[ad_1]

Nhịp đập Thị trường 15/12: Cổ phiếu chứng khoán và thủy sản gieo sầu

Chứng khoán kết thúc phiên 15/12 với việc các chỉ số chính như VN-Index và HNX-Index giảm nhẹ.

Ngành bất động sản có những diễn biến trái chiều đáng chú ý như pha tăng giá kịch trần của BCM nhưng mã vốn hóa lớn nhất ngành là VIC lại giảm đến 2.44%. Đặc biệt, giữa lúc mà cổ phiếu VIC giảm mạnh, khối ngoại mua ròng hơn 98 tỷ đồng mã này chỉ trong phiên hôm nay.

Trong khi các nhóm ngành lớn như ngân hàng, bất động sản không có nhiều biến động xét về tổng thể ngành, thì các ngành vốn hóa nhỏ như tiện ích, thủy sản lại chứng kiến sự sụt giá đáng kể. Nổi bật là cú rớt giá của POW (-3%) và VHC (-2.48%), IDI (-7%).

Ở nhóm ngành chứng khoán, phiên chiều kết thúc mà không có sự trở lại bất ngờ nào. Toàn ngành vẫn chìm trong sắc đỏ.

Trong nhóm ngành xây dựng, ông lớn CTD tiếp tục thăng hoa (+3.28%) trong hôm nay sau cú vấp vào ngày hôm trước. Trong khi đó, thị trường cũng chứng kiến sự sụt giá đáng kể của mã cổ phiếu của các doanh nghiệp đối thủ là HBC (-4.23%), HTN (-3.07%).

14h: Cổ phiếu chứng khoán chìm sâu

Thị trường tiếp tục giao dịch cầm chừng trong phiên chiều. Các chỉ số không có nhiều biến động.

Mức tăng của nhóm ngành thép có sự hạ nhiệt so với phiên sáng. Trong khi đó, ngành chứng khoán cũng chìm sâu hơn vào vùng giá đỏ. Các mã đầu ngành như SSI giảm 1.33%, VCI sụt 1.18%, HCM rớt 1.55%, VND giảm 1% tính đến 14h24.

Hơn chục phút trước khi bước vào phiên ATC, thanh khoản HOSE đạt gần 23.7 ngàn tỷ đồng, riêng nhóm VN30 là 6.05 ngàn tỷ đồng, trong khi đối với HNX là gần 2.9 ngàn tỷ đồng.

Điểm tích cực là khối ngoại mua ròng gần 171 tỷ đồng trên toàn sàn chứng khoán trong hôm nay, tính đến 14h26. Tuy nhiên, động thái này có lẽ chỉ mang ý nghĩa tâm lý vì thực tế là giao dịch của nhóm này vốn đã không còn ảnh hưởng mạnh mẽ đến những bước chạy của cổ phiếu trong thời gian qua.

Ngay trong phiên chiều nay, thị trường lại tiếp tục chứng kiến một sự trái ngược giữa số lượng cổ phiếu giảm giá và tăng giá kịch biên độ. Tính đến 2h28, 549 mã giảm giá nhưng số lượng cổ phiếu tăng trần (45) vẫn vượt xa so với số lượng giảm sàn (17).

Phiên sáng: Thanh khoản hụt hơi, nỗi lo về sự bất định thể hiện ngày càng rõ

Thanh khoản sáng nay tại HOSE đạt hơn 14.7 ngàn tỷ đồng, thấp hơn cùng kỳ phiên hôm qua. Kể từ sau hai ngày biến động  vào đầu tháng 12 này (03-06/12), giá trị giao dịch tại HOSE đã hạ nhiệt đi trông thấy, với mức trung bình là 23.2 ngàn tỷ đồng/ngày trong khoảng thời gian từ 07-14/12.

Giới giao dịch tỏ ra thận trọng khi thông tin về lạm phát đang phủ khắp các phương tiện truyền thông. Trong khi đó, hầu hết các nhóm ngành đều đã thay phiên tăng giá khá nhiều thời gian qua. Thời gian gần đây, giới chuyên gia cũng liên tục cảnh báo về rủi ro khi tâm lý đầu cơ của người tham gia thị trường ngày càng tăng.

Việc thanh khoản hạ thấp là điều dễ hiểu khi mà các yếu tố vĩ mô bất định, có phần nghiêng về phía bất lợi cho chứng khoán, đang chiếm lấy tâm trí của giới giao dịch.

Ngay trong sáng nay, tin tức về chỉ số giá sản xuất tháng 11/2021 của Mỹ tăng mạnh nhất trong hơn một thập kỷ cũng khiến tâm lý e ngại dâng lên. Không riêng Việt Nam, thị trường toàn cầu đều đang ngóng những hành động tiếp theo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong cuộc họp chính sách kéo dài từ ngày 14-15/12 này.

