[ad_1]
(TN&MT) – Bạn đọc Nguyễn Khánh Vân, Thái Bình hỏi: Hiện nay, trong các văn bản hành chính tôi thấy có nhắc tới đất tôn giáo, đất tín ngưỡng và đất có di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh. Xin hỏi, các loại đất trên có phải là một loại đất hay không? Nếu không thì phân biệt các loại đất trên như thế nào?
Câu hỏi của bạn Báo Tài nguyên & Môi trường tư vấn như sau:
Theo quy định của pháp luật hiện hành, đất tôn giáo, đất tín ngưỡng và đất có di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh không giống nhau. Mỗi loại được điều chỉnh bởi một quy định pháp luật khác nhau. Trong Luật Đất đai năm 2013 có quy định cụ thể về từng loại đất trên.
Đất có di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh
Theo đó, Điều 158, Luật Đất đai năm 2013: Đất có di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng hoặc được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định bảo vệ thì phải được quản lý nghiêm ngặt theo quy định sau đây: Đối với đất có di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh do tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư trực tiếp quản lý theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa thì tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư đó chịu trách nhiệm chính trong việc sử dụng đất có di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh;
Luật Đất đai năm 2013 có quy định cụ thể về đất tôn giáo, đất tín ngưỡng và đất có di tích lịch sử – văn hóa |
Đối với đất có di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh không thuộc quy định tại điểm a khoản này thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh chịu trách nhiệm chính trong việc quản lý diện tích đất có di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh;
Đối với đất có di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh bị lấn, bị chiếm, sử dụng không đúng mục đích, sử dụng trái pháp luật thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời.
Trong trường hợp đặc biệt cần thiết phải sử dụng đất có di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh vào mục đích khác thì việc chuyển mục đích phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và phải có văn bản chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định xếp hạng đối với di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh đó.
Đất cơ sở tôn giáo
Theo Điều 159, Luật Đất đai năm 2013: Đất cơ sở tôn giáo gồm đất thuộc chùa, nhà thờ, nhà nguyện, thánh thất, thánh đường, niệm phật đường, tu viện, trường đào tạo riêng của tôn giáo, trụ sở của tổ chức tôn giáo, các cơ sở khác của tôn giáo được Nhà nước cho phép hoạt động.
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào chính sách tôn giáo của Nhà nước, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt quyết định diện tích đất giao cho cơ sở tôn giáo.
Đất tín ngưỡng
Theo Điều 160, Luật Đất đai năm 2013: Đất tín ngưỡng bao gồm đất có công trình đình, đền, miếu, am, từ đường, nhà thờ họ.
Việc sử dụng đất tín ngưỡng phải đúng mục đích, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Việc xây dựng, mở rộng các công trình đình, đền, miếu, am, từ đường, nhà thờ họ của cộng đồng phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Báo Tài nguyên & Môi trường
[ad_2]