[ad_1]
Có người lên rừng chăn dê, có người về quê làm trang trại, lại có người tìm đến những khu du lịch nổi tiếng để làm homestay, kinh doanh dịch vụ du lịch… Dù chọn con đường nào thì có điều chắc chắn là cuộc sống của những người trẻ khi rời đô thị dù được coi là bình yên hơn thì vẫn không thể thoát khỏi vòng cơm áo gạo tiền.
Homestay du lịch của Lê Trọng ở Đà Lạt. Ảnh: NVCC
Mạo hiểm để trải nghiệm
“Tháng 12 này, mình sẽ bỏ hết phố thị Sài Gòn náo nhiệt mà về rừng. Mình dọn và thanh lý hết đồ đạc, sẽ chỉ xách 1 chiếc vali ra đi. Chẳng vì cú sốc tinh thần hay bất mãn gì với nơi này. Chỉ là rời đi vì nó không còn đồng điệu”, Mộc Khiết, cô gái 9X mở đầu câu chuyện của mình một cách thật nhẹ nhàng.
Khiết “ôm mộng” về rừng cách đây 3 năm, khi nhận ra bản thân bắt đầu thích cây cối, thiên nhiên, thích đi chân đất, thích nhịp sống an yên và mấy thứ giản dị, nhưng lại sống trong những tòa cao ốc, máy lạnh, hối hả, bon chen, không có mấy thời gian để nghĩ về chính mình. Tuy vậy, việc về rừng vẫn chỉ là “ôm mộng” bởi cô sợ rất nhiều thứ: sợ làm gia đình thất vọng, sợ không ổn định, sợ không biết phía trước là gì, không biết bắt đầu từ đâu và không biết phải xoay xở như thế nào… Thực tế nhấn chìm hết mọi mơ mộng.
“Giữa 2020, mình phát hiện mình mất quá nhiều thời gian để mộng mơ và sợ hãi. Cái mình gọi là thực tế đó không khiến mình vui vẻ, hạnh phúc và bình yên. Không phải chúng ta đang cố gắng làm mọi thứ hòng đạt được niềm vui và hạnh phúc trong cuộc sống sao? Vậy là mình đã bắt đầu lên kế hoạch. 2021 dịch bùng, Sài Gòn ốm nặng, mọi công việc và dự án của mình đều bị hủy. Đó cũng là cơ hội cho mình bắt đầu mọi thứ lại từ đầu. Vậy là trong suốt nửa năm ở nhà chống dịch, cuối cùng mình cũng đã quyết định rời đi, ngay sau khi tiêm mũi 2”, cô kể.
Gần 10 năm sống và làm việc ở TP.HCM, Mộc Khiết dự tính về Đà Lạt, thuê một nơi ở trước rồi sẽ tìm việc gì làm “chống đói”. Cô dự định làm homestay hoặc du lịch trải nghiệm… “Chưa biết sẽ đi đến đâu, thì cứ đi trước đã…”, Khiết nói.
Không quá liều lĩnh và mạo hiểm như Mộc Khiết, song Lê Trọng (26 tuổi, quê Sóc Trăng) cũng khiến bạn bè, đồng nghiệp ngỡ ngàng khi quyết định nghỉ việc ở TP.HCM để lên Đà Lạt làm du lịch. Tốt nghiệp Khoa Báo chí Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, có được một công việc đúng ngành học tại một cơ quan báo chí ngay sau khi ra trường nhưng trong suốt 4 năm qua, Lê Trọng luôn đau đáu khát khao muốn được trải nghiệm, muốn có cuộc sống mới hơn.
