi lập gia đình để ra ở riêng, từ thời ông cha tôi ở đây mấy chục năm, trong khi đó tôi luôn chấp hành tất cả nghĩa vụ đóng thuế theo quy định của Nhà nước, và đã được chính quyền cấp sổ đỏ. Trong đó, quá trình ở nhờ trên mảnh đất nhà tôi, ông Hồng không có hộ khẩu thường trú cũng chưa hề đóng thuế hay các khoản đóng góp gì của địa phương”.

Theo tài liệu chúng tôi hiện có, ông Ngũ đã có đủ căn cứ chứng minh về nguồn gốc đất đến việc thực hiện nghĩa vụ đóng thuế đất. Từ thời bố mẹ đã sống tại đó có xác nhận của các hộ liền kề giáp ranh, đã đủ điều kiện và được cơ quan có thẩm quyền cấp GCNQSDĐ.

Bản án sơ thẩm số 16 ngày 29/9/2020 của TAND tỉnh Nghệ An đã căn cứ theo bản đồ 299 được lập năm 1996 do UBND xã cung cấp, đối chiếu với sơ đồ thẩm định tại chỗ ngày 17/9/2018 được thể hiện 02 thửa đất là 170a có diện tích 132m2 còn thửa 170b có diện tích 100m2 xác định phù hợp với vị trí trong bản đồ 299.

Tuy nhiên, theo bản đồ năm 1999 của UBND huyện Đô Lương cung cấp thời điểm đó chỉ có 01 thửa đất duy nhất. Cho đến năm 2011 gia đình ông Ngũ tách đất cho con trai thì thửa đất đó được tách với diện tích như sau: Phần diện tích hơn 100m2 tương ứng với thửa 170a còn lại 239,6m2 là phần diện tích phía trước vợ chồng ông đang sử dụng từ đó cho đến nay tương ứng với thửa 170b theo bảo đồ 1999 mà bản án sơ thẩm đã căn cứ.

Để đối chiếu bản đồ năm 2018 với bản đồ 1996 là không chính xác với diện tích như đã nêu trong bản án sơ thẩm.

Theo đó, quan sát bằng mắt thường ai cũng có thể nhìn thấy và đặt câu hỏi về hai tờ ban đồ năm 1996 và 2018 có phải là 1? Vì không thể nào phần diện tích thửa 170b là 100m2 mà lớn hơn phần diện tích của thửa 170a là 132m2. Mặt khác, tại nhận định của viện kiểm sát còn căn cứ và sổ mục kê để xác nhận được tính hợp pháp của thửa đất đó.

Tuy nhiên tại Quyết định số 499QĐ/ĐC ngày 27/7/1995 của Tổng cục Địa chính về ban hành quy định mẫu sổ địa chính, sổ mục kê, sổ cấp GCNQSDĐ, sổ theo dõi biến động: Tại Điều 3, 4 Phần II sổ mục kê đất hướng dẫn rõ về lập sổ và quy cách lập sổ. Ngoài ra, sổ mục kê được lập thành 3 bộ; 1 bộ lưu tại sở địa chính; 1 bộ lưu tại phòng địa chính cấp huyện; còn 1 bộ lưu tại trụ sở UBND xã do cán bộ địa chính trục tiếp quản lý.

Cho đến nay áp dụng Luật Đất đai 2013 không còn lưu giữ quy định về sổ mục kê là gì, thay vào đó tại khoản 1 Điều 20 Thông tư 25/2014/TT-BTNMT quy định về sổ mục kê như sau: Sổ mục kê đất đai được thành lập để liệt kê các thửa đất và đối tượng chiếm đất, không tạo thành thửa đất theo kết quả đo vẽ lập, chỉnh lý bản đồ địa chính, trích đo địa chính thửa đất trong phạm vi hành chính cấp xã”.

Với những tình tiết trên, viện kiểm sát và TAND tỉnh Nghệ An từ thời điểm trước năm 2003 để áp dụng Luật Đất đai năm 2013 là không hợp lý.

Trưởng Công an xã Lưu Sơn – Đại úy Lê Thái Bắc xác nhận tại Văn bản số 08 về việc cung cấp thông tin trả lời công văn ngày 19/6/2020 của TAND huyện Đô Lương như sau: “Ông Thái Lam Hồng sinh năm 1928. Từ trước cho đến trước năm 1999 gia đình ông Hồng sinh sống tại thửa đất tranh chấp… Gia đình có hộ khẩu thường trú tại xóm Diên Tiên, xã Lưu Sơn, huyện Đô Lương. Tuy nhiên do thời gian đó lâu, không xác định được gia đình ông Hồng có bao nhiêu thành viên đăng ký hộ khẩu vào thời điểm đó… Trước năm 1999, gia đình ông Hồng đã làm thủ tục chuyển khẩu vào miền Nam còn cụ thể về thời gian chuyển khẩu và chuyển đến địa chỉ nào thì địa phương không rõ. Năm 1999, ông Hồng về thăm quê thì bị bệnh hiểm nghèo chết… Từ năm 1999 đến nay gia đình ông Hồng không làm thủ tục đăng ký tạm trú, thường trú trên địa bàn”.

