(TN&MT) – Tôi được biết, hiện nay Nhà nước có chính sách hỗ trợ tiền cho đồng bào dân tộc miền núi trồng rừng sản xuất, rừng phòng hộ và hỗ trợ gạo cho các hộ chăm sóc, bảo vệ rừng. Xin hỏi, cụ thể đối tượng và mức hỗ trợ của chính sách được quy định như thế nào?

Câu hỏi của bạn Báo Tài nguyên & Môi trường tư vấn như sau:

Những năm qua, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách nhằm bảo vệ, phát triển rừng và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó có Nghị định số 75/2015/NĐ-CP ề cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số. Cụ thể:

Hỗ trợ trồng rừng sản xuất và phát triển lâm sản ngoài gỗ như sau: Diện tích đất lâm nghiệp được quy hoạch phát triển rừng sản xuất đã giao ổn định, lâu dài cho hộ gia đình được hỗ trợ một lần cho chu kỳ đầu tiên để trồng rừng sản xuất bằng loài cây lấy gỗ, cây lâm sản ngoài gỗ.

Mức hỗ trợ từ 5.000.000 đến 10.000.000 đồng/ha để mua cây giống, phân bón và chi phí một phần nhân công bằng tiền đối với trồng cây lấy gỗ, cây lâm sản ngoài gỗ tùy theo chu kỳ kinh doanh của loài cây trồng theo thiết kế – dự toán.

Đồng bào dân tộc thiểu số trồng rừng, bảo vệ rừng được hỗ trợ bao nhiêu tiền?

Đồng bào dân tộc thiểu số tham gia trồng rừng sản xuất và phát triển lâm sản ngoài gỗ được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Ngoài ra, căn cứ thiết kế – dự toán trồng rừng, ngoài số tiền được hỗ trợ để trồng rừng sản xuất phát triển lâm sản ngoài gỗ, hộ gia đình được Ngân hàng Chính sách xã hội hoặc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho vay không có tài sản bảo đảm phần giá trị đầu tư còn lại như sau: Hạn mức vay tối đa là 15.000.000 đồng/ha. Thời hạn cho vay là từ khi trồng đến khi khai thác chính theo chu kỳ kinh doanh của loài cây trồng nhưng không quá 20 năm.

Mức vay và thời gian vay cụ thể do ngân hàng và khách hàng tự thỏa thuận phù hợp với quy định tại Nghị định này. Thời hạn trả gốc và lãi một lần khi khai thác chính.

Hỗ trợ trồng rừng phòng hộ: Diện tích đất lâm nghiệp được quy hoạch trồng rừng phòng hộ đã giao cho hộ gia đình thi được Nhà nước cấp kinh phí theo thiết kế – dự toán để trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng và được hưởng lợi từ rừng theo quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng.

Trợ cấp gạo trồng rừng

Ngoài các mức hỗ trợ trên, hộ gia đình nghèo tham gia trồng rừng sản xuất và phát triển lâm sản ngoài gỗ, rừng phòng hộ được trợ cấp 15 kg gạo/khẩu/tháng hoặc bằng tiền tương ứng với giá trị 15 kg gạo/khẩu/tháng tại thời điểm trợ cấp trong thời gian chưa tự túc được lương thực. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định mức và thời gian trợ cấp, nhưng tối đa không quá 7 năm.

Ngoài ra, đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ miền núi đang cư trú hợp pháp tại địa phương tự nguyện trồng rừng phòng hộ, trồng rừng sản xuất thay thế nương rẫy, mức trợ cấp cho từng hộ gia đình không quá 700 kg/năm; mỗi khẩu được trợ cấp bình quân 10kg/tháng (mức hỗ trợ trên từng địa bàn do Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định, nhưng không quá 7 năm) theo quy định tại Thông tư liên tịch số 52/2008/TTLT-BNN-BTC ngày 14/4/2008.

Được biết, từ năm 2008 đến hết ngày 31/12/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 13 Quyết định giao Bộ Tài chính triển khai xuất 171.024,959 tấn gạo cho 11 dự án bảo vệ và phát triển rừng của 6 tỉnh (gồm: Hà Giang; Thanh Hóa; Bắc Giang; Nghệ An; Sơn La và Bắc Kạn) trong giai đoạn từ năm 2008 đến năm 2026. Căn cứ các quyết định của Thủ tướng Chính phủ nêu trên và kế hoạch tiếp nhận gạo của UBND các tỉnh, Bộ Tài chính (Tổng cục Dự trữ Nhà nước) đã triển khai xuất cấp gạo từ nguồn dự trữ quốc gia hỗ trợ cho công tác bảo vệ và phát triển rừng tại các địa phương.

Kết quả là, đến ngày 31/12/2020, số gạo đã xuất cấp cho các đối tượng bảo vệ và phát triển rừng là 94.708,418 tấn/171.024,959 tấn.

Luật đất đai