Công nghệ Blockchain xuất hiện đã mở ra một xu hướng mới cho các lĩnh vực như logistics, điện tử viễn thông, kế toán kiểm toán… Thị trường tài chính ngân hàng nói chung và thị trường vốn nói riêng cũng không ngoại lệ, nếu không muốn nói đây chính là thị trường rất tiềm năng để ứng dụng công nghệ blockchain…

Ứng dụng blockchain trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, chứng khoán đang được đẩy mạnh.
Ứng dụng blockchain trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, chứng khoán đang được đẩy mạnh.

Tác động của công nghệ blockchain được dự đoán có thể lớn hơn cuộc cách mạng internet cách đây hơn 3 thập niên nhờ sự phát triển mạnh mẽ của internet, các công nghệ mới. Dự báo của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) cho rằng 10% GDP toàn cầu sẽ được lưu trữ trên blockchain vào năm 2025. Chính vì thế, blockchain được xem là một công nghệ “chìa khóa” cho chuyển đổi số tại hầu hết các tập đoàn, doanh nghiệp hiện nay, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính như ngân hàng và chứng khoán.

NHIỀU ƯU ĐIỂM

Tại Workshop “Ứng dụng Blockchain trong tài chính ngân hàng: Thực trạng và xu hướng” do Trường Đại học Tôn Đức Thắng tổ chức mới đây, Tiến sĩ Nghiêm Quý Hào – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Kinh tế ứng dụng Trường Đại học Tôn Đức Thắng – cho rằng: Blockchain là một công nghệ mới sáng tạo với sức mạnh có khả năng phá vỡ các mô hình kinh tế trong quá khứ, hiện tại và tái định hình các thị trường trong tương lai. Blockchain cũng mang lại tiềm năng to lớn đối với các thị trường mới nổi để có thể vươn lên một cách nhanh chóng”.

 

“Giờ đây, blockchain không chỉ còn là cái gì đó của tương lai, mà thực sự nó đã có những sản phẩm thực tế và nó đã và đang tham gia mạnh mẽ vào các lĩnh vực đời sống kinh tế, xã hội của nền kinh tế, trong đó có lĩnh vực tài chính ngân hàng” – Tiến sĩ Nghiêm Quý Hào.

Khảo sát của Viện Chiến lược Ngân hàng đối với các tổ chức tín dụng về mức độ quan tâm và định hướng phát triển liên quan đến các khía cạnh của Cách mạng công nghiệp 4.0 cho thấy các ngân hàng Việt Nam đều có định hướng đầu tư, nâng cấp và phát triển hệ thống công nghệ của mình. Đặc biệt, một số ngân hàng thể hiện sự quan tâm đến một số công nghệ mới hiện đại như blockchain, điện toán đám mây, dữ liệu lớn, robot tự động…

Theo ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam, ứng dụng blockchain vào hoạt động ngân hàng, sẽ giúp các ngân hàng tận dụng được 04 ưu điểm như: tính hiệu quả; tính phi tập trung; tính minh bạch; tính bền vững và bảo mật cao của công nghệ chuỗi khối.

Workshop “Ứng dụng Blockchain trong tài chính ngân hàng: Thực trạng và xu hướng” do Trường Đại học Tôn Đức Thắng tổ chức.
Workshop “Ứng dụng Blockchain trong tài chính ngân hàng: Thực trạng và xu hướng” do Trường Đại học Tôn Đức Thắng tổ chức.

Chia sẻ về thực trạng ứng dụng blockchain trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, ông Phan Minh Đạt, Giám đốc Trung tâm Quản lý tài sản số, cho biết: “Việt Nam hiện là hệ sinh thái khởi nghiệp thứ 3 trong ASEAN. Có hơn 200 quỹ đã đầu tư vào Việt Nam. Có khoảng 3.800 công ty khởi nghiệp tại Việt Nam và 11 công ty có giá trị trên 100 triệu USD. Theo nghiên cứu của Finder, Việt Nam hiện là quốc gia dẫn đầu về tỷ lệ chấp nhận tài sản tiền điện tử. Theo Chainalysis, Việt Nam cũng dẫn đầu về 3 con số: giá trị tiền điện tử trên chuỗi nhận được; giá trị giao dịch nhỏ được chuyển giao trong chuỗi; khối lượng giao dịch P2P”.

Không chỉ ở lĩnh vực tài chính ngân hàng, blockchain cũng tác động tích cực thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển.

 

“Trong lĩnh vực chứng khoán, có một số lợi ích rất rõ ràng mà công nghệ blockchain có thể mang lại, như giúp cho việc tự động hóa việc huy động vốn, minh bạch hóa việc sử dụng nguồn vốn cũng như quá trình quản lý tài sản; đẩy nhanh việc thanh toán sau giao dịch, theo dõi việc cho vay chứng khoán và rủi ro hệ thống” – Ông Trương Quốc Tuấn.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Trương Quốc Tuấn, Giám đốc giải pháp công nghệ Công ty quản lý quỹ Dragon Capital, cho biết: “Về lý thuyết, blockchain có thể giúp cho việc giao dịch chứng khoán hay huy động vốn trở nên không có biên giới. Ngoài ra, blockchain còn giúp cắt giảm các khâu trung gian, từ đó giảm thiểu các quy trình rườm rà, rút ngắn thời gian xử lý từ đó cắt giảm được chi phí vận hành”.

Cũng theo ông Tuấn, blockchain còn giúp nâng cao tính minh bạch của giao dịch do các thông tin đều được cập nhật và các bên có quyền truy xuất vào cùng cơ sở dữ liệu phân tán để quan sát và theo dõi các giao dịch đã thực hiện, điều này làm công tác giám sát hiệu quả hơn, giảm thiểu tối đa tổn thất xảy ra bởi các giao dịch nội gián hay bán chui cổ phiếu như đã diễn ra trong thời gian gần đây.

Tại Việt Nam, đã có các nghiên cứu khả thi trong việc ứng dụng blockchain trong tài chính, cụ thể như ứng dụng blockchain trong việc phát hành trái phiếu và mua bán trái phiếu, hay như ứng dụng blockchain trong qui trình xuất nhập khẩu, mở L/C ở một số ngân hàng thương mại trong nước

CẦN XÂY DỰNG KHUNG PHÁP LÝ RÕ RÀNG

Không phủ nhận những ưu điểm của blockchain khi ứng dụng vào trong lĩnh vực tài chính hay chứng khoán. Việc thành lập Hiệp hội Blockchain Việt Nam vào giữa tháng 5/2022 vừa qua hứa hẹn sẽ mang lại nhiều thúc đẩy tích cực cho công nghệ này tại Việt Nam.

 

“Ứng dụng blockchain trong tài chính hay chứng khoán vẫn còn trong giai đoạn sơ khai và ở mức công nghệ nhiều hơn là thương mại hóa, đòi hỏi đi đường dài. Do đó, để có thể thành công trong triển khai ứng dụng blockchain trên thị trường chứng khoán Việt Nam, các bên tham gia, trong đó đặc biệt là các sàn giao dịch chứng khoán nên có kế hoạch đầu tư nâng cấp hệ thống, đồng thời có chiến lược xây dựng đội ngũ nhân lực để theo kịp với tốc độ phát triển trong lĩnh vực này” – Ông Trương Quốc Tuấn.

Tuy nhiên, hiện việc ứng dụng công nghệ này vào thị trường tài chính hay chứng khoán sẽ còn nhiều hạn chế do bị ràng buộc về nhiều mặt, nhất là về tiêu chuẩn chung và quy định pháp luật. Tại Việt Nam, blockchain vẫn còn đang ở những bước đi đầu tiên, vừa làm vừa nghiên cứu và vẫn còn nhiều hạn chế về mô hình, dữ liệu, chuyên môn.

Do đó, theo ông Trương Quốc Tuấn, thời gian tới Việt Nam cần tăng cường các hoạt động nghiên cứu và thử nghiệm cũng như ứng dụng blockchain trong lĩnh vực tài chính nói chung và trong lĩnh vực chứng khoán nói riêng, đồng thời đưa ra các mô hình thử nghiệm (sandbox) cụ thể, tập trung vào các ứng dụng khả thi nhất như: Hỗ trợ xử lý xác thực sau giao dịch; hỗ trợ công bố, trao đổi thông tin; quản lý cổ đông, quyền sở hữu; biểu quyết; mua/bán cổ phiếu quỹ, chứng chỉ quỹ.

Ngoài ra, hành lang pháp lý rõ ràng và hiệu quả cũng là cơ sở để các tổ chức, doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư nghiên cứu và triển khai ứng dụng công nghệ blockchain vào thực tế bài toán của doanh nghiệp và xã hội.

Về phía các tổ chức, doanh nghiệp cũng cần có sự đầu tư đúng mức về nhân lực và vốn để có thể áp dụng hiệu quả công nghệ blockchain trong mỗi tổ chức. Tổ chức liên minh giữa các tổ chức, đối tác trong và ngoài ngước, để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm giúp gia tăng sức mạnh tập thể, tiết kiệm thời gian và chi phí. Các diễn đàn, hội thảo, tọa đàm cần tập trung trao đổi nhiều hơn về việc ứng dụng blockchain trong lĩnh vực chứng khoán với hàm lượng kiến thức cao hơn, bên cạnh các diễn đàn đang khá sôi động tại Việt Nam như Metaverse hay GameFi.

Nguồn: https://vneconomy.vn/day-manh-ung-dung-blockchain-trong-linh-vuc-ngan-hang-va-chung-khoan.htm



Dự án xem nhiều:

Có thể bạn sẽ quan tâm: