[ad_1]

Những căn nhà vừa túi tiền, vừa đủ diện tích để ở của tỉnh Bình Dương đã thu hút sự quan tâm của nhiều công nhân lao động trong thời gian qua. Để viết tiếp ước mong công nhân có nhà, tỉnh Bình Dương sẽ xây dựng thêm 1 triệu m2 sàn trong 5 năm tới. Việc này hẳn sẽ giúp hơn 1,2 triệu lao động tại Bình Dương, chủ yếu là lao động ngoại tỉnh, yên tâm công tác, không rời bỏ về quê.

Ông Võ Hoàng Ngân – Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương.

Yên tâm với nơi an cư

Trên diện tích 10ha, được quy hoạch xây dựng bài bản với 20 block nhà chung cư cao 5 tầng, khu nhà ở xã hội Định Hòa 5 năm nay đã trở thành nơi an cư cho hàng ngàn người lao động từ nhiều nơi tìm đến Bình Dương làm việc.

Với vị trí xây dựng gần Trung tâm hành chính tỉnh, gần nhiều khu công nghiệp, nhiều người lao động đang cư trú tại cụm nhà xã hội Định Hòa, phường Định Hòa, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, do Công ty Becamex làm chủ đầu tư, nhận xét là có vị trí “vàng” trong lưu thông và gần với những tiện ích xã hội khác đang được tỉnh đầu tư.

Tòa nhà không cao, nhưng phủ kín một diện tích rộng, khiến cả cụm công trình trở nên bề thế. Mặc dù đã qua nhiều năm sử dụng nhưng chất lượng màu sơn còn mới, thoạt nhìn cả cụm công trình như mới được đưa vào sử dụng.

Cảm nhận đầu tiên khi đến là sự sạch sẽ. Những con đường láng bóng, mặt đường không có rác, ý thức giữ gìn môi trường của người dân nghiêm túc, mọi người có thể dễ dàng tìm được thùng rác khi cần. Việc quy hoạch bố trí các công trình tiện ích hợp lý tạo thành không gian gọn gàng. Khoảng không gian giữa 4 block nhà vuông vức, được dùng làm bãi giữ xe có mái che, kết hợp với cây xanh lớn trên diện tích hàng ngàn m2, tạo sự tiện lợi cho cư dân khi cần gửi hoặc lấy xe và tạo thành mảng xanh cho những hộ dân trên tầng cao. Đường giao thông nội bộ rộng, trải nhựa, có lề đường tạo sự thông thoáng cho cả cụm nhà.

Chị Đỗ Thị Thu Huyền, cư trú tại căn hộ số 04.06 khu D, cho biết, chị dọn về đây cư trú đã 4 năm, với thu nhập công nhân, nhưng có được môi trường sống thế này với chị là ngoài mong đợi. “Trước đây, tôi thuê phòng trọ cư trú, nơi ở chật chội, mọi thứ dồn hết vào không gian nhỏ hẹp nên cuộc sống không thoải mái, tội nhất là mấy đứa nhỏ chỉ biết quanh quẩn trong 10m2 nhìn thương lắm…”. Ngày mua được căn phòng riêng, 3 mẹ con chị Huyền như được đổi đời, căn hộ có diện tích sinh hoạt 30m2, không gian không lớn nhưng nó là của riêng, chị Huyền chỉ dám nghĩ đến chuyện sắm sửa những tiện ích gia dụng tối thiểu để nâng cấp cuộc sống. Trẻ con có sân chơi, không gian thoáng mát nên bệnh tật cũng giảm. “Chỉ cần mấy đứa nhỏ khỏe mạnh chưa kể tâm lý thoải mái mà còn giảm được đáng kể chi phí thuốc men, thêm chi phí để dành…” – Chị Huyền hồ hởi khoe.

“Nhiều người nghĩ mua nhà gánh thêm nợ nên mệt đầu, nhưng tôi nghĩ khác, không cần lớn hay nhỏ, có nơi ở ổn định mình làm gì cũng yên tâm, quan trọng nhất là con cái có nơi ở tử tế để sống. Ở nhà trọ xô bồ, nhếch nhác… ở càng lâu thì môi trường sống càng xuống cấp mình không thể tùy ý nâng cấp được. Tôi về đây ở mấy năm, thấy môi trường quá ổn với thu nhập của người lao động, Ban vận hành chung cư nhiệt tình hỗ trợ, an ninh lúc đầu còn lỏng lẻo, nhưng giờ khóa cửa về quê vài ngày cũng không phải lo lắng… với công nhân, có nơi ở như thế này là tốt rồi” – Chị Thu, nhà ở căn hộ tầng trên, bộc bạch.

Cụm nhà xã hội Định Hòa của Becamex được xây dựng quy mô 20 block nhà. Block nhỏ nhất có 57 căn hộ, lớn nhất có 157 căn hộ với diện tích sàn 20m2 và một gác lửng 10m2. Mức giá từ 100 triệu đồng/căn. Theo chủ đầu tư, hiện công ty đưa vào sử dụng 2.800 căn hộ, đang chờ nghiệm thu đưa vào sử dụng thêm 800 căn hộ.

Một góc khu nhà xã hội dành cho công nhân lao động thu nhập thấp do Công ty Becamex Bình Dương đầu tư xây dựng trên địa bàn phường Định Hòa với quy mô 3.600 phòng.

Cư trú trong căn hộ đôi, vợ chồng anh Sỹ – chị Quyên bày trí căn hộ khá đẹp mắt. Do căn hộ đôi nên không gian sinh hoạt của gia đình rộng, 2 đứa con của anh chị được bố trí phòng riêng. “Căn phòng chỉ vừa đủ bố trí 1 cái giường nhưng nó là không gian riêng của cháu, phải ý thức tự giác chăm sóc phòng của mình. Thật sự khi về cụm nhà này sinh sống tôi thấy an ninh tốt, không có gì phàn nàn. Tất cả đều tốt hơn so với những nơi trọ trước đây tôi từng ở. Nói đơn giản là tôi hài lòng khi dọn về đây cư trú…” – chị Quyên nói. Trước đây, chị Quyên là giáo viên mầm non, còn anh Sỹ là công nhân. Dành dụm được chút vốn nên khi biết có khu nhà xã hội này là anh chị đăng ký. Tuy vẫn còn trả góp, nhưng giờ họ đã dám nghĩ đến cái nhà để về, không còn cảnh ngao ngán khi nghĩ về nơi ở trọ.

Nhiều nhưng… chưa đủ

Cụm nhà xã hội Định Hòa là một trong 17 dự án nhà xã hội của tỉnh Bình Dương. Là tỉnh công nghiệp, Bình Dương chú trọng phát triển các dự án nhà ở xã hội để phục vụ, giữ chân người lao động. Trong giai đoạn 2011 – 2015, toàn tỉnh có 23 dự án nhà ở xã hội đã đưa vào sử dụng với hơn 0,4 triệu m2 sàn đáp ứng chỗ ở cho khoảng 37.000 người. Giai đoạn 2016 – 2020, tỉnh có 17 dự án và 1 đề án nhà ở xã hội với hơn 1,3 triệu m2 sàn, tương đương với hơn 33.000 căn hộ. Đây là con số không hề nhỏ nhưng chưa thấm vào đâu so với nhu cầu.

Các dự án nhà ở xã hội được UBND tỉnh Bình Dương giao cho Becamex IDC thực hiện, sau 10 năm triển khai, đến nay đã xây dựng được 47.500 căn hộ, đáp ứng chỗ ở cho khoảng 180.000 người lao động sinh sống. Mô hình nhà ở xã hội do Becamex IDC đầu tư được bán với giá ưu đãi từ 100 – 200 triệu đồng/căn/30m2, đồng thời còn kết hợp cho vay mua nhà, nên đã thu hút được hàng ngàn công nhân lao động và người thu nhập thấp mua ở.

