Có người ôm nợ sau cơn sốt đất, nhưng cũng có người chỉ đi “ngang qua” cơn sốt chóng vánh cũng kiếm được tiền tỉ, thậm chí chục tỉ đồng. Họ là ai? Cách họ kiếm tiền như thế nào sau mỗi cơn sốt đất.

Vừa là môi giới, vừa là nhà đầu tư, gần như tài sản hiện tại của anh Q, (ngụ Tp.HCM) đến từ những thương vụ đầu tư lướt sóng, mua nhanh bán nhanh trong cơn sốt đất nền tỉnh.

Những nhà đầu tư "đi ngang" cơn sốt đất và hốt tiền tỉ, cách họ kiếm tiền như thế nào?

Chia sẻ với chúng tôi, anh Q cho hay, thực tế thì không phải ai cũng biết cách lướt sóng đất nền. Có nhiều người có kinh nghiệm 5-7 năm trong nghề cũng không ít lần thất bại khi đầu tư BĐS lúc sốt nóng. Nhiều người có dòng tài chính vững lại càng coi nhẹ việc lướt sóng nên thành ra không phải lúc nào cũng thành công.

“Đã xác định bỏ tiền vào lúc thị trường đang nóng sốt, nhà đầu tư phải xác định: đi nhanh một bước và rút nhanh một bước so với nhà đầu tư khác. Cho nên, việc nắm bắt thông tin để đón cơn sốt là cực kì quan trọng. Những nhà đầu tư có kinh nghiệm, họ chỉ vào thị trường giai đoạn đầu, khoảng 1 tháng đầu tiên khi đất sốt, kiếm tiền chủ yếu trong giai đoạn đó, rồi rút dòng tiền ra…”, anh Q chia sẻ.

Nhưng làm sao để biết “điểm dừng” mà rút chân ra?, anh Q cho rằng, lúc thị trường đang âm ỉ sốt, thông tin chưa rầm rộ, lúc này chủ yếu môi giới và nhà đầu tư biết với nhau thì chính là thời điểm nhà đầu tư “ôm” vào, và bán ra khi thị trường có dấu hiệu mua – bán sôi nổi, tức các nhà đầu tư khác đổ vào mua nhiều. Lúc này, bán ra vì giá đã gần như đạt đỉnh, nhường cơ hội cho những nhà đầu tư đi sau (trong số những những đầu tư vào sau này, rất nhiều người sẽ rút chân không kịp khi sốt đất hạ nhiệt).

“Nếu là nhà đầu tư có kinh nghiệm lướt sóng trong các cơn sốt đất sẽ nhận thấy chu kì rất rõ là các cơn sốt chỉ diễn ra trong vòng 3 tháng, cao nhất là 5 tháng. Cho nên, để kiếm được tiền chắc ăn, thì nhà đầu tư chỉ nên mua – bán trong khoảng 1-2 tháng đầu”, nhà đầu tư này cho biết.

Ngoài ra, theo anh Q, trong mỗi cơn sốt đất đi qua, nhà đầu tư không nên ôm BĐS quá nhiều, chỉ nhấn nhá vào một vài BĐS có tính thanh khoản để dễ ra hàng, tức phải biết chọn lọc. Thực tế nhiều nhà đầu tư có dòng tài chính mạnh, tranh thủ lúc đất đai chuẩn bị sốt ôm vào rất nhiều, thì nếu có kiếm được kha khá từ một vài BĐS, còn lại bị down giá sau khi “xì hơi” thì tính ra cũng bằng hoà. Tuy nhiên, đối tượng này không đáng lo ngại vì có tài chính mạnh để giữ tài sản, đáng lo nhất là những nhà đầu tư đi vay tiền để ôm BĐS.

Như vậy theo chia sẻ của anh Q cho thấy, cách nhà đầu tư này kiếm tiền tỉ trong các cơn sốt đất vùng ven là biết cách vô nhanh, rút cũng nhanh. Nhắm đến khu vực đó khoảng 2-3 tháng nữa sẽ lên cơn sốt, anh Q bỏ tiền theo kiểu “ké” một phần, có được lợi nhuận rồi rút ra. Không quá tham lam lợi “đậm” cũng là cách nhà đầu tư này thắng trong những đợt lướt sóng, không phải ôm quả bom nổ chậm sau các cơn sốt đất.

Dĩ nhiên, theo anh Q, cũng không phải đợt sốt đất nào mình cũng thắng 100%. Có những tài sản tính “lướt sóng” nhưng thành “lâu dài” do quá kỹ trong việc lựa chọn sản phẩm đầu tư, hoặc đoán sai/đoán chệch cơn sốt đi qua. Hoặc ở một vài khu vực, cơn sốt diễn ra chỉ đúng một tháng khiến việc mua bán gấp gáp, khó ra hàng nhanh và lợi nhuận cũng không như kì vọng.

Mới đây, chia sẻ tại toạ đàm, một nhà đầu tư có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực BĐS cho hay “khi đi qua Bảo Lộc, tôi dự đoán 3 tháng nữa đất khu vực này sẽ lên cơn sốt. Đúng như dự đoán. Nhưng tôi không dồn hết tiền vào đó, mà chỉ ké một phần rồi rút ra”. Theo nhà đầu tư này, khi nhìn thấy một khu vực dễ lên cơn sốt nhanh thì cũng rất dễ xuống giá nhanh, cho nên phải cân nhắc dòng tiền và thời điểm bỏ tiền vào.

Đó cũng là lý do không ít nhà đầu tư vào giai đoạn đỉnh sốt, cứ ngỡ sẽ kiếm tiền đậm trong nhưng hoá ra chỉ là vào để “nắm rủi ro” cho những nhà đầu tư đã rút ra trước đó.

Theo ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc nhà ở CBRE Việt Nam, đa số người được hưởng lợi trong các cơn sốt đất là nhà đầu cơ, nhà đầu tư có tiềm lực tài chính đủ mạnh, thu gom hàng nhanh và ra hàng cũng nhanh; có khả năng kiểm soát được giá và giao dịch. Họ cũng chính là đối tượng gây ra các cơn sốt đất, gần như chỉ xuất hiện ở giai đoạn đầu của cơn sốt; quyết định rất nhanh khi nào bước vào và rút ra. Còn người thiệt hại là những người đi sau, vào ăn theo, mua phải giá cao trong đỉnh sốt, nhưng đi qua cao trào, khó bán ra.