Phiên sáng nay, một nhóm cổ phiếu ít nhiều mang ý nghĩa phòng thủ là ngành chăm sóc sức khỏe, dược phẩm đã tăng đáng kể. Trong đó, nổi bật là DHG (+3.58%), DMC (+1.3%), LDP (+8.17%), MED (+5.54%). Ngoài ra, nhóm cổ phiếu vận tải hàng hóa cũng dậy sóng, với những cái tên phải kể đến như HAH, DXP, PHP, SCS, TCL,…

Các nhóm ngành vốn hóa lớn, có sức ảnh hưởng nổi bật trên thị trường thời gian gần đây như ngân hàng, bất động sản, chứng khoán thì có diễn biến không thật sự đáng chú ý. Có lẽ điều cần phải để mắt nhất là sự suy yếu của bộ đôi “họ Vin” là VIC và VHM.

11h: Bước vào vùng giá đỏ

Diễn biến thị trường không có chuyển biến nhiều so với đầu giờ sáng. Tuy nhiên, dù mức điểm của các chỉ số không biến động mạnh thì điều dễ nhận thấy là số lượng cổ phiếu giảm giá ngày càng lan rộng hơn so với cổ phiếu tăng.

Dù vậy, không nhiều mã trải qua mức tăng giảm kịch biên độ trong sáng nay. Tính đến 10h45, chỉ có 24 mã tăng trần và 13 mã giảm kịch sàn.

Ngành chứng khoán chìm trong sắc đỏ toàn diện. Trong khi đó, sự sụt giảm của hai mã đầu ngành là VIC (-1.5%) và VHM (-0.4%) đang tạo áp lực khả năng tăng đi lên của tổng thể nhóm ngành bất động sản. Dù vậy, một số mã vốn hóa nổi bật cũng có được mức tăng khá cao là BCM (+4.41%), DIG (+3.72%), NLG (+2.16%), DXG (+2.1%),…

Trong khi đó, cổ phiếu bảo hiểm có số phận tương tự như ngành chứng khoán, nếu không muốn nói là tệ hơn về mặt mức độ giảm giá. Chỉ số VS-Sector ngành bảo hiểm giảm 1.19% tính đến 10h50.

Ngành ngân hàng phân hóa nhưng cũng đã lùi về khu vực giảm giá, trước áp lực rớt giá của nhóm cổ phiếu BID, CTG, VPB, ACB. Dù vậy, bức tranh tương đối trung tính vì các mức biến động giá cổ phiếu là khá hẹp.

Nhà đầu tư nước ngoài chưa tỏ rõ ý định giao dịch trong phiên hôm nay. Họ chỉ mua ròng ở mức thấp 7.3 tỷ đồng đối với cổ phiếu tam sàn HOSE, HNX, UPCoM tính đến 10h52.

Mở cửa: Lình xình ở tham chiếu

Thị trường khởi đầu cầm chừng với 1,065 mã vẫn ở giá tham chiếu, tuy nhiên, ở phần còn lại thì sắc đỏ (341 mã) có phần lấn lướt hơn so với sắc xanh (221 mã).

Tính đến 9h25, VN-Index giảm 2.4 điểm, VN30-Index lùi 1.81 điểm, HNX-Index nhích nhẹ 0.05 điểm.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng giao dịch phân hóa và hầu hết các mã đều chỉ biên động nhẹ so với giá tham chiếu. Đáng chú ý nhất mức tăng 2.5% của NVB và pha sụt giảm 1.7% của EIB. Cổ phiếu vốn hóa lớn nhất ngành VCB giảm nhẹ 0.1% tính đến 9h27.

Nhóm cổ phiếu thép đầu ngành sau một ngày (15/12) thăng hoa cũng tiếp tục được giao dịch khả quan trong sáng nay. HPG tăng 1%, NKG tiến 1.1%, HSG lên 0.9%. Giới quan sát đang tự hỏi về động lực của các mức tăng này khi xu hướng trên thị trường thép, giá thép toàn cầu đang là không hề thuận lợi. Dù vậy, sau một giai đoạn giảm giá nhanh, những phiên hồi phục theo góc nhìn kỹ thuật cũng không phải là điều xa lạ.

Nhóm ngành tài nguyên cơ bản với nòng cốt là cổ phiếu thép đang là nhóm ngành đóng góp tích cực nhất (0.55 điểm) cho chỉ số VN-Index tính đến 9h32, riêng HPG góp 0.52 điểm. Trong khi đó, bất động sản và nhóm tiện ích tác động tiêu cực nhất lên chỉ số.

Thừa Vân

[ad_2]