Theo ông Võ Hoàng Ngân, Giám đốc Sở Xây dựng Bình Dương, đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 vừa qua bùng phát mạnh trên địa bàn tỉnh, trong đó nơi tập trung đông công nhân tại các khu nhà trọ đan xen trong khu dân cư là nơi lây lan dịch bệnh nhanh và khó kiểm soát. Thống kê sơ bộ của Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương, toàn tỉnh có 1,2 triệu lao động, đa số là người ngoại tỉnh. Nhiều lao động vẫn còn sống trong những nhà trọ cũ, không gian nhỏ hẹp, chật chội. Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương đã kiến nghị tỉnh cần đầu tư xây dựng thêm các nhà ở xã hội với giá thuê và mua phù hợp với thu nhập của người lao động.

Nhằm tạo điều kiện tốt hơn cho người lao động, Bình Dương dự kiến xây dựng thêm 1 triệu m2 sàn nhà ở xã hội trong 5 năm tới. Tỉnh đã kiến nghị Chính phủ, Bộ Xây dựng xem xét, tạo điều kiện về vốn ưu đãi, hướng dẫn cụ thể quy trình thực hiện đầu tư dự án nhà ở, khu đô thị, lựa chọn nhà đầu tư cho loại hình này.

Cũng theo ông Ngân, Bình Dương là một trong những tỉnh có tốc độ đô thị hóa rất cao, đến nay đạt trên 82%. Nhiều người dân đến Bình Dương sinh sống, làm việc và học tập có thu nhập chưa cao, đồng nghĩa với nhu cầu về nhà ở giá rẻ đối với họ khá nhiều. Tuy nhiên, về mặt đầu tư của Nhà nước, của các doanh nghiệp, của người dân cơ bản chỉ đáp ứng một phần nhu cầu. “Việc thiếu hụt nhà ở cho công nhân, người lao động thu nhập thấp do nhiều khó khăn, vướng mắc. Trong đó, một số khó khăn là khi triển khai các dự án khu công nghiệp thì việc quy hoạch đồng bộ với hệ thống nhà ở xã hội, hạ tầng xã hội, thiết chế văn hóa cho công nhân chưa được đồng bộ, do đó dẫn đến việc thu hút đầu tư cũng chưa được hiệu quả” – Ông Ngân nói.

Bằng nhiều biện pháp như xây dựng mới nhà ở cho công nhân; nâng cấp các khu nhà trọ cũ; đề xuất xây dựng nhà lưu trú công nhân; khuyến khích nhà đầu tư phát triển theo phân khúc giá thấp; rà soát quỹ đất 20% nhà ở xã hội tại các dự án thương mại có bố trí quỹ đất; thực hiện đề án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, thực hiện thêm 4,1 triệu m2 sàn nhà ở tái định cư và nhà ở xã hội… Bình Dương đang viết tiếp ước mong công nhân có nhà.

Phỏng vấn ông Võ Hoàng Ngân – Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương

PV: Thưa ông, hiện nay trên địa bàn tỉnh Bình Dương, số lượng nhà dành cho người lao động đạt được khoảng bao nhiêu phần trăm so với nhu cầu thực tế. Với một tỉnh có nhiều lao động như Bình Dương thì con số đó là nhiều hay ít, thưa ông?

Ông Võ Hoàng Ngân: Trong giai đoạn 2016-2020, tỉnh Bình Dương cũng đạt được kết quả cũng khá khả quan, khoảng 2.000.000m2 sàn nhà ở dành cho người lao động, công nhân. Ngoài ra thì các doanh nghiệp, các nhà đầu tư cũng đã đầu tư cái nhà lưu trú cho công nhân của mình. Hiện các nhà máy sản xuất cũng lo được khoảng 200.000 căn nhà để phục vụ cho công nhân người lao động của mình. Ngoài nhà ở xã hội, nhà ở công nhân do doanh nghiệp đầu tư, còn có sự tham gia của người dân trong đầu tư xây dựng nhà trọ với trên 600.000 phòng phục vụ cho người lao động, số lượng phòng trọ này phục vụ khá tốt cho công nhân trên địa bàn tỉnh.

