[ad_1]
Một dự án của Tập đoàn Vingroup tại vùng Đông Quảng Nam Ảnh: Lê Phước Bình
Nhiều dự án quy mô lớn
Đầu tiên là Công ty cổ phần Tập đoàn C.E.O đề xuất được khảo sát lập quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 một dự án tại tỉnh Quảng Nam.
Ngày 4/4 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh đã có công văn đề nghị Công ty cổ phần Tập đoàn C.E.O làm việc với Ban Quản lý các Khu kinh tế và Khu công nghiệp tỉnh để được hướng dẫn, giải quyết theo đúng quy định.
Ông Thanh cũng giao Ban Quản lý các Khu kinh tế và Khu công nghiệp tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ được giao, xem xét các đề xuất của công ty để trả lời đảm bảo theo quy định pháp luật.
Cũng trong ngày 4/4, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã ký công văn phản hồi về việc nghiên cứu, khảo sát khu vực phát triển đại học theo tiêu chuẩn quốc tế của Viện Phát triển giáo dục Đại học Sài Gòn.
UBND tỉnh thống nhất chủ trương cho Viện Phát triển giáo dục Đại học Sài Gòn khảo sát, nghiên cứu khu vực phát triển dự án Khu phức hợp Đại học Quốc tế Quảng Nam tại xã Tam Tiến thuộc Khu kinh tế mở Chu Lai và các xã Tam Xuân 1, Tam Xuân 2, huyện Núi Thành và xã Tam Dân, huyện Phú Ninh.
UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị trong quá trình khảo sát cần lưu ý các khu vực rừng phòng hộ, khu vực ngập lụt, dòng chảy, môi trường sinh thái; quy hoạch chung Khu Kinh tế mở Chu Lai, Quy hoạch chung thị trấn Núi Thành mở rộng, Quy hoạch vùng huyện Phú Ninh và các quy hoạch nông thôn mới tại những nơi nghiên cứu.
Về quy mô, UBND tỉnh sẽ xem xét sau khi Viện Phát triển giáo dục Đại học Sài Gòn thực hiện khảo sát và đề xuất có tính khả thi.
UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, trong năm 2021, tỉnh đã cấp mới 44 dự án, với tổng vốn đăng ký khoảng 6.535 tỉ đồng, trong đó có 4 dự án khu dân cư, khu đô thị và 2 dự án lựa chọn nhà đầu tư theo tiêu chí.
Cũng trong năm này, tỉnh Quảng Nam đã điều chỉnh 52 dự án và chấm dứt hoạt động 10 dự án. Đến nay, tổng số dự án đầu tư trong nước còn hiệu lực trên địa bàn tỉnh là 914 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 236.023 tỉ đồng.
Lĩnh vực đầu tư chủ yếu tập trung vào các ngành công nghiệp, nông nghiệp, du lịch, dịch vụ…
Trong số các dự án đầu tư có quy mô lớn đang triển khai trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có Trung tâm Phát triển nông nghiệp Thadi – Chu Lai của Công ty cổ phần sản xuất chế biến và phân phối nông nghiệp Thadi (vốn đầu tư 3.000 tỉ đồng).
Công ty cổ phần ô tô Trường Hải với dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp có vốn đầu tư 2.095 tỉ đồng.
Tập đoàn VinGroup với Khu phức hợp du lịch nghỉ dưỡng Vinpearl Nam Hội An có vốn đầu tư 4.800 tỉ đồng.
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có một số dự án đầu tư trên lĩnh vực du lịch, phát triển đô thị, công nghiệp chế tạo, nông nghiệp công nghệ cao của các nhà đầu tư chiến lược khác.
Tập đoàn Thaco Trường Hải dự kiến sẽ tiếp tục đầu tư khoảng 2.000 tỉ đồng để phát triển Trung tâm cơ khí của Thaco tại Chu Lai, biến nơi đây thành trung tâm cơ khí đa dụng của miền trung.