Có thể nói đây là một văn bản xác nhận có quá nhiều mâu thuẫn và mơ hồ của Trưởng Công an xã. Trong khi trước đó ông Dũng, con trai ông Hồng từng xác nhận năm 2012 mới chuyển đi làm ăn xa. Đáng nói hơn, là người có trách nhiệm quản lý nhân khẩu mà trong văn bản, Trưởng Công an xã không xác định cũng như không cung cấp được thông tin cụ thể về các mốc thời gian đến và đi của nhân khẩu đã sinh sống ổn định lâu dài địa bàn mình phụ trách thì thật đáng ngại!

Ngoài chi tiết đó, trong bản án sơ thẩm cũng căn cứ, nhận định ông Hồng và các con sử dụng phần diện tích (ở nhờ) liên tục, ngay tình công khai hơn 30 năm mà phía gia đình ông Ngũ không hề khiếu nại, tranh chấp nhằm đảm bảo quyền và lợi ích của ông Hồng cũng như các con, giao ngôi nhà đồng thời trích ½ diện tích thửa đất đang tranh chấp cho các con ông Hồng vì có công tôn tạo, bảo vệ và làm cho giá trị công năng của mảnh đất tăng!

Khoản 1 Điều 101 Luật Đất đai 2013 quy định việc cấp GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất mà không có giấy tờ về QSDĐ được thực hiện như sau: 1. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất trước ngày Luật Đất đai 2013 có hiệu lực thi hành mà không có các giấy tờ theo quy định, có hộ khẩu thường trú tại địa phương và trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối tại vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, nay được UBND cấp xã nơi có đất xác nhận là người đã sử dụng đất ổn định, không có tranh chấp thì được cấp GCN QSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và không phải nộp tiền sử dụng đất.

Trường hợp của gia đình ông Hồng có hộ khẩu thường trú trên địa bàn như Đại úy Lê Thái Bắc xác nhận là không đủ tính thuyết phục, cũng không đủ căn cứ. Một văn bản có tính chất mơ hồ, xác nhận gia đình ông Hồng không còn ở địa phương từ trước năm 1999 nhưng không chỉ được đó là năm nào, làm cho người đọc hoang mang. Như vậy, theo bản án sơ thẩm áp dụng vào tính sống ổn định là không có cơ sở, không phù hợp theo khoản 1 Điều 101 Luật Đất đai 2013 quy định.

Ngoài ra, bản đồ năm 1996 và bản đồ 2018 giống nhau như 1, từ thông tin thửa đất cho đến diện tích của các hộ lân cận. Tuy nhiên, trước đó, năm 1999, toàn bộ khu dân quanh nhà ông Ngũ vẫn chưa được thống kê số liệu trên bản đồ mà trước đó bản đồ 1996 lại chỉ rất rõ. Hơn nữa, diện tích 100m2 thửa đất 170b không thể lớn hơn diện tích của thửa 170a là 132m2 được!

Chưa kể, “miền Nam” chỉ dùng để phân biệt các miền trong cả nước, chứ không phải tên một tỉnh, thành như Đại úy Lê Thái Bắc xác nhận. Một văn bản là một phương tiện truyền đạt thông tin, còn là bằng chứng, chứng mình cho sự hiện diện hành vi của cơ quan Nhà nước, vừa quy định trách nhiệm, quyền hạn cho cá nhân đồng thời cũng là bằng chứng cho hành vi của cá nhân. Vì thế cần phải chính xác, cụ thể để tránh gây những hệ lụy không đáng có cho người khác.

Bản thân ông Ngũ là một người nông dân chân chất, sống vùng quê nghèo, vất vả, chỉ vì thương bạn không có nơi để ở cho ở nhờ. Để rồi, không ngờ cuộc đời “oái oăm”, bao nhiêu năm cho ở nhờ là bấy nhiêu năm ông mất ăn mất ngủ đi đòi đất. Giờ đây, ông cũng đã tuổi cao, mắt mờ, chân chậm, sức khỏe không còn đảm bảo. Nguyện vọng của ông ở phiên tòa phúc thẩm tới đây tại Tòa án Cấp cao tại Hà Nội là các cơ quan có thẩm quyền giải quyết công minh, đúng quy định của pháp luật để đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho người dân.

[ad_2]