[ad_1]

Khổng Tử bái kiến Lão Tử, trở về 3 ngày trầm mặc không thốt nên lời: Lí do “thâm sâu” đằng sau khiến hậu thế gật gù
Nguồn ảnh: GGIM

Lão Tử và Khổng Tử, hai bậc Thánh nhân nổi tiếng trong lịch sử Trung Hoa đã có lần tương ngộ. Và cuộc đàm đạo của các Ngài đã để lại giai thoại ngàn năm. Sau khi bái kiến Lão Tử trở về, Khổng Tử trầm mặc suốt 3 ngày không nói, cuối cùng cũng phải thốt lên…

Khổng Tử sau khi trưởng thành, thân hình cao to, có tướng mạo bất phàm, thần thái khiêm tốn và cẩn trọng. Hồi còn nhỏ mỗi khi chơi đùa, ông thích bày trí rượu gia tiên, trang trí vị trí các đồ đạc, và mô phỏng tiến hành nghi thức xã giao. Vì vậy, sau khi mẹ ông qua đời, liền có người đến để học nghi thức của ông. Khổng Tử muốn hiểu thêm về hình thức và nội hàm của nghi lễ, nên đã đến thỉnh giáo Lão Tử.

Lão Tử thọ 300 tuổi, vào thời nhà Chu, ông đảm nhiệm chức quan Thủ tàng sử, thời Ngô Vương làm trụ hạ sử. Mọi người thấy ông sống thọ như vậy, nên gọi ông là Lão Tử, nhưng trên thực tế, Lão Tử sớm đã là một người đắc Đạo. Khổng Tử rất nhiều lần thỉnh giáo Lão Tử, trong mắt Lão Tử, Khổng Tử vẫn là một đứa trẻ còn non nớt. Một lần, trước khi đến bái kiến Lão Tử, Khổng Tử phái Tử Cống đến thăm dò trước. Lão Tử thấy Tử Cống đến liền nói: “Thầy của ngươi – Khổng Tử, phải theo ta ba năm, sau đó ta mới có thể bắt đầu chỉ giáo cho thầy của ngươi những nội hàm thực chất”.

Một ngày nọ, Khổng Tử lòng ôm chí lớn đến bái kiến Lão Tử, Lão Tử liền nói: “Người giỏi làm ăn kinh doanh không dễ dàng khoe khoang tài sản, người có tài đức thường trông có vẻ “ngu ngốc, hồ đồ”, ông phải trừ bỏ tính kiêu ngạo, xem nhẹ dục vọng,… Những cái đó đối với ông, chẳng có gì tốt”.

Tuy nhiên, Lão Tử biết rằng, Khổng Tử là người mang theo sứ mệnh mà đến. Năm 35 tuổi, Khổng Tử lên đường ngu ngoạn khắp thiên hạ, Lão Tử trước khi cáo biệt Khổng Tử, nói: “Ta nghe nói, kẻ phú quý tặng người của cải, kẻ nhân nghĩa tặng người lời nói chân thành. Ta không phú cũng chẳng quý, không có của cải tặng ông, muốn tặng ông vài lời.

Thời nay, kẻ thông minh mà sâu sắc, sở dĩ hay gặp nạn, thậm chí suýt mất đi tính mệnh, là do hay chê cái sai của người; kẻ giỏi hùng biện lại thông hiểu sự việc, sở dĩ gặp họa liên miên, là do hay vạch ra cái xấu của người. Là bậc làm con, đừng cho mình là cao; là bậc bề tôi, đừng cho mình là hơn. Mong ông nhớ kỹ”.

Khổng Tử nghe xong, bái lạy nói: “Học trò nhất định ghi nhớ trong lòng!”.

Thấm thoát trải qua 30 năm, Khổng Tử đã 68 tuổi, đã hiểu và nếm trải qua những dư vị của cuộc đời, những điểm hóa thuyết Đạo của Lão Tử dành cho Khổng Tử, càng ngày càng rõ ràng hơn.

Một ngày, Khổng Tử đang đọc sách, Lão Tử bèn hỏi: “Ông đang đọc sách gì vậy?

Khổng Tử trả lời: “Là Kinh Dịch, là sách mà cách bậc Thánh nhân cổ đại thường đọc”

Lão Tử nói: “Những bậc thánh nhân có thể đọc nó, tại sao ông cũng đọc? Nội hàm chủ yếu trong cuốn sách là gì?”

Khổng Tử trả lời: “Là nhân nghĩa”.

Lão Tử hỏi Khổng Tử: “Ông đã đắc Đạo rồi chứ?”.

Khổng Tử bèn nói: “Học trò cầu Đạo đã 27 năm, vẫn chưa đắc được. Học trò nghiên cứu “Kinh thi”, “Kinh thư”, “Chu lễ”, “Chu nhạc”, “Kinh dịch” và “Kinh Xuân Thu”, thuyết giảng đạo trị quốc từ thời Tam Hoàng, hiểu rõ con đường công danh của Chu Công, Triệu Công, học trò đem dâng cho hơn 70 vị vua, nhưng không ai sử dụng. Xem ra con người khó thuyết phục quá!”.

Lão Tử nói: “Lục nghệ của ông đều là lịch sử cũ xưa của các đời vua xưa, ông thuyết giảng những cái đó có tác dụng gì? Những thứ ông đang tu luyện, đều là những tích xưa cũ. “Tích” chính là dấu tích vết giày người ta để lại, dấu chân với dấu chân, thì có gì khác nhau?”.

“Tính cách của con người không thể thay đổi, vận mệnh của con người đã được sắp đặt sẵn. Sự vận hành của thời gian không thể dừng lại, Đại Đạo của vũ trụ là tồn tại vĩnh hằng. Nếu một người có thể hiểu được Pháp lý của vũ trụ, bất kể là họ đi đâu, đều có thể tồn tại”.

Khổng Tử từ chỗ Lão Tử trở về, suốt 3 ngày im lặng không nói năng gì. Học trò Tử Cống lấy làm lạ bèn hỏi thầy làm sao. Khổng Tử lúc này mới đáp:

“Nếu ta gặp người có suy nghĩ thoáng đạt như chim bay, ta có thể dùng luận điểm chính xác sắc bén như cung tên của ta bắn hạ chế phục họ. Nếu tư tưởng của người ta vun vút không trói buộc như hươu nai chạy, ta có thể dùng chó săn đuổi theo, nhất định khiến họ bị luận điểm của ta chế phục.

Nếu tư tưởng của họ như con cá bơi trong vực sâu của lý luận, ta có thể dùng lưỡi câu để bắt lên.

Nhưng nếu tư tưởng họ như con rồng, cưỡi mây đạp gió, ngao du nơi cảnh huyền ảo thái hư (vũ trụ mênh mông huyền bí), không ảnh không hình, không nắm bắt được, thì ta chẳng có cách nào đuổi theo bắt được họ cả.

Ta đã gặp Lão Tử, thấy cảnh giới tư tưởng ông như rồng ngao du trong thái hư huyền ảo, khiến ta cứ há miệng mãi mà không nói ra lời, lưỡi thè ra cũng không thu lại được, khiến cho ta tâm thần bất định, chẳng biết ông rốt cuộc là người hay là Thần nữa. Lão Tử, thực sự là Thầy của ta!”.

Và hàng ngàn năm sau, những tư tưởng sâu xa, thâm thúy của Lão Tử cho đến ngày nay vẫn là những lời dạy vô giá đối với hậu nhân.

Lan Hòa biên dịch – Nguồn: Sound Of Hope (Văn Tư Mẫn)

Xem thêm

[ad_2]