Quyết là làm, đầu tháng 6.2020, chàng trai trẻ này góp vốn đầu tư một homestay ở Vũng Tàu. Chỉ khoảng 6 tháng sau, Trọng thu hồi được vốn và thêm một phần lãi, đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ, du lịch lưu trú tại Đà Lạt theo đúng kế hoạch. Với số vốn tích lũy ban đầu gần 500 triệu đồng, Lê Trọng nhận sang lại một căn homestay diện tích khoảng 90 m2 (4 phòng ngủ, 6 giường) tại khu biệt thự An Sơn (Đà Lạt). Đây là homestay mà một người quen đã làm từ vài năm, đầy đủ tiện nghi và có tệp khách hàng từ trước. Tháng 5 hoàn thành thủ tục sang nhượng, homestay của Trọng chưa kịp đón khách đã phải tạm đóng cửa vì dịch bệnh. Tháng 10, Trọng quay lại Đà Lạt, sửa sang, chuẩn bị mọi thứ và vừa chính thức mở lại homestay vào tháng 11.
“Bỏ công việc ổn định để một mình tới sinh sống, lập nghiệp ở một nơi hoàn toàn xa lạ, chắc chắn rất mạo hiểm. Tuy nhiên, cuộc sống hiện nay tạo cho người ta có nhiều cơ hội, nhiều lựa chọn. Bạn không phải chỉ đóng khung đi học rồi ra trường tìm công việc đúng ngành, đúng nghề để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Mình thích được trải nghiệm ở nhiều nơi, sống ở đó lâu để thấu hiểu hết văn hóa con người nơi mình đến. Mình còn trẻ, còn nhiều cơ hội để mạo hiểm mà”, Trọng chia sẻ.
Vài năm trở lại đây, ngày càng có nhiều bạn trẻ bỏ phố về quê làm nông nghiệp, làm nhà vườn. Ảnh: GIA BÌNH
Không phải “cuộc chơi” của những kẻ mộng mơ
Khát vọng, nhiệt huyết tuổi trẻ lớn là vậy, song Lê Trọng phải thừa nhận việc bỏ phố về rừng lập nghiệp chắc chắn không phải cuộc chơi cho những kẻ mộng mơ. Để có thể sống được với sự mạo hiểm của mình, cần có kế hoạch dự trù, kế hoạch tài chính thật sự “khỏe”, nhất là đối với những bạn trẻ.
Trọng cũng vậy, dự tính sẽ chuyển lên sống ở Đà Lạt, dồn toàn bộ lực để đầu tư 3 căn homestay tại thành phố sương mù nhưng Trọng vừa phải quay trở về TP.HCM để tìm kiếm thêm các cơ hội đầu tư khác. Bởi căn homestay đầu tiên vừa sang nhượng xong thì dịch bùng phát, chưa nhận được khách nào đã phải đóng cửa. Trong thời gian đó, Trọng vẫn phải bỏ vốn duy trì chi phí thuê nhân viên dọn dẹp, vệ sinh, tiền mặt bằng (đã đóng theo năm)…, đồng thời đặt cọc nhận sang nhượng thêm 2 căn homestay. Tới tháng 5, tháng 6, dịch bệnh ngày càng căng thẳng, tương lai ngành du lịch còn mờ mịt, Trọng đành bỏ cọc, không lấy thêm 2 căn homestay đang tính mở rộng. Hiện tại, Trọng đã phải quay trở về TP.HCM, tiếp tục tìm kiếm cơ hội đầu tư một số kênh khác lấy tiền trang trải cuộc sống.
Bỏ phố về quê, tưởng chừng đơn giản nhưng thực tế không hề dễ dàng. Chia sẻ câu chuyện của mình, anh N.D.T thừa nhận đang vô cùng áp lực sau thời gian trở về Tây nguyên trồng cà phê. Làm quần quật cả năm, thu nhập thấp, chi phí ngày càng tăng khiến anh rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Anh N.D.T chia sẻ, sau 8 năm khăn gói từ quê vào TP.HCM lập nghiệp, năm 2010, công ty anh bị doanh nghiệp khác thâu tóm. Cơ chế mới ngột ngạt, anh T. nảy sinh ý tưởng bỏ phố về quê.