PV: Thưa ông, đâu là nguyên nhân việc phát triển nhà ở cho người lao động vẫn chưa thể phát triển kịp so với nhu cầu thực tế?

Ông Võ Hoàng Ngân: Thực tế vẫn nhiều cái khó khăn, vướng mắc, trong đó phải kể đến nguyên nhân khi triển khai các dự án khu công nghiệp trước đây chưa chú trọng đến việc quy hoạch đồng bộ với hệ thống nhà ở xã hội, hạ tầng xã hội, thiết chế văn hóa cho người công nhân, do vậy hiện nay khi triển khai chương trình phát triển nhà công nhân chưa thu hút việc đầu tư hiệu quả. Ngoài ra, còn một số vấn đề khác như theo quy định của pháp luật thì các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị mới thì phải dành quỹ đất 20% đất ở để mà đầu tư xã hội. Thực tế, nhiều doanh nghiệp cũng có dành ra quỹ đất này nhưng tiến độ triển khai chưa được như mong muốn. Vấn đề thứ ba đó là chính sách pháp luật ưu đãi cho các nhà đầu tư khi đầu tư nhà ở xã hội đã có, tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện thì các nhà đầu tư cũng chưa gặp thuận lợi nên họ chưa tham gia. Ngoài ra, một số quy định về người được hưởng nhà ở xã hội còn nhiều thủ tục dẫn đến công nhân không tham gia để thuê, mua hoặc thuê mua nhà ở xã hội.

PV: Thưa ông, vừa qua Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương có kiến nghị với tỉnh là xây dựng thêm mô hình nhà xã hội với giá tiền phù hợp với thu nhập của người lao động. Sở Xây dựng có kế hoạch cụ thể nào phát triển chương trình nhà ở này?

Ông Võ Hoàng Ngân: Trong kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2021 – 2025 của Bình Dương, trên cơ sở chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch xây dựng một đề án riêng để phát triển nhà xã hội, nhà ở cho người lao động. Theo đó, chúng tôi phấn đấu xây dựng khoảng 1.000.000 chỗ ở. Trong đó, có nhiều loại hình như nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân, nhà trọ, nhà ở thương mại nhưng bán giá thấp để người dân dễ tiếp cận. Để thực hiện mục tiêu này, chúng tôi sẽ rà soát, đồng bộ hóa giữa quy hoạch phát triển công nghiệp với quy hoạch phát triển nhà ở xã hội cũng như hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Tiếp nữa là sẽ rà soát lại quy hoạch các khu công nghiệp trước đây. Thêm nữa là sẽ tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương tiến hành rà soát để nâng cấp, cải tạo các khu nhà trọ hiện hữu nhằm nâng cao chất lượng phòng trọ.

PV: Thưa ông, để chương trình phát triển nhà ở cho người lao động phát triển mạnh hơn, ông có kiến nghị hay giải pháp nào đối với mô hình này?

Ông Võ Hoàng Ngân: Hiện nay, theo quy định pháp luật về khu công nghiệp, theo đó trong khu công nghiệp không được đầu tư nhà ở. Quy định cũng có bất cập trong việc giải quyết nhu cầu nhà ở cho người lao động tại khu công nghiệp đó. Trong đợt dich vừa qua, chúng ta lại không có khu vực để thực hiện ba tại chỗ tại các khu công nghiệp, nhà máy sản xuất. Chúng tôi cũng đã kiến nghị Bộ Xây dựng kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn trình tự, thủ tục để đầu tư một khu nhà ở xã hội, một dãy nhà ở xã hội một cách công khai, minh bạch, thuận lợi, để doanh nghiệp dễ tiếp cận, dễ thực hiện, rút ngắn thời gian để đảm bảo hiệu quả đầu tư của nhà đầu tư. Về thủ tục hành chính đối với người được hưởng chính sách nhà ở xã hội, cần có những cải cách theo hướng thuận lợi hơn, thực hiện minh bạch, rõ ràng hơn.

PV: Xin cảm ơn ông!

[ad_2]