[ad_1]

Sản lượng thông qua cảng biển lớn nhất miền Bắc có dấu hiệu sụt giảm nhẹ nhưng tình hình khai thác cảng lại khởi sắc. Cùng với đó, dự án xây dựng hai bến container số 3,4 Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng tại Lạch Huyện đang gấp rút triển khai để sớm đón tàu tải trọng đến 100.000 DWT…

Tàu Conship Pep – Chuyến tàu đầu tiên thuộc tuyến dịch vụ mới của hãng tàu ZIM cập Cảng Tân Vũ (Cảng Hải Phòng) tháng 7 vừa qua. Tàu Conship Pep – Chuyến tàu đầu tiên thuộc tuyến dịch vụ mới của hãng tàu ZIM cập Cảng Tân Vũ (Cảng Hải Phòng) tháng 7 vừa qua.

Thông tin từ Cục Hàng hải Việt Nam và Công ty Cổ phần cảng Hải Phòng cho biết, tháng 7 vừa qua, sản lượng thông qua cảng biển khu vực Hải Phòng đạt 6,791 triệu tấn, giảm nhẹ 0,9% so với tháng 6.

Cụ thể, sản lượng hàng hóa thông qua cảng Hải Phòng trong tháng đạt 2,528 triệu tấn, hàng container đạt 122.300 Teu. Trong đó, hàng container nội địa có xu hướng tăng nhẹ. Hàng container xuất khẩu và một số mặt hàng ngoài container giảm.

Tuy nhiên, sản lượng xe ô tô khai thác trên tàu RORO tại Chi nhánh cảng Tân Vũ tăng mạnh, đạt 5.800 xe, tăng 28,9% so với kế hoạch và tăng 36,3% so với tháng trước.

Toàn cảng đón và khai thác 148 lượt tàu, trong đó 91 lượt tàu container.

Lý giải nguyên nhân sản lượng hàng hoá sụt giảm, theo đại diện cảng Hải Phòng, tháng 7 vừa qua, sản lượng vận tải biển tiếp tục chịu ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga – Ukraine và tình trạng tái thắt chặt phong tỏa cảng tại Trung Quốc. 

Bên cạnh đó, lạm phát tăng cao gây ảnh hưởng tới quy mô thị trường chung toàn cầu, làm giảm nhu cầu tiêu dùng và vận chuyển hàng hóa.

Cùng với đó, thời tiết nắng nóng, mưa giông cục bộ gây nhiều hạn chế cho hoạt động khai thác. 

 

Mặc dù sản lượng hàng hóa chỉ đạt 97,6% kế hoạch đề ra nhưng các chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận của cảng Hải Phòng đều tăng cao so với kế hoạch và kết quả thực hiện cùng kỳ.

Cụ thể, chỉ tiêu doanh thu hợp nhất đạt 161,704 tỷ đồng, tăng 5,8% so với kế hoạch và tăng 19,3% so với cùng kỳ. Lợi nhuận hợp nhất đạt 42,563 tỷ đồng, tăng mạnh 56,5% so với kế hoạch và tăng trên 30% so với cùng kỳ.

Đặc biệt, cảng đón thêm 1 tuyến dịch vụ mới của hãng tàu ZIM khai thác tại Chi nhánh Cảng Tân Vũ kết nối Thượng Hải – Ninh Ba – Hải Phòng – Hạ Môn – Thượng Hải, dự kiến sẽ đáp ứng nhu cầu vận chuyển tăng cao của các tuyến nội Á.

Cũng trong tháng 7, cảng Hải Phòng triển khai ứng dụng hệ thống quản lý container (TOS) tại Chi nhánh Cảng Chùa Vẽ và vận hành thí điểm hệ thống tự động quản lý container nhập, xuất qua cổng Smartgate tại Chi nhánh Cảng Tân Vũ. Qua đó, nâng cao hiệu quả điều hành, quản lý container theo hướng hiện đại và tạo thêm nhiều thuận lợi, tiện ích cho khách hàng khi thực hiện các tác nghiệp tại cảng.

Ngoài ra, để hỗ trợ các hãng tàu, đại lý hãng tàu trong dịp nghỉ lễ tới đây, Cảng Hải Phòng sẽ miễn lưu trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh năm 2022 với container có hàng nhập từ tàu, trừ container lạnh có hàng sử dụng điện, trong 4 ngày, từ ngày 1/9 đến hết ngày 4/9…

Cảng Hải Phòng thuộc TP. Hải Phòng, trải dài trên 3 quận Hồng Bàng, Ngô Quyền và Hải An. Đây là cụm cảng biển lớn nhất miền Bắc và lớn thứ hai sau cảng Sài Gòn. Cùng với đó, đây là cửa chính ra biển của thủ đô Hà Nội và các tỉnh phía Bắc và là đầu mối giao thông quan trọng của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, trên hai hành lang – một vành đai hợp tác kinh tế Việt Nam – Trung Quốc.

Hiện nay, nhà nước cũng như thành phố đang đầu tư và mở rộng cụm cảng Lạch Huyện để mang đến tầm vóc mới cho Hải Phòng. Cập nhật thông tin mới nhất về dự án đầu tư xây dựng hai bến container số 3, 4 cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng, dự án chính thức được triển khai thi công tại hiện trường trong tháng 7.

Đây là một bước tiến quan trọng trong công tác đầu tư mở rộng của Cảng Hải Phòng theo xu hướng tiến xa ra biển, hướng tới đón những chuyến tàu tải trọng đến 100.000 DWT, nâng cao lợi thế cạnh tranh và khẳng định vị trí chủ lực của cảng Hải Phòng trong hệ thống cảng biển khu vực phía Bắc.

 

Dự án xây dựng hai bến container số 3,4 sẽ dự kiến hoàn thành thi công và đưa vào khai thác trong quý 3/2024 và hoàn thành toàn bộ dự án trong năm 2025 theo đúng quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ.

Quy mô đầu tư dự án gồm xây dựng 2 bến container cho tàu tải trọng tới 100.000 DWT, tương đương sức chở 8.000 TEUs. Chiều dài hai bến 750 m, rộng 50 m. Xây dựng một bến sà lan, tiếp nhận tàu, sà lan sức chứa 100 – 160 Teus, cùng các hạng mục công trình hạ tầng cơ sở đồng bộ, có thể đáp ứng sản lượng hàng hóa thông qua 1,1 triệu Teus/năm. Tổng mức đầu tư của dự án gần 7.000 tỷ đồng.

#box1660708594171{background-color:#afcab2}

Nguồn: https://vneconomy.vn/san-luong-hang-hoa-van-tai-bien-giam-nhe.htm

[ad_2]