“Nhà tôi ở Tây nguyên, có 5 ha đất trồng cà phê. Tháng đầu tiên trở về, bạn bè tôi nhiều nên nhậu nhẹt, cà phê tối ngày. Đến tháng thứ hai, tôi mới thấm cuộc sống vất vả ở nông thôn. Tôi làm việc phơi nắng phơi mưa, mà nói về làm nông thì trồng cà phê là nặng nhất. Công việc kéo dài suốt năm, làm một nửa, cho thuê một nửa. Xét về mặt kinh tế lại càng tệ hơn, cây cà phê mỗi năm chỉ thu hoạch một lần, sau khi trừ hết chi phí, còn lại chẳng đáng bao nhiêu. Nhiều người nói tôi sao không thuê người làm cho đỡ cực nhưng suốt nhiều năm, giá cà phê không lên, trong đó chi phí nhân công, phân bón tăng gấp 5 lần. Nếu thuê nhiều người làm thì sao có lời? Còn trồng cây khác thì dù là chanh dây, chuối, hay sầu riêng… đến lượt mình thu hoạch giá cũng lại rẻ bèo”, anh N.D.T thở dài.
“Bốn năm sau, tôi cưới vợ quê ở Bình Dương. Bà xã học ra trường nhưng về quê chẳng biết xin việc ở đâu. Ở nhà mãi cũng chán, làm rẫy lại không được, nên hai vợ chồng tôi càng stress nặng. Kế hoạch quay lại Bình Dương trong chúng tôi ngày một lớn, trong đầu tôi giờ đây lúc nào cũng nghĩ về chuyện đó”, người đàn ông đã ngoài 30 thừa nhận.
Phải tính kỹ bài toán kinh tế
Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển phân tích, xu hướng về nông thôn làm trang trại, làm nông nghiệp, làm nhà vườn của nhiều người sống ở thành thị đã diễn ra nhiều năm qua. Đứng đầu là mô hình farmstay kết hợp mô hình nghỉ dưỡng của chủ nhà và cho khách du lịch thuê. Có nhiều dịch vụ này nổi lên ở các tỉnh xung quanh TP.HCM như Bảo Lộc, Đà Lạt và sau đó lan rộng về Long Khánh (Đồng Nai), miền Tây… Gần Hà Nội thì có xu hướng về Sóc Sơn, Hòa Bình, Vĩnh Phúc… Mô hình này chủ yếu là tạo ra nông trại gắn liền với cảnh quan thiên nhiên để nghỉ dưỡng. Nhưng để duy trì hoạt động farmstay thì phải có người phục vụ chuyên nghiệp, cần được chăm sóc thường xuyên để tránh tình trạng xuống cấp nên chi phí cao, doanh thu không cáng đáng nổi dẫn đến thua lỗ. Thế nên có nhiều người cách đây 10 – 15 năm đã hào hứng đầu tư farmstay nhưng sau một thời gian lại không phù hợp với môi trường xung quanh; vườn bị hư hại, mất mát… nên cuối cùng đã bỏ hoang hoặc thậm chí bán rẻ rút lui trở lại TP.
“Nếu có ý định đầu tư đất nông nghiệp chờ giá lên cũng như ý định đầu tư đất nền, nhà phố thì phải tìm hiểu kỹ, không nên chạy theo phong trào, giá nhiều nơi đã quá cao. Còn với những cá nhân khi đầu tư làm nông nghiệp về quê ở hẳn thì cũng không dễ thành công nếu vốn ít, quỹ đất nhỏ bởi khi đó chưa có đủ kinh nghiệm trong trồng trọt chăn nuôi thì phải mất nhiều thời gian. Nếu thuê người làm thì sẽ tốn thêm nhiều chi phí mà doanh thu ban đầu chưa có. Vì vậy, bài toán kinh tế phải được tính thật kỹ để không bị giữa chừng đứt ngang”, vị chuyên gia này lưu ý.
[ad_2]