Công ty NutiFood cũng đầu tư vào Công ty CP Thương mại Dược – Sâm Ngọc Linh Quảng Nam khoảng 2.000 tỉ đồng.
Trong số những tập đoàn, công ty lớn đang nghiên cứu đầu tư vào Quảng Nam không thể không kể đến như SunGroup, FLC, FPT, Tập đoàn Liên Thái Bình Dương, liên doanh các nhà đầu tư Singapore… với các lĩnh vực như logistic, công nghiệp hàng không, khu phi thuế quan, sàn giao dịch thương mại quốc tế, khu đô thị công nghệ cao.
Đơn cử như Công ty CP Tập đoàn Ecopark đề xuất đầu tư dự án Khu đô thị sinh thái Ecopark Quảng Nam, thuộc địa bàn huyện Duy Xuyên, quy mô khoảng 2.600ha.
Hay mới đây, ngày 02/3/2022, Công ty Cổ phần Novagroup có văn bản gửi đến UBND tỉnh Quảng Nam xin nghiên cứu đầu tư dự án Khu đô thị biển quy mô 3.000 ha, thuộc xã Duy Hải, Duy Nghĩa (huyện Duy Xuyên) và xã Bình Dương, (huyện Thăng Bình), dọc theo ven sông Trường Giang và khu vực ven biển
Dự án nạo vét sông Trường Giang sẽ kích hoạt làn sóng đầu tư mới tại vùng Đông Quảng Nam.
Chờ làn sóng đầu tư mới
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh vừa ký Quyết định số 396/QĐ-TTg về chủ trương đầu tư dự án “Phát triển tích hợp thích ứng tỉnh Quảng Nam”.
Đây là dự án nạo vét sông Trường Giang, với tổng chiều dài khoảng 60km, từ Ngã ba An Lạc (Cửa Đại) đến Cửa Lở (vịnh An Hòa). Dự kiến sẽ có 6 cây cầu bắc qua sông Trường Giang, gồm cầu Bình Dương, cầu Hưng Mỹ, cầu Bình Nam, cầu Tỉnh Thủy, cầu Tam Thanh (QL40B) và cầu Tam Tiến (trên tuyến N5).
Dự án có tổng vốn đầu tư 2.748,61 tỉ đồng, từ vốn vay Ngân hàng Thế giới 1.832,1 tỉ đồng và nguồn vốn đối ứng 916,51 tỉ đồng.
Dự án thuộc nhóm A, thời gian thực hiện từ năm 2022 đến năm 2027. Mục tiêu đầu tư của dự án nhằm tăng cường kết nối, loại bỏ các trở ngại về cơ sở hạ tầng của các khu kinh tế trọng điểm ven biển, cũng như các khu dân cư và các khu du lịch ven biển, tạo ra một hệ thống giao thông thông suốt đồng bộ góp phần phát triển kinh tế xã hội.
Dự án sẽ cải tạo hệ thống giao thông thủy nội địa, tăng cường tiêu thoát lũ lưu vực sông Trường Giang, phục vụ dân sinh, du lịch và phát triển kinh tế khu vực. Khi hoàn thành, dự án sẽ giảm nhẹ sự ô nhiễm và suy suy thoái môi trường do thiên nhiên và con người tác động, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế trong khu vực ảnh hưởng dự án.
Tương tự như sông Cổ Cò, Trường Giang là dòng sông chảy song song với bờ biển vùng Đông Quảng Nam, đi qua địa bàn các huyện Duy Xuyên, Thăng Bình, Núi Thành và TP. Tam Kỳ.
Dự án nạo vét sông Trường Giang và phát triển đô thị ven sông vừa được phê duyệt được kỳ vọng sẽ kích hoạt làn sóng đầu tư bất động sản mới trên địa bàn vùng Đông của tỉnh.
Nguồn: https://cafeland.vn/tin-tuc/nhieu-ong-lon-bat-dong-san-muon-dau-tu-vao-quang-nam-108298.html
[ad_2]