[ad_1]
Sáng 24/5, HĐND tỉnh Đống Nai đã thông qua Nghị quyết thống nhất chủ trương và cam kết số vốn ngân sách địa phương bố trí một phần cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu giai đoạn 1.
Theo đó, Đồng Nai sẽ bố trí nguồn vốn ngân sách tỉnh tham gia vào dự án với 50% giá trị bồi thường, giải phóng mặt bằng tương đương với hơn 2.600 tỉ đồng để triển khai công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu đoạn qua địa bàn tỉnh.
Nếu tổng mức đầu tư của dự án tăng thêm, Đồng Nai cam kết bố trí đủ vốn tăng thêm (tương ứng với 50% giá trị bồi thường, giải phóng mặt bằng tăng thêm đoạn qua địa bàn tỉnh).
Theo Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, giai đoạn 1 của dự án cao tốc Biên Hoà – Vũng Tàu có điểm đầu tại Km0+000 kết nối với tuyến tránh QL1 đoạn qua TP. Biên Hòa, Đồng Nai; Điểm cuối tại Km53+700 giao với QL 56 thuộc TP Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Tổng chiều dài dự án là hơn 53 km, trong đó đoạn qua TP.Biên Hòa và huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai (34,2 km); TX.Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (19,5 km). Quy mô giai đoạn 1 dự kiến gồm 4 – 6 làn xe, vận tốc 100km/giờ.
Tổng vốn đầu tư của giai đoạn 1 là 17.837 tỉ đồng theo hình thức đầu tư công. Dự kiến, trong năm 2022 dự án hoàn tất thủ tục đầu tư, năm 2023 khởi công và hoàn thành cơ bản trong năm 2025.
Dự kiến sau khi hoàn thành, cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu sẽ có đóng góp to lớn, giúp giảm tải tuyến quốc lộ 5, hoàn thiện mạng lưới giao thông của khu vực thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội không chỉ Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu mà cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu là một trong những dự án hạ tầng điểm quốc gia cần triển khai xây dựng trong giai đoạn 2021 – 2025. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo các địa phương hoàn thiện thủ tục cam kết vốn ngân sách địa phương tham gia các dự án thành phần thuộc các dự án xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột, Biên Hòa – Vũng Tàu và Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng giai đoạn 1.
Theo đó, đây là các dự án trọng điểm quốc gia, có vai trò đặc biệt quan trọng đối với Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Đồng bằng sông Cửu Long, khu vực Tây Nguyên, là các tuyến theo trục ngang kết nối trực tiếp với các đường trục dọc hiện có và đang triển khai đầu tư (Quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh, cao tốc Bắc – Nam phía Đông).
Cả ba dự án này đã được chấp thuận đầu tư bằng nguồn vốn của ngân sách trung trung ương và địa phương. Theo kế hoạch sẽ đầu tư xây dựng và hoàn thành trong giai đoạn 2021 – 2025.
Thủ tướng chỉ đạo các địa phương có dự án đi qua, tổ chức họp Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố để xem xét thông qua số vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 nguồn ngân sách địa phương cam kết tham gia các dự án thành phần. Đồng thời có Nghị quyết của Hội đồng nhân dân trước ngày 30 tháng 5 năm 2022, gửi Bộ Giao thông vận tải để tổng hợp trình Quốc hội.
Nguồn: https://cafeland.vn/tin-tuc/dong-nai-cam-ket-bo-tri-hon-2600-ti-dong-cho-du-an-cao-toc-bien-hoa-vung-tau-110041.html
[ad_2]