[ad_1]

Bài cập nhật

ĐHĐCĐ Coteccons: 7,000 tỷ phải thu thì có 40% là nợ cảnh báo

Chiều ngày 25/04, CTCP Xây dựng Coteccons (HOSE: CTD) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2022.

Ông Bolat Duisenov – Chủ tịch HĐQT CTD phát biểu tại ĐHĐCĐ thường niên tổ chức chiều 25/04

Lý do đặt kế hoạch biên lợi nhuận rất thấp 

Theo tài liệu họp, năm nay sẽ là năm bản lề để CTD tập trung vào 2 mục tiêu là nâng cao chất lượng hệ thống quản trị công ty và giữ chân nhân tài.

Trong năm 2022, CTD sẽ tiếp tục kiện toàn và triển khai các giai đoạn tiếp theo của hệ thống để có thể quản lý doanh thu, chi phí trên từng dự án và tổng thể dự án, phân tích và dự báo hiệu quả của các dự án để có quyết định đầu tư, triển khai tối ưu.

Về kế hoạch tài chính, CTD dự kiến doanh thu năm nay vào mức 15,010 tỷ đồng, tăng trưởng 165%. Tuy nhiên, lãi sau thuế dự kiến chỉ đạt 20 tỷ đồng, thấp hơn cả năm 2021.

Ban lãnh đạo cho biết sẽ không chạy theo việc giảm giá để lấy dự án mà chọn chiến lược tối ưu đầu vào và đấu thầu tập trung vào thời điểm, tập trung nhân sự trên đa nền tảng Design & Build, kết cấu, an toàn, giải pháp thi công, công nghệ để thuyết phục chủ đầu tư.

Nhận được rất nhiều câu hỏi về kế hoạch 2022 của CTD. Ông Bolat Duisenov – Chủ tịch HĐQT CTD cho rằng phải nhìn vào thị trường, CTD kinh doanh trong 1 thị trường tự do và nhiều người tham gia. Nhiều Công ty cũng gặp khó khăn và sụt giảm biên lợi nhuận mạnh. Vì giá vật liệu tăng mà nhiều đơn vị cắt giảm chi phí dẫn tới ảnh hưởng chất lượng xây dựng. Nhưng CTD là thầu xây dựng cần đảm bảo chất lượng, đảm bảo bàn giao đúng tiến bộ. Không phải vì thị trường khó khăn mà Công ty chuyển sang ngành khác, luôn theo đuổi chuyên môn.

CTD có kinh nghiệm và nhìn ra rằng nợ xấu luôn phát sinh do đó cần phải lập dự phòng tài chính. Ban thu hồi nợ cũng đang làm việc tích cực, nếu thu hồi được sẽ thu về rất nhiều lợi nhuận.

Chi phí vật tư toàn cầu và nội địa đang tăng. Chi phí làm bê tông đã tăng 20%. Việc tăng giá này sẽ ảnh hưởng chung không chỉ cho CTD mà còn các nhà thầu phụ.

Năm 2020 không có hợp đồng mới nên kết quả backlog bị ảnh hưởng. Biên lợi nhuận năm 2021 giảm mạnh do giai đoạn phong tỏa. CTD hi sinh lợi nhuận ngắn hạn để nhắm tới lợi nhuận dài hạn, đảm bảo chi phí cho nhân viên duy trì hoạt động của Công ty.

Kết quả kinh doanh của CTD các năm gần đây

Nguồn: VietstockFinance

Cũng theo ông Bolat Duisenov, mục tiêu tới năm 2025, Công ty đạt doanh thu 3 tỷ USD, vốn hóa 1 tỷ USD.

Đối với kế hoạch nhân sự, Công ty sẽ tiếp tục duy trì các chế độ cho nhân sự trong giai đoạn thị trường hứng chịu thiệt hại do dịch COVID-19 nhằm duy trì nguồn nhân sự và chăm lo cho đời sống của cán bộ nhân viên. Ngoài ra, phát hành chương trình ESOP hay những chính sách tài chính hỗ trợ người lao động mua nhà.

Cụ thể hơn, HĐQT sẽ trình ĐHĐCĐ thường niên 2022 (ngày 25/04) phương án phát hành ESOP trong năm 2022 và 2023 với giá 10,000 đồng/cp. Năm 2022, đề xuất phát hành 554,785 cp quỹ, chiếm 0.75%/số cổ phiếu đang lưu hành (tương đương 10.3% tổng số cổ phiếu quỹ). Năm 2023, đề xuất phát hành 792,550 cp quỹ, chiếm 1.07%/số cổ phiếu đang lưu hành (tương đương 14.7% tổng số cổ phiếu quỹ). Phương án phát hành ESOP đi cùng với điều kiện chào bán là doanh thu cả năm 2022 đạt tối thiểu 15,000 tỷ đồng.

Tính đến hết năm 2021, CTD còn hơn 315 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối. Tuy nhiên, Ban lãnh đạo đề xuất không chia cổ tức cho năm 2021.

Đại hội lần này cũng sẽ tiến hành bầu mới HĐQT nhiệm kỳ 2022 – 2027 với 7 ứng viên.

Kết quả bầu cử HĐQT nhiệm kỳ 2022 – 2027 của CTD

Thảo luận:

 7,000 tỷ phải thu thì có 40% là nợ cảnh báo

Chi tiết 16 dự án phải lập dự phòng? Mức trích lập dự phòng 2022?

Bà Cao Thị Hải Lê – Kế toán trưởng: Kế hoạch 2022 phản ánh cực kỳ thực tế bức tranh ngành xây dựng hiện tại. Năm 2021, chúng tôi đã phần nào thể hiện các khó khăn. Tình hình có thể kéo dài nên phải dự phòng tất cả những gì xảy ra. Sau COVID-19, chúng ta không nghĩ tới tình hình chiến tranh, vụ Tân Hoàng Minh ảnh hưởng tới kinh tế vĩ mô nên chúng ta phải dự phòng.

Chúng tôi không tiện nêu tên dự án nhưng khi cần thì CTD sẽ công bố hoặc đưa ra tòa để có thể thu hồi công nợ.

Công ty trích lập dự phòng khoảng 95 tỷ đồng. Nếu không trích lập thì lợi nhuận có thể là 115 tỷ đồng.

Phiên thảo luận ĐHĐCĐ thường niên CTD tổ chức chiều 25/04/2022

Trích lập dự phòng cho năm 2023?

Bà Cao Thị Hải Lê: 7,000 tỷ phải thu thì có 40% là nợ cảnh báo từ các năm trước để lại. Sau nhiều lần làm việc thì chủ đầu tư có những khó khăn nên đã lập dự phòng đối với 66% số nợ cảnh báo, nếu tình hình xấu đi thì phải tiếp tục lập dự phòng.

Mảng dân dụng vẫn là trọng điểm của CTD

Mảng bất động sản bị siết chặt có ảnh hưởng, các dự án ký kết năm 2022 là bao nhiêu?

Ông Võ Hoàng Lâm – Phó Tổng Giám đốc: Tình trạng siết chặt đã và đang diễn ra. Các dự án ký năm 2021 và trúng thầu 2022 thì không nằm trong số các dự án bị siết. Tổng dự án ký mới đầu năm 2022 là hơn 10,000 tỷ đồng, nhà máy Tây Sa, dự án Flamingo Vĩnh Phúc, ở miền năm thì hợp tác Charm Group.

Biên lợi nhuận quý 1 và dự báo cả năm 2022?

Ông Võ Hoàng Lâm: Giá nguyên vật liệu chắc chắn có ảnh hưởng nên CTD đã xây dựng và phản ánh trong kế hoạch. Biên lợi nhuận từng dự án sẽ được công bố rộng rãi cho cổ đông sau.

Quy mô backlog 22,000 tỷ đồng nhưng sao CTD đặt kế hoạch doanh thu thấp? Quy mô tiền gửi của CTD có thể thu về lãi tiền gửi lớn nhưng sao lại phải kế hoạch thấp?

Bà Cao Thị Hải Lê – Kế toán trưởng: Năm 2021, backlog 22 ngàn tỷ đồng. Các dự án phải kéo dài 2 – 3 năm trong trường hợp được triển khai ngay. Nhưng một số dự án vướng các công đoạn khác như giải phóng mặt bằng, pháp lý… Do đó khi xây dựng doanh thu thì chúng tôi xây dựng trên tiến độ hợp đồng, yêu cầu của chủ đầu tư và tình hình thị trường bất động sản ở nơi triển khai dự án. Giá trị backlog đưa vào kế hoạch sẽ không được như đã ký kết.

Định hướng của Công ty có đang đi ngược lại với các tuyên bố trước của ông Bolat?

Ông Bolat: Kế hoạch doanh thu và lợi nhuận là kết quả của những nỗ lực của CTD. Chúng ta phải nỗ lực trước rồi kết quả sẽ đến sau. Năm 2021, đã ổn định được công ty. Trên nền tảng này, chúng ta sẽ có bước đi chiến lược tiếp theo. Mục tiêu năm 2025 là rất tham vọng, CTD sẽ dồn tất cả nguồn lực vào để đạt mục tiêu đó.

Mảng trọng điểm của CTD?

Ông Phạm Nhân Lực – Phó Tổng Giám đốc: Mảng dân dụng vẫn là trọng điểm. Năm 2021, CTD muốn tham gia một số mảng như xây dựng hạ tầng nhưng vì COVID-19 nên vẫn chưa triển khai được. Chúng tôi đang tích cực xúc tiến để tham gia các dự án hạ tầng từ nay tới năm 2025.

Vì sao nhân sự lương cao ở CTD rời đi còn nhân sự lương thấp thì ở lại?

Ông Bolat: Tôi đã ở đây 1 năm rưỡi, nhận được rất nhiều tin nhắn. Có 2 loại tin nhắn, một là than phiền, thậm chí là đe dọa. Ở CTD có 1,800 nhân viên, Công ty có trách nhiệm với 1,800 gia đình. Tôi đề cao tinh thần đoàn kết, khi tiếp xúc với con người CTD, chúng ta sẽ cảm nhận được tinh thần. Tôi làm ở Việt Nam 18 năm, trước khi đầu tư vào Công ty, tôi phải tiếp xúc với con người. Khẳng định là CTD có nền tảng vững chắc, có tương lai tươi sáng. Do đó, cần nhìn vào tương lai dài hạn. Chúng tôi làm hết sức mình, mọi cá nhân ở CTD đều làm 100% sức lực và thậm chí hơn.

Theo CTD 3 năm nay nhưng tài sản giảm tới 75% và bị giải chấp, làm sao tôi tin tưởng vào tương lai của Công ty?

Ông Bolat: Thị trường chứng khoán không dành cho nhà đầu tư ngắn hạn. Chúng ta nên nhìn vào năng lực nền tăng của Công ty. Khi đầu tư thì phải có niềm tin vào năng lực của Công ty. Trong dài hạn sẽ có thành quả.

Mô hình fin build của CTD?

Ông Ngọc Lâm: Chúng ta sẽ có hạn mức cho khách hàng, có thể từ 100 – 200 tỷ. Chúng ta sẽ không chế thời gian nợ từ 6, 9, 12 tháng. Tùy mốc thời điểm mà mức lãi suất có thể tốt hơn so với đi vay ngân hàng. Và tất nhiên là phải có thế chấp. Với một hai đối tác đã áp dụng thì chúng tôi dùng phương pháp bảo lãnh thanh toán.

Ông Bolat: Đây là một sản phẩm mới mà chúng tôi đang trong giai đoạn tìm hiểu và nghiên cứu giải pháp cho khách hàng. Mỗi khách hàng có một nhu cầu khác nhau. Định hướng là chúng ta làm việc với ngân hàng để có khoản đảm bảo cho khoan vay của khách hàng. Chúng ta phải xác định đây có phải là sản phẩm đáp ứng nhu cầu cho khách hàng không, nếu không khả thi thì chúng ta sẽ phải bỏ qua.

Công ty quan tâm tới lợi ích nhân viên nhưng còn cổ đông thì sao?

Ông Bolat: Chúng ta phải chăm sóc hệ thống vì đây chính là đội ngũ tiếp xúc với khách hàng, đem lại giá trị cho khách hàng và thu doanh thu và lợi nhuận về trong dài hạn. Từ đó mang lại lợi ích cho cổ đông, phải tìm điểm cân bằng lợi ích giữa các bên.

Tình hình tài chính của Unicons trong năm 2021?

Ông Võ Hoàng Lâm – Phó Tổng Giám đốc: Unicons là công ty thành viên của CTD nên bức tranh có sự tương đồng với CTD. Năm 2021 – đầu 2022 vận hành khoảng 30 dự án, nhiều khách hàng cũ tiếp tục đưa thêm dự án. Đồng thời, rất nhiều khách hàng mới đang giao công việc cho Công ty.

Đại hội kết thúc với các tờ trình đều được thông qua.

Chí Kiên

Nguồn: https://vietstock.vn/2022/04/dhdcd-coteccons-7000-ty-phai-thu-thi-co-40-la-no-canh-bao-737-957573.htm

[ad_2]