[ad_1]
Bất kể là làm việc gì, ngành nghề nào đều phải coi trọng chữ “Đức”. Đặc biệt, trong làm ăn kinh doanh, nếu không có đạo đức nghề nghiệp, làm gì cũng chỉ nghĩ đến lợi ích cá nhân mình thì rốt cuộc cũng sẽ không thể duy trì lâu bền.
Trước đây có một ông lão làm nghề sửa chữa khóa ở địa phương nọ. Cả đời, ông đã sửa chữa vô số chiếc khóa, kỹ thuật cao siêu, chi phí hợp lý nên rất được mọi người kính trọng. Đặc biệt, ông là người rất thành thật và chính trực.
Sau khi sửa xong một bộ khóa, ông đều đưa cho họ tên và địa chỉ của mình rồi nói: “Nếu như nhà của anh bị trộm, chỉ cần là do dùng chìa khóa mở cửa thì hãy đến tìm tôi, tôi sẽ thay anh bắt trộm mà không cần thu phí.“
Ông lão sửa khóa cũng đã tuổi cao sức yếu, nhưng vì không muốn tài nghệ bị thất truyền nên ông đã tuyển chọn hai đồ đệ. Hai đồ đệ mà ông tuyển chọn đều còn trẻ tuổi lại có khả năng nhận thức cao. Ông vô cùng ưng ý nên cũng tận tâm tận sức truyền lại những kỹ năng, kinh nghiệm mà cả đời ông tích lũy được cho họ.
Sau một thời gian ngắn, hai người đệ tử của ông đều đã học xong rất nhiều bí quyết. Tuy nhiên, trong hai người họ, ông lão sửa khóa chỉ có thể tuyển chọn một đồ đệ để truyền lại bí quyết trọng yếu nhất. Thế là, ông quyết định khảo nghiệm họ một lần.
Hôm đó, ông lão sửa khóa chuẩn bị hai cái két an toàn và đặt ở hai phòng khác nhau. Sau đó ông nói với hai người: “Các con hãy đi vào phòng của mình và mở chiếc két sắt an toàn mà ta đã khóa sẵn trong đó. Ai mở được két ra trong thời gian ngắn nhất thì người đó là người chiến thắng.“
Kỳ thực, khảo nghiệm này đối với hai người học trò đã thành thạo công việc thì không có gì là khó, chỉ là so sánh về thời gian mở giữa hai người.
Kết quả là, người đồ đệ lớn của ông lão sửa khóa chưa đến 10 phút đồng hồ đã mở xong chiếc két. Còn người kia phải mất đến 30 phút mới mở được ra. Ai cũng nghĩ rằng, đồ đệ lớn là người chiến thắng, bởi vì thời gian mở của anh ta cách quá xa so với người đồ đệ thứ hai. Nhưng mọi người chờ mãi vẫn không thấy ông lão sửa khóa tuyên bố, ông vẫn ngồi im lặng mà không có động tĩnh gì cả.
Đang lúc mọi người còn nghi hoặc thì ông lão sửa khóa hỏi người đồ đệ thứ nhất: “Con là người mở ra trước, con nhìn thấy trong két sắt có cái gì ở trong?“
Đôi mắt của vị đồ đệ sáng lên và trả lời với vẻ mặt rạng rỡ: “Thưa thầy! Con nhìn thấy bên trong két có rất nhiều tiền. Số tiền ấy có khi phải đủ dùng cho nửa đời người ấy ạ! Con thực sự chưa từng nhìn thấy nhiều tiền như thế bao giờ.“
Ông lão sửa khóa lại quay sang hỏi đồ đệ thứ hai: “Thế còn con? Con nhìn thấy trong két sắt có gì?“
Đồ đệ thứ hai bối rối trả lời: “Thưa thầy! Con lại không để ý đến điều này, bởi vì thầy chỉ bảo con mở khóa két nên con chỉ tập trung vào việc đó thôi. Cho nên, con không để ý xem bên trong tủ có chứa vật gì!”
Ông lão sửa khóa mừng rỡ tuyên bố đồ đệ thứ hai mới là người ông lựa chọn để truyền lại bí quyết trọng yếu nhất. Vị đồ đệ thứ nhất và cả những người chứng kiến đều không phục, khó hiểu.
Lúc này, ông lão sửa khóa mới nói: “Bất kể là làm việc gì, ngành nghề nào đều phải coi trọng chữ “Đức”. Đặc biệt là nghề của chúng ta thì yêu cầu đạo đức nghề nghiệp phải rất cao. Một người có được một tâm linh tốt đẹp thì thế giới trong mắt của họ sẽ trở nên trong sáng, thanh tịnh và họ cũng sẽ trở thành một người có đạo đức cao thượng.
Điều quan trọng hàng đầu của một người chính là xây đắp tâm hồn của mình, dựng lập nhân cách cao thượng. Một người thợ khóa thì trong tâm chỉ nên có khóa, còn đối với tiền tài của cải phải coi như không thấy. Nếu không, trong lòng mà có ý nghĩ cá nhân, hơi có lòng tham, khi đến nhà người ta mở két lấy tiền sẽ dễ như trở bàn tay, cuối cùng chỉ có thể hại người hại mình mà thôi. Chúng ta là thợ khóa thì trong lòng cũng phải có một chiếc khóa không thể mở, chính là chiếc khóa “không lợi mình, chỉ lợi người, giúp người khác mở khóa của họ mà thôi!“
Mọi người sau khi nghe những lời tâm sự của ông lão mới cảm nhận hết được sự cao quý của đạo đức nghề nghiệp. Đúng là không có đạo đức nghề nghiệp, làm gì cũng chỉ nghĩ đến lợi ích cá nhân mình thì rốt cuộc cũng sẽ không thể đi đến thành công.
Một vị bác sỹ có đạo đức nghề nghiệp là khi, họ không xem trọng lợi ích cá nhân cũng như xuất thân và vị thế của bệnh nhân, không phân biệt giàu nghèo, điều họ quan tâm là làm thế nào để cứu chữa cho bệnh nhân, đem lại sự sống cho những bệnh nhân của mình.
Một giáo viên có đạo đức nghề nghiệp là khi, họ không đặt nặng danh lợi, luôn hết mình dạy dỗ học sinh nên người bằng sự công tâm, chính trực.
Một người bán cơm có đạo đức nghề nghiệp là khi, họ không vì lợi nhuận mà bán ra những sản phẩm không có xuất xứ rõ ràng, không có vệ sinh an toàn thực phẩm.
Một doanh nhân có đạo đức nghề nghiệp là khi, họ không coi doanh số là mục tiêu hàng đầu, đối với họ, mang lại cho mọi người những sản phẩm tốt, chất lượng để phục vụ cuộc sống của người dân, đó mới là đích đến cuối cùng.
Kinh doanh hay làm bất cứ nghề nghiệp gì, không có gì quan trọng hơn sự thành thật, không có gì qua được sự tôn nghiêm và phẩm đức của một người. Nếu không có đạo đức nghề nghiệp, làm gì cũng chỉ nghĩ đến lợi ích cá nhân của chính mình, thì rốt cuộc cũng sẽ không thể duy trì và phát triển lâu bền.
Lan Hòa biên tập
[ad_2]