[ad_1]
Dự kiến trong quý 2, khối lượng giải ngân ngành giao thông vận tải khoảng 11.140 tỷ đồng, cao hơn gần 50% quý đầu năm…
Các chủ đầu tư, ban quản lý dự án chỉ đạo các nhà thầu, tư vấn thi công 3 ca tại hiện trường, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân dự án.
Năm 2022, Bộ Giao thông vận tải được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước là 50.328 tỷ đồng, gồm 4.877 tỷ đồng vốn nước ngoài và 45.451 tỷ đồng vốn trong nước.
Đây là kế hoạch giao vốn lớn nhất từ trước tới nay, chiếm 23,5% kế hoạch vốn năm 2022 của khối các bộ, ngành, cơ quan trung ương và chiếm 9,7% kế hoạch vốn năm 2022 của cả nước.
Đến nay, Bộ Giao thông vận tải thực hiện giao chi tiết kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước cho các chủ đầu tư, ban quản lý dự án tổng số 41.955 tỷ đồng, đạt 83,4%. Trong đó, phân bổ 100% vốn nước ngoài và 81,6% vốn trong nước, tương đương 37.078 tỷ đồng.
Trong đó, các dự án ODA dự kiến giải ngân khoảng 730 tỷ đồng; dự án cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 1 dự kiến giải ngân gần 2.300 tỷ đồng.
Tính đến hết quý 1, Bộ Giao thông vận tải dự kiến giải ngân khoảng 7.492 tỷ đồng, đạt 17,6% kế hoạch giao chi tiết và 14,7% tổng kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao.
Các dự án quan trọng, cấp bách giải ngân được khoảng 390 tỷ đồng. Các dự án giao thông trong nước khác dự kiến giải ngân được khoảng 960 tỷ đồng.
Theo kế hoạch các chủ đầu tư, ban quản lý dự án đăng ký, trong quý 2, khối lượng giải ngân ngành giao thông vận tải khoảng 11.140 tỷ đồng, cao hơn gần 50% quý đầu năm.
Lũy kế giải ngân đến hết quý 2 khoảng 18.500 tỷ đồng, đạt gần 37% kế hoạch.
Riêng trong tháng 4, khối lượng giải ngân được đăng ký là 3.720 tỷ đồng. Lũy kế giải ngân đến hết tháng 4 khoảng 11.120 tỷ đồng, đạt 21% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Để đảm bảo kế hoạch trên, với các dự án đang thi công, đặc biệt là nhóm các dự án có khối lượng thực hiện lớn như cao tốc Bắc – Nam, cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ có chỉ đạo rút ngắn thời gian thực hiện, các chủ đầu tư, ban quản lý dự án cần chỉ đạo các nhà thầu, tư vấn thi công 3 ca tại hiện trường, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân dự án.
Các dự án khởi công mới được giao vốn thực hiện cũng cần khẩn trương đẩy nhanh tiến độ đấu thầu, ký hợp đồng để tạm ứng, phối hợp chặt chẽ với các địa phương để giải ngân giải phóng mặt bằng.
Hiện tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước kế hoạch năm 2022 đến hết tháng 3 trên toàn quốc ước đạt 11,88% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021 (13,17%).
Như vậy, công tác giải ngân của ngành giao thông vận tải đều có kết quả cao hơn trung bình cả nước. Trước sức ép giải ngân hơn 50.000 tỷ vốn đầu tư công ngành giao thông lớn dần, Bộ Giao thông vận tải vẫn đang cố gắng chỉ đạo nhà thầu dồn lực thi công ngày, đêm, đáp ứng tiến độ các dự án giao thông trọng điểm và tiến độ giải ngân vốn theo kế hoạch đăng ký.
Được biết, Bộ Giao thông vận tải sẽ hoàn thành 26 dự án giao thông trọng điểm, trong đó, có những dự án có tính kết nối liên vùng, không chỉ sớm hình thành một hệ thống giao thông hiện đại, mà còn góp phần tăng thúc đẩy kinh tế cho nhiều địa phương, nhiều vùng, miền.
Đáng chú ý, Bộ Giao thông vận tải có quyết định giao gần 17.000 tỷ đồng cho dự án cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2017 – 2020 và sẽ tiếp tục giao thêm vốn nếu các dự án đẩy nhanh được tiến độ. Đối với dự án cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2, số vốn cần giải ngân trong năm 2022 khoảng 5.000 tỷ đồng.
Nguồn: https://vneconomy.vn/nganh-giao-thong-van-tai-dat-muc-tieu-giai-ngan-hon-11-000-ty-dong-trong-quy-2.htm
[ad_2]