[ad_1]
Cha một đời tiết kiệm, nhưng mỗi khi gặp những người khó khăn cơ nhỡ, ông chưa bao giờ do dự hay tính toán. Ngay cả khi phải chắt chiu từng đồng không ăn không uống, ông cũng cố gắng hết sức để giúp đỡ người nghèo.
Có một lần, cha đã đưa tất cả lộ phí đi đường của mình cho một người già bị mất cắp hết đồ, sau đó ông đã phải đi bộ suốt 40 km để về nhà. Những người hàng xóm không biết rõ sự tình lại cho rằng vì cha sống hà tiện nên mới đi bộ như thế, và thế là những người trong thôn đặt cho cha biệt danh là “ông vua keo kiệt”.
Có lẽ cha không thể ngờ rằng, rồi cũng đến một ngày ông trở thành đối tượng vinh dự được bọn trộm ghé thăm. Đó là vào khoảng thời gian gieo trồng vụ xuân, cha và mấy người hàng xóm trong làng cùng lên thành phố mua hạt giống. Sau khi mua xong, cha chỉ còn lại hơn 100 đồng trong túi. Ông đã không dùng đến số tiền này, thậm chí còn nhịn bữa trưa để vội vội vàng vàng cùng với mấy người hàng xóm lên xe khách về quê. Đại khái là trong khi mua vé ông bị người ta móc mất tờ 100 đồng đó, về sau ông mở túi ra kiểm tra thì nó đã không cánh mà bay.
Hồi đó, 100 đồng cũng rất có giá trị, có thể mua được rất nhiều thứ. Cha lo lắng sốt ruột tới mức mồ hôi lấm tấm trên trán. Cha đã kiểm tra đi kiểm tra lại tất cả các túi mang theo bên mình, nhưng vẫn không thể tìm thấy đồng tiền đó.
Trong khi cha đang tự trách mình là quá bất cẩn thì bỗng nhiên ông nghe thấy tiếng thét chói tai của một người phụ nữ trên xe: “Hạt giống của tôi bị mất rồi, có ai nhìn thấy hạt giống của tôi không, đó là hạt giống cả một năm của nhà tôi đấy…”
Người phụ nữ mất hạt giống đó nức nở kể lể, rằng bà vừa để túi hạt giống xuống, chỉ vừa rời khỏi tay một lát quay lại đã không còn thấy đâu nữa. Bà nói tất cả mọi việc trong nhà từ trong tới ngoài đều chỉ dựa cả vào một mình bà… Mọi người trên xe ai nấy đều đồng cảm chia sẻ với người đàn bà bất hạnh, đều trách mắng kẻ đã ăn cắp chỗ hạt giống kia.
Cha nhẹ nhàng đến bên cạnh, an ủi và chia buồn với bà ấy mà quên mất rằng bản thân mình cũng vừa bị móc túi.
Cha hỏi xin người đồng hương một cái túi không rồi mở túi của mình ra, bốc từng nắm hạt giống chia cho người phụ nữ nọ, vừa chia vừa nói: “Bà trồng ít đi một chút, tôi cũng trồng ít đi một chút, rồi chúng ta đều có thể vượt qua được giai đoạn khó khăn này của cuộc sống thôi.”
Người đồng hành nhìn thấy những hành động của cha, cũng nhanh chóng mở túi ra, chia hạt giống của mình vào túi của người phụ nữ kia, không bao lâu chiếc túi đó đã đầy hẳn lên. Người phụ nữ bị mất hạt giống không biết nói gì, dập đầu cảm tạ cha và người đồng hương của ông. Cha nói: “Ai mà không có lúc khó khăn cơ chứ, chỉ cần giúp đỡ nhau một chút là có thể vượt qua mọi chuyện thôi mà.”
Tất cả mọi người trên xe đều tận mắt chứng kiến câu chuyện này, họ không biết rằng tiền của cha cũng vừa bị lấy mất, vậy mà ông không hề cho mọi người biết hoàn cảnh của mình.
Sau khi xuống xe, người người chen chúc nhau. Cha cảm thấy như bị người ta ép sát vào người xô đẩy. Khi đó cha lại sờ vào túi mình lần nữa, phát hiện ra tờ 100 đồng lại trở về túi mình, đó chính là tờ tiền ông bị mất từ trước. Ông nhận ra nó vì nó có nhiều nếp nhăn và vẫn còn mang hơi ấm tay người.
Ai đó nói rằng: Thiện niệm là hạt giống, thiện tâm là đóa hoa, và thiện hạnh là một trái chín ngọt. Những người mang trong mình một tâm hồn thuần khiết, một trái tim thiện lương, thì mỗi lời nói, mỗi cử chỉ, mỗi hành động của họ đều toát lên một sức mạnh kỳ diệu có thể cảm hóa lòng người.
Giống như người cha trong câu chuyện trên, khi ông biết quên đi hoàn cảnh éo le của bản thân mà giúp đỡ người khốn khó bằng một trái tim vị tha, không vụ lợi, thì cũng chính ông đã gieo trồng một hạt giống thiện lương trong tâm người. Cho dù lòng người có hẹp hòi hay ích kỷ, cho dù trái tim có lạnh băng hay sắt đá, thì khi thiện lương nảy nở trong tâm họ, họ sẽ được cảm hóa một cách dịu dàng.
Bởi vậy, hãy gieo trồng những hạt giống của thiện lương, bởi hương thơm của nó sẽ không chỉ dành riêng cho bạn mà còn lan tỏa tới những người xung quanh…
[